Trong số 6 nhà khoa học Việt Nam trong hệ thống vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh có GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA).
Cả cuộc đời tận hiến cho nền nông nghiệp nước nhà, là “cha đẻ” của 26 giống cây trồng Việt Nam, GS.VS Trần Đình Long được người dân trìu mến gọi là “Viện sĩ của nhà nông”, “ông Cỏ Ngọt”…
|
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - Ảnh: Trần Hải. |
Vinh dự là nhà khoa học của VUSTA được vinh danh
GS.VS Trần Đình Long cho biết, trong số 100 nhà khoa học thế giới được RAS vinh danh dịp này, Việt Nam có 6 nhà khoa học. Trong số đó, có 4 nhà khoa học thuộc VUSTA, gồm GS.VS, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đầu tiên của VUSTA (ông mất năm 1997); GS.VS Nguyễn Văn Hiệu từng là Phó Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam (ông mất năm 2022); GS.TSKH.VS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA từ 2010-2020 - hiện là Chủ tịch danh dự của VUSTA và ông.
“Đây là niềm vinh dự lớn lao của các nhà khoa học Việt Nam. Những việc của mình làm tuy nhỏ bé nhưng được công nhận ở tầm quốc tế, đó là điều đáng tự hào, nhất lại là khi còn là một nhà khoa học thuộc VUSTA”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.
|
Lãnh đạo, cán bộ nhân viên VUSTA và đại biểu khách mời chúc mừng GS.VS Đặng Vũ Minh và GS.VS Trần Đình Long được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh. Ảnh: VUSTA. |
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, GS.VS.TSKH Trần Đình Long toả ra nguồn năng lượng đam mê vô tận khi ông nói về giống cây trồng, khát vọng về nông nghiệp sạch.
GS.VS Trần Đình Long (SN 1941 ở Cẩm Khê, Phú Thọ), là cựu học sinh Trường THPT Hùng Vương, khóa 58-61 (cùng khóa với nhà thơ Phạm Tiến Duật). Sinh ra ở miền quê rừng cọ đồi chè, đồng xanh mướt mát, bố mẹ đều làm nông nghiệp, tình yêu với đồng ruộng ngấm dần trong ông. Ông muốn làm điều gì đó để bà con mình đỡ vất vả. Đó cũng là lý do ông chọn theo lĩnh vực nông nghiệp.
Tốt nghiệp cấp 3, ông học Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinev – KGU (Liên Xô). Trở về nước, ông giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, sau đó, chuyển công tác về giảng dạy tại trường Đại học Nông Nghiệp II, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.
Gần trọn một đời cống hiến cho khoa học, GS.VS Trần Đình Long đã có nhiều cống hiến to lớn với những công trình mang tính thực tiễn, ứng dụng cao.
Ông là "cha đẻ" của 26 giống cây trồng mới, trong đó có 10 giống đậu tương, 6 giống lạc mới và 4 giống đậu xanh được công nhận là giống Quốc gia. Các giống này đã tăng thu nhập cho người nông dân từ 15 - 20% so với giống cũ. 2 giống được cấp bằng bảo hộ quyền tác giả là Lạc L23 và Đậu tương ĐT26.
Ngoài nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống cây trồng mới, ông còn dành nhiều tâm huyết để viết sách khoa học được các đồng nghiệp, độc giả đánh giá cao. Hiện ở tuổi 84, ông vẫn say mê với công việc của mình.
Người bạn đời của GS.VS Trần Đình Long là GS.TS Hoàng Tuyết Minh - tác giả giống lúa hạt tròn đặc sản, cũng là một nhà khoa học trọn đời vì nền nông nghiệp Việt Nam. GS Hoàng Tuyết Minh vốn là học trò của GS Trần Đình Long. Có người bạn đời cùng ngành nên dễ thông cảm, chia sẻ và động viên nhau trong công việc. Tiếc là GS Minh đã qua đời vào năm 2022.
Xúc động khi được gọi “ông Cỏ Ngọt”, “Viện sĩ của nhà nông”
Trong số các giống cây trồng mới mà GS.VS Trần Đình Long nhân giống thành công, cây cỏ ngọt là dấu ấn đặc biệt. Kể lại kỷ niệm nhân giống loài cây này, GS.VS Trần Đình Long không khỏi xúc động.
|
GS.VS Trần Đình Long (trái) và giống cỏ ngọt ST77 được công nhận giống Quốc gia năm 2019, mô hình tại Nam Định. Ảnh: NVCC. |
Cây cỏ ngọt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đem về trong chuyến công tác châu Mỹ vào năm 1988, giao cho Bộ NN&PTNT với mong muốn có thể trồng nó ở Việt Nam. Bộ NN&PTNT giao xuống cho Viện Khoa học Nông nghiệp thực hiện.
Được giao nhiệm vụ, ông Long lo lắng mất ăn mất ngủ bởi thời điểm đó ông còn không biết nó là cây gì, cứ nghĩ như cây mía. Để duy trì cho cây sống đã khó, nhân giống lại càng đau đầu.
|
GS.VS Trần Đình Long kiểm tra giống cỏ ngọt ST77 tại Nam Định. Ảnh: NVCC. |
Sau khi trồng mãi mà cây không ra hoa, ông rất lo lắng. May mắn, sau khi đưa vào Đà Lạt 2 năm, cây đã ra hoa, có thể thực hiện phương pháp nhân giống bằng hạt.
Trong điều kiện nghiên cứu khó khăn, thô sơ, vất vả, từ cây cỏ ngọt duy nhất, sau 5 năm phân lập, nuôi cấy mô, giống cỏ ngọt ST88 đã ra đời, được công nhận giống quốc gia vào năm 1995. Đây là loài cây cho lượng đường ngọt gấp 300 lần so với đường mía, nhưng lại không có năng lượng, được ứng dụng trong y học, phù hợp cho người tiểu đường, béo phì.
Từ giống cỏ ngọt đầu tiên, các giống cỏ ngọt ST99, ST77 đã ra đời, với lượng đường tăng cao hơn giống đầu tiên khoảng 25%.
Đặc biệt, điều hạnh phúc của ông chính là loài cây này đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều nông dân ở Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Hòa Bình… mua được đài cassette, vô tuyến nhờ trồng cỏ ngọt. Họ gọi ông là “Viện sĩ của nhà nông”.
“Khi đến thăm bà con, họ rất vui mừng và còn đặt biệt danh cho tôi là ‘ông Cỏ Ngọt’. Tôi vui sướng lắm khi nghe bà con chia sẻ nhờ trồng cỏ ngọt mà họ mua được đài, vô tuyến, đời sống khấm khá. Đó mới thực sự hạnh phúc chứ không chỉ vì những giải thưởng nọ kia”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.
Trăn trở với nền nông nghiệp nước nhà
GS.VS Trần Đình Long cho hay, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên nông nghiệp vẫn phải là trụ đỡ. Điều rất vui là hiện tại, chúng ta đã tự chủ được nhiều giống cây trồng, cũng có những giống ngon nhất thế giới như giống lúa ST 25 (KS, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua – cha đẻ của giống lúa này là học trò của GS Trần Đình Long).
|
GS.VS Trần Đình Long bên giống đậu tương mới ĐT22 thích hợp cho vụ hè. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, bất cập của nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết, đó là phải chế biến sâu và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học nhiều, thuốc bảo vệ thực vật mà phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ để đất tốt lên.
Làm được như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không phải đạt 53 tỷ USD mà phải trên 500 tỷ USD.
Vấn đề giống quan trọng nhưng sản xuất theo hướng hữu cơ nông nghiệp tuần hoàn, để xây dựng thương hiệu đưa nông nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới cũng quan trọng không kém.
“Đó là điều trăn trở lớn nhất của tôi, làm sao để nông nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới. Mà muốn vươn tầm thế giới thì giá trị nông sản phải cao. Muốn giá trị nông sản cao thì phải sản xuất theo chuỗi và chế biến sâu rất quan trọng”, GS.VS Trần Đình Long nhấn mạnh.
Với những cống hiến của mình, GS.VS Trần Đình Long đã nhận nhiều giải thưởng như Giải thưởng quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên năm 1995; Giải thưởng "Doreen Mashler" về cải tiến năng suất và sản lượng lạc ở Việt Nam năm 2004; Giải thưởng quốc tế về tài nguyên thiên nhiên châu Á năm 2005; 6 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.