Theo nghiên cứu, cả ba vụ tấn công đều diễn ra ở vùng biển gần vịnh Bremer, ngoài khơi bang Tây Australia, cách đất liền chưa đầy 60 km. Các vụ việc được phát hiện bởi các tàu cung cấp dịch vụ ngắm cá voi vì mục đích thương mại.
Vụ việc đầu tiên được ghi nhận tháng 3/2019, với nạn nhân là một con cá voi xanh trưởng thành dài khoảng 20 m. Nhóm cá voi sát thủ tấn công gồm ít nhất 12 cá thể, với 8 con cái và một con đực dẫn đầu. Các con cá voi sát thủ con cũng ở đó quan sát.
Khi con người đến địa điểm diễn ra vụ việc, nhiều mảng da và mỡ đã bị xé ra khỏi con cá voi xanh. Hầu hết vây cá cũng bị cắn rách.
|
Con cá voi xanh rách hết vây khi bị cá voi sát thủ tấn công. Ảnh: Isabella M. Reeves/Marine Mammal Science.
|
Sau một giờ tấn công, ba con cá voi sát thủ cá dàn hàng ngang và đâm thẳng vào sườn con cá voi xanh, đẩy nó xuống lòng biển, trong khi hai cá thể khác tấn công vào đầu. Một con cá voi sát thủ thậm chí chui vào mồm con cá voi xanh để ăn lưỡi, bộ phận có nhiều chất dinh dưỡng.
Trong 6 giờ tiếp theo, khoảng 50 con cá voi sát thủ và hơn 200 con hải âu cùng ăn thịt con cá voi xanh. Nhiều loài chim cũng tiếp tục “thưởng thức” xác cá voi nhiều ngày sau đó. Vùng biển bóng loáng vì mỡ từ con cá voi, nhóm nghiên cứu cho biết.
Vụ việc thứ hai diễn ra sau đó vài tuần, với nạn nhân là một con cá voi xanh con dài hơn 10 m. Cuộc tấn công được dẫn đầu bởi 22 con cá voi sát thủ cái và 3 con đực. Một con cái cũng chui đầu vào miệng cá voi để ăn lưỡi, giống như vụ tấn công đầu tiên.
Vụ việc thứ ba xảy ra năm 2019 nhằm vào một con cá voi xanh khoảng một tuổi, dài từ 12-14 m. Đàn cá voi sát thủ lặp lại chiến thuật dàn hàng ngang và đẩy con cá voi xanh xuống biển, cũng như tấn công vào khu vực miệng.
|
Con cá voi ở vụ tấn công thứ hai bị rách mảng thịt lớn. Ảnh: Pia Markovic/Marine Mammal Science.
|
Đã có những báo cáo về việc cá voi sát thủ đuổi cá voi xanh, nhưng đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận về các vụ tấn công và ăn thịt. Theo các chuyên gia, đây có thể là tin tốt khi cho thấy đàn cá voi xanh đã phục hồi sau hàng thế kỷ bị con người săn bắt.
Trước đây, số cá thể cá voi xanh có thể lên tới 300.000. Giờ đây, con số này chỉ còn 15.000-20.000, nhưng đang có chiều hướng gia tăng.
“Có thể chúng ta đang thấy đại dương trở về thời điểm như trước khi con người săn bắt hầu hết cá voi lớn. Khi một bộ phận cá voi phục hồi, chúng ta có nhiều khả năng hơn để thấy cách hệ sinh thái biển thông thường vận hành”, tiến sĩ Robert Pitman tại Đại học bang Oregon, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, tuyên bố.