Trở về Việt Nam lần này, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture 2022 đưa ra chia sẻ và lời khuyên tới các nhà khoa học nữ trên con đường làm khoa học. Làm khoa học rất thú vị, hấp dẫn giống như chơi World Cup. Đội bóng có những cầu thủ giỏi chưa chắc thắng giải World Cup, bởi một đội bóng tốt vừa cần cầu thủ giỏi, vừa cần biết phối hợp cách chơi với nhau.
Với những người làm khoa học cũng như vậy. Người làm khoa học đơn độc cũng có thể gặt hái được những thành công, nhưng thành quả sẽ không quá lớn bằng việc mình có nguyên một đội, nhóm sát cánh với nhau.
Hơn nữa, để làm khoa học thành công, nhà nghiên cứu cũng cần có chiến thuật, đặc biệt là nữ giới. Đầu tiên, chúng ta cần chọn đề tài khoa học đúng. Thứ hai, các nhà khoa học cũng cần những đồng đội giỏi và có sự kết hợp ăn ý với nhau.
|
GS Nguyễn Thục Quyên.
|
Làm việc nhóm, phối hợp nhịp nhàng, phân công rõ ràng, là những thứ đặc biệt quan trọng để có những công trình, phát minh khoa học thành công. Những nhà khoa học trong một nhóm cần chiến thuật làm cái gì trước, cái gì sau, để từ đó có kết quả nghiên cứu thành công. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của GS Nguyễn Thục Quyên trên con đường trở thành nhà nghiên cứu top 1% về khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới theo đánh giá của tổ chức Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
GS Thục Quyên chia sẻ bản thân bà sinh ra ở làng quê, không được đi du lịch trải nghiệm. Do đó, bà rất sợ, đặc biệt là những lần đi thuyết trình tại các hội thảo quốc tế, thường mất tới mấy ngày để chuẩn bị. Khi đó bà mang tâm lý sợ sệt, không dám đi ra ngoài hay gặp gỡ ai.
"Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi đã cải thiện được việc này. Tôi nhận ra mình cần ra ngoài, gặp gỡ và kết nối với mọi người để họ biết mình là ai. Hãy giới thiệu tên của bạn là gì và bạn tới từ đâu. Đây là thông tin rất quan trọng", nữ giáo sư gốc Việt chia sẻ.
Theo bà, mạnh dạn đặt câu hỏi trước đám đông và đặc biệt là trong các hội nghị, hội thảo khoa học chính là cách để giúp các nhà khoa học nữ dần khẳng định mình, để cộng đồng khoa học biết mình là ai. Việc này cũng giúp nhà khoa học trẻ nói chung, đặc biệt là nhà khoa học nữ có thể mở rộng kết nối, các mối quan hệ và hợp tác trong nghiên cứu.
|
Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện.
|
Thấu hiểu những gì GS Thục Quyên chia sẻ, GS Alta Schutte, Đại học New South Wales (Úc) cũng bộc bạch: "Tôi sinh ra, lớn lên ở Nam Phi - một đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bất bình đẳng, nên tôi rất hiểu việc làm khoa học với phụ nữ nhiều thách thức thế nào".
"Nhiều người cũng từng bảo với tôi, phụ nữ không nên làm khoa học. Tôi hiểu nhưng không nghe và vẫn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu của riêng mình. Chính quyết tâm đó đã mở ra cho tôi cánh cửa ngày hôm nay", bà nói và cho rằng, cộng đồng các nhà khoa học hiện nay đã cởi mở và nhiều chính sách hỗ trợ nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học. Điều cần của chúng ta bây giờ là phát huy hết năng lực của mình và bứt phá, thành quả sẽ phá tan định kiến bất bình đẳng giới.
Theo GS Alta Schutte, ngày nay phụ nữ rất thành công khi biết cân bằng cuộc sống, việc, gia đình, vừa giỏi khoa học, vừa tròn nhiệm vụ chăm sóc gia đình, làm mẹ.
Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Đại học California (Mỹ) chia sẻ, bà không thích cảm giác bị ai đó chỉ đạo phải làm cái nọ, làm cái kia, nhất là câu "phụ nữ không nên làm khoa học, thiên chức của họ là sinh con và chăm sóc gia đình".
"Khi là trưởng khoa, nhiều giảng viên nữ tâm sự với tôi rằng họ gặp khó khăn khi cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Thậm chí, ngay cả trong công việc, họ cũng nhận thấy khác biệt ở mức lương cho phụ nữ và nam giới. Tôi cũng từng gặp vấn đề như vậy khi đi làm giảng viên", GS nói. Bài học rút ra là chúng ta nên tự tin vào mình và dám đứng lên đấu tranh những thứ xứng đáng với công sức, nếu không sẽ luôn bị lu mờ. Phụ nữ hãy dám ước mơ lớn, đừng suy nghĩ quẩn quanh trong gian bếp, gia đình, công việc qua ngày.