Cuộc sống như dưới địa ngục của một nạn nhân tin giả COVID-19

Google News

Bà mẹ hai con Maatje Benassi trở thành mục tiêu của những kẻ theo thuyết âm mưu, bị cáo buộc là người mang virus đến Trung Quốc.

Cuoc song nhu duoi dia nguc cua mot nan nhan tin gia COVID-19

Maatje Benassi. Ảnh: CNN

Cáo buộc vô căn cứ được chia sẻ rộng rãi trên YouTube hàng ngày và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Dù chưa bao giờ dương tính với virus SARS-CoV-2 hay có triệu chứng, Benassi và chồng trở thành đối tượng bàn luận trên mạng xã hội Trung Quốc về dịch bệnh, trong đó có cả các tài khoản có lượng người theo dõi đông đảo.

Những lời buộc tội này đã khiến cuộc sống của họ đảo lộn. Hai vợ chồng cho biết địa chỉ nhà của họ được đăng lên mạng và trước khi đóng tài khoản mạng xã hội, hộp thư đến của họ đầy tràn tin nhắn từ những người tin vào thuyết âm mưu.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, lần đầu tiên Benassi chia sẻ công khai kể từ khi bị bôi nhọ trên mạng: “Nó giống như bước từ giấc mơ tồi tệ sang cơn ác mộng ngày này qua ngày khác”.

Khi Covid-19 lây lan khắp thế giới, tin giả cũng vậy. Các gã khổng lồ công nghệ đang thực hiện nhiều biện pháp để chống lại tin xuyên tạc về dịch bệnh nhưng không thể giúp những người như Benassis. Những gì họ phải chịu đựng càng nhấn mạnh khả năng khuếch trương các cáo buộc sai lầm của mạng xã hội. Nó cũng là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ rằng tin giả nhưng lại gây hậu quả mạnh mẽ và dai dẳng đến đời thực.

Maajte và chồng vẫn làm công việc của họ trong chính phủ. Maajte là một nhân viên công vụ trong quân đội tại Virginia. Matt, chồng cô, là sỹ quan không quân nghỉ hưu. Anh cũng là nhân viên tại Lầu Năm Góc. Dù làm việc cho chính phủ, họ vẫn trải qua cảm giác vô vọng như các nạn nhân khác của tin giả. “Tôi muốn mọi người dừng xúc phạm tôi vì nó là hành vi bắt nạt và vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Trong khi đó, Matt cố gắng gỡ các video khỏi YouTube và ngăn chúng phát tán hơn nữa. Cả hai đã liên lạc với luật sư và cảnh sát địa phương nhưng đều được trả lời không thể làm được nhiều điều.

Thuyết âm mưu không khác với virus trong cách nó tiến triển, lây lan và tồn tại. Trước khi Maatje Benassi trở thành “vật tế thần”, nhiều phiên bản khác đã xuất hiện trên mạng hàng tháng trời.

Đầu tháng 3, nhiều tháng sau khi các ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc, những kẻ theo thuyết âm mưu chuyển sự tập trung sang Maatje Benassi. Nó bắt đầu bằng việc cô tham dự đại hội thể thao quân đội vào tháng 10/2019 được tổ chức tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh. Cô tranh giải bộ môn đạp xe nhưng bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống. Tuy vậy, cô vẫn hoàn thành chặng đua.

Giải đấu kết thúc nhưng lại bắt đầu một thứ tồi tệ hơn. Trong khi hàng trăm vận động viên khác từ quân đội Mỹ dự giải, Benassi lại xui xẻo đóng vai chính trong thuyết âm mưu của những kẻ cuồng tín.

Kẻ truyền bá ý tưởng Benassi giao rắc bệnh tật nổi bật nhất chính là George Webb, 59 tuổi. Nhiều năm liền Webb livestream trên YouTube hàng giờ liền và có gần 100.000 người theo dõi, hơn 27 triệu lượt xem. Khi được CNN phỏng vấn qua điện thoại, Webb không đưa ra được bằng chứng cho lời buộc tội của mình song khẳng định ông ta tự xem bản thân là “phóng viên điều tra”, không phải người theo thuyết âm mưu.

Gần đây, YouTube đã dừng chạy quảng cáo trên các video của Webb sau khi ông ta bắt đầu nói đến chủ đề Covid-19. Theo Webb, ông thường kiếm được vài trăm USD trực tiếp từ YouTube. Nền tảng cũng xóa một số video được Webb đăng trong quá khứ.

Matt Benassi lo sợ thuyết âm mưu nhằm vào hai vợ chồng sẽ chuyển thành “Pizzagate” tiếp theo. Pizzagate là thuyết âm mưu vô căn cứ tố cáo Hillary Clinton điều hành đường dây ấu dâm từ một cửa hàng pizza tại Washington. Giả thuyết này không được chú ý cho tới khi một kẻ mang theo súng đến cửa hàng pizza và nói rằng tới đây để điều tra về Pizzagate.

Matt Benassi đã khiếu nại lên YouTube nhưng mất vài ngày để công ty làm điều này. Trong thời gian ấy, một video hoàn toàn có thể phổ biến và đã gây tổn thất cho nạn nhân. Điều tồi tệ hơn là những video của Webb bị YouTube gỡ thi thoảng lại được tải lại lên YouTube.

Tại Trung Quốc, video công kích gia đình Benassis được đăng lên các nền tảng như WeChat, Weibo, Xigua Video và được dịch sang tiếng Trung, theo chuyên gia nghiên cứu Keenan Chen của tổ chức phi lợi nhuận First Draft.

Danielle Citron, Giáo sư Luật tại Đại học Luật Boston, người đang nghiên cứu về quấy rối trên mạng, trải nghiệm của gia đình Benassis không phải là duy nhất. Ông cho biết luật pháp thường không hoặc không thể điều tra các hành vi này.

Citron cho rằng đã đến lúc luật phải thay đổi. Hiện nay, những kẻ quấy rối trên mạng vẫn hoàn toàn miễn nhiễm trước luật liên bang và không bị trừng trị. Trong khi đó, với những nạn nhân như Maatje Benassi, nỗi đau vẫn còn mãi và cuộc sống không thể như cũ được nữa. “Mỗi lần Google tên của tôi, nó đều hiện ra như bệnh nhân số 0”, cô nói.

Du Lam/Theo Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)