Cụ thể, theo hồ sơ theo dõi con chim Limosa lapponica 5 tháng tuổi đeo thẻ vệ tinh 5G, với số thẻ là 234684 đã rời Alaska vào ngày 13/10/2022, rồi đáp xuống Tasmania đúng 11 ngày sau đó vào ngày 24/10/2022, mà không dừng lại bất cứ chỗ nào để tìm kiếm thức ăn hay nghỉ ngơi.
Để so sánh, quãng đường con chim choắt đã bay qua tương đương với 2,5 lần chiều dài tuyến đường hàng không nối London (Anh) với New York (Mỹ), hoặc xấp xỉ 1/3 chu vi trái đất. Còn theo nhận định của ông Eric Woehler, quản trị chương trình Birdlife Tasmania chuyên về bảo tồn các loài chim ở quần đảo Tasmania, thì con chim choắt - kỷ lục gia - có thể đã giảm hơn phân nửa trọng lượng cơ thể trong quá trình bay liên tục cả ngày lẫn đêm.
Trước đó kỷ lục con chim có thể bay liên tục qua quãng đường dài nhất thế giới ghi trong Sách Guinness, cũng thuộc về một con choắt mỏ thẳng đuôi vằn có gắn mã số thẻ là 4BBRW, đã bay từ Alaska đến New Zealand vượt qua quãng đường 13.050 km trong năm 2020.