Một đời tận hiến cho khoa học
“9h50’ sáng 29/8, trái tim Thầy đã ngừng đập. Khi ngồi ở tầng 1 nghe về thông tin lễ tang của Thầy, tôi vẫn nghĩ Thầy nằm trên tầng 2, lát nữa, Thầy sẽ xuống, ngồi đúng chiếc ghế kia, Thầy sẽ châm một điếu thuốc và bắt đầu say sưa, vừa…rung chân, vừa nói về lịch sử. Tôi sẽ chăm chú lắng nghe, cố gắng nhớ tất cả những gì Thầy nói, từng từ, từng từ một. Thi thoảng Thầy dừng lại, cười một điệu cười hiền, nhả một làn khói và tiếp tục nói tiếp. Nếu cứ để Thầy nói về chuyên môn, câu chuyện sẽ có thể…chẳng bao giờ dừng”, TS Hồ Thị Liên Hương, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội dường như vẫn không tin được sự thật, rằng người Thầy tôn kính của mình - PGS.TS Vũ Quang Hiển đã mãi mãi ra đi.
|
PGS.TS Vũ Quang Hiển đã dành gần trọn cuộc đời cống hiến cho khoa học, giáo dục. Ảnh: USSH. |
TS Hồ Thị Liên Hương cho biết, PGS.TS Vũ Quang Hiển có một bút lực dồi dào, tinh thần nghiên cứu khoa học say mê. Ông là tác giả và đồng tác giả của 62 cuốn sách, 246 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu ở Việt Nam, trong các hội thảo quốc tế cũng như trong nước, chủ trì và tham gia 16 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Lĩnh vực nào PGS Hiển cũng am tường, nhưng ông viết nhiều nhất, tập trung nhất chính là về chiến tranh cách mạng Việt Nam. Chủ đề đó gắn liền với hiện thực cuộc đời người lính khu V ông đã trải qua. Đó cũng là cách ông tri ân đồng đội của mình.
Năm 1979, khi bảo vệ tốt nghiệp đại học, ông đã làm về cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Luận án tiến sĩ của ông làm về căn cứ du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ. Và có đến hơn 80% công trình công bố của ông liên quan đến chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Năm 2020, ông ra mắt cuốn sách “Đường lối quân sự của Đảng - Lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản” – cuốn sách kết tinh cả một đời nghiên cứu, giảng dạy của ông. Ông tâm huyết với trí tuệ đánh giặc của dân tộc, của Đảng và các lực lượng vũ trang nhân dân. Ông còn ấp ủ những dự định cho một cuốn sách ra đời vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.
|
PGS.TS Vũ Quang Hiển trong một hội thảo khoa học. Ảnh: USSH. |
Gần trọn một đời tận hiến cho khoa học, những con số công trình nghiên cứu tưởng chừng khô khan, định hình nên tên tuổi của một nhà khoa học lớn là kết quả của nhiều đêm không ngủ, của sự miệt mài làm việc không mệt mỏi của ông trong nhiều năm đằng đẵng.
Chuyện kể, khi quay về Khoa Lịch sử (Trường ĐH Tổng hợp – nay là ĐH KHXH&NV) học tập, thời bao cấp khó khăn, nhiều hôm mất điện, các bạn học về trước, cậu sinh viên Hiển vẫn ngồi lại, châm đèn dầu đọc sách đến đêm khuya. Ngày hôm sau, cả hai lỗ mũi đen kịt vì khói muội của đèn dầu.
Và niềm say mê trong nghiên cứu lịch sử ấy đã chảy mãi trong ông cho tới tận những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh.
Người thầy tôn kính, hết lòng vì giáo dục
Trong ký ức nhiều thế hệ học trò, PGS.TS Vũ Quang Hiển là người thầy tận tâm, bao dung, hết lòng thương yêu học trò.
TS Hồ Thị Liên Hương chia sẻ, chị may mắn được làm học trò của PGS.TS Vũ Quang Hiển, được ông dìu dắt khi mới chập chững nghiên cứu khoa học năm đầu tiên trên giảng đường đại học; sau đó là khóa luận tốt nghiệp, và luận văn thạc sỹ. Sau này, khi bảo vệ luận án, sự có mặt của ông trong Hội đồng giúp chị thêm tự tin để có được kết quả tốt nhất.
|
TS Hồ Thị Liên Hương chia sẻ, chị may mắn được làm học trò của PGS.TS Vũ Quang Hiển. Ảnh: NVCC. |
PGS.TS Vũ Quang Hiển là người thầy luôn thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của học trò, hỗ trợ học trò.
“Tôi nhớ khi tôi chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sỹ, 1h đêm tôi vẫn nhắn tin hỏi Thầy trong nỗi lo bị Thầy mắng vì nhắn giữa đêm. Ấy vậy mà Thầy không mắng mà trả lời ngay. Và cho đến tận hôm nay, 16 năm tôi làm học trò của Thầy, Thầy chưa bao giờ nói một từ nào nặng lời. Thầy luôn vậy, bao dung, yêu thương, tận tụy.
Khi Thầy đã rất yếu, ăn uống và đi lại đều đã khó khăn, Thầy vẫn cố gắng có mặt tại hội đồng bảo vệ cấp cơ sở của anh Thuận - một nghiên cứu sinh mà Thầy đang hướng dẫn. Thầy dù đã hướng dẫn 17 nghiên cứu sinh, 54 thạc sỹ, nhưng chỉ còn một học trò chưa bảo vệ, Thầy vẫn canh cánh nỗi lo. Thầy không phải NGND, NGUT, nhưng Thầy sẽ sống mãi trong lòng mỗi học trò chúng tôi mà không cần bất cứ sự xác nhận nào khác thay thế. Tôi tôn kính Thầy”, TS Hồ Thị Liên Hương xúc động.
TS Hồ Thị Liên Hương cho biết, là một giảng viên đại học, nhưng PGS.TS Vũ Quang Hiển cũng dành nhiều tâm sức cho giáo dục lịch sử phổ thông. Trang facebook cá nhân của ông có hàng nghìn giáo viên, học sinh phổ thông theo dõi. Hằng ngày, ông vẫn dành một thời gian nhất định để trả lời các câu hỏi của các em trên mọi miền Tổ quốc.
Những câu hỏi chung, ông trả lời trên trang cá nhân. Nhiều câu hỏi riêng, ông không quản ngại mở từng tin nhắn, trả lời từng em một.
“Có lần Thầy đi công tác Cà Mau. Biết tin Thầy đến, một em học sinh cố gắng bắt xe đến gặp Thầy và biếu Thầy 2/3 chai mật ong. Em không có đủ 1 chai mật ong để biếu Thầy, nhưng tình cảm của em, sự kính trọng, yêu mến, tri ân của em, không thể đong đếm được”, TS Hồ Thị Liên Hương chia sẻ.
Và không chỉ là một người thầy tận tâm với công việc giảng dạy, với sự hiểu biết của một nhà nghiên cứu lịch sử và trách nhiệm của một người làm giáo dục, PGS.TS Vũ Quang Hiển còn là một nhà phản biện giáo dục, sẵn sàng lên tiếng trước những vấn đề nóng liên quan đến môn Lịch sử.
ThS, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ, ông luôn coi PGS.TS Vũ Quang Hiển là người thầy lớn của mình, dù PGS Hiển không phải là giáo viên dạy trực tiếp ông thời cấp 3, đại học hay cao học.
|
Thầy giáo Trần Trung Hiếu (bìa phải) và PGS.TS Vũ Quang Hiển tại Hội thảo quốc tế tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV tháng 12/2013. Ảnh: NVCC. |
Với ông, PGS.TS Vũ Quang Hiển là một nhà khoa học xuất sắc về nhiều kiến thức chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Lịch sử Đảng và Lịch sử quân sự Việt Nam; một người thầy thẳng thắn, sắc sảo, bản lĩnh, tận tâm với nghề, tận tụy với trò, tận hiến với Sử.
Và trong hành trình 20 năm với “kỷ niệm chất đầy như núi”, một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông đối với PGS Hiển, đó là năm 2015, hai người cùng đấu tranh để giữ lại môn Lịch sử trong Chương trình GDPT.
|
GS.VS.NGND Phan Huy Lê (ngoài cùng bên trái), PGS.TS Vũ Quang Hiển (giữa) và thầy giáo Trần Trung Hiếu tại nhà riêng GS Lê, tháng 9 năm 2015. Ảnh: NVCC. |
“Kỷ niệm khó quên nhất là năm 2015, tôi cùng Thầy thường xuyên gọi điện, nhắn tin về môn Sử, đấu tranh vô cùng quyết liệt, kiên cường trong cuộc đấu tranh giữ lại tên môn Lịch sử trong Chương trình GDPT năm 20015 (sau đó được thay bằng CTGDPT năm 2018). Ngôi nhà của thầy ở đường Lương Thế Vinh và nhà Thầy Phan Huy Lê ở số 7 Ngõ Vọng Đức trở thành nơi hội ngộ quen thuộc của tôi, Thầy Hiển trong gần 4 tháng “ngoan cường” ấy”, ông Hiếu chia sẻ.
Với nhiều học sinh, đồng nghiệp, sự ra đi của PGS.TS Vũ Quang Hiển là một mất mát lớn.
“Tôi và rất nhiều học trò của Thầy – tôi tin là vậy, đều chưa thể chấp nhận sự thật, Thầy của chúng tôi – PGS.TS Vũ Quang Hiển đã mãi mãi ra đi và…không bao giờ chúng tôi có thể gặp lại Thầy một lần nào nữa. Xin cúi đầu vĩnh biệt một người Thầy dạy Sử đáng kính”, TS Hồ Thị Liên Hương viết những dòng tiễn biệt đau buồn.
PGS.TS Vũ Quang Hiển sinh ngày 21/12/1951 tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1969, ông là giáo viên tại Trường cấp II Đồng Hướng, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Từ năm 1970 đến năm 1974, ông nhập ngũ, là bộ đội thuộc Quân khu V, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt.
Từ năm 1975-1979, sau khi từ chiến trường trở về, ông học đại học tại khoa Sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội). Từ năm 1980-2014 ông là giảng viên Khoa Lịch sử của Trường.
PGS.TS Vũ Quang Hiển mất ngày 29/8/2022 (tức ngày 5 tháng 8 năm Nhâm Dần), thọ 72 tuổi.
Lễ viếng của PGS.TS Vũ Quang Hiển được tổ chức vào hồi 16 giờ ngày 31/8/2022 tại Nhà Tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang quê nhà (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).