Lưu Nguyễn Nguyệt Minh sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ. Từng là học sinh lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Minh đỗ vào ngành Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Cần Thơ.
Mặc dù theo học chuyên ngành Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành, nhưng cô gái sinh năm 1996 vẫn luôn có mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này bắt nguồn từ khi Minh tham gia vào tổ chức thanh niên quốc tế AIESEC. Trong những lần tham gia vào các dự án cộng đồng, điều khiến Minh luôn trăn trở là việc người dân ở các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải điêu đứng trước cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt do bị xâm nhập mặn. Những trăn trở ấy cũng đã thôi thúc Minh phải tìm ra giải pháp cụ thể.
Đến năm thứ 3 đại học, nữ sinh Cần Thơ Lưu Nguyễn Nguyệt Minh quyết tâm tìm kiếm và giành học bổng Erasmus Mundus để đi trao đổi tại Hà Lan.
“Hà Lan cũng có nhiều điểm tương đồng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Cả hai cùng nằm dưới mực nước biển. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng là việc đảm bảo nguồn nước tại đây. Khi còn ở Hà Lan, sinh viên chúng tôi có thể hứng nước ở vòi và uống trực tiếp.
Nhưng tại vùng sông nước miền Tây, chỉ riêng việc dùng nước ngọt thôi cũng đã rất thiếu thốn chứ chưa nghĩ đến việc có nguồn nước sạch. Làm sao để cứu lấy Đồng bằng sông Cửu Long, đó vẫn là điều tôi chưa thể giải đáp”.
Nguyệt Minh trong chuyến thăm Làng cối xay gió Kinderdijk - nơi nằm dưới mực nước biển, cạnh hai con sông Lek và Noord. Người Hà Lan đã cho xây dựng một hệ thống cối xay gió để làm nhiệm vụ bơm nước ra sông.
Năm 2018, trong ngày kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan, Nguyệt Minh - với vai trò là cựu sinh viên Hà Lan hỗ trợ hoạt động cho lễ kỷ niệm tại Cần Thơ – đã có cơ hội trò chuyện với bà Phó Đại sứ Hà Lan Pauline Eizema.
Biết được mong muốn của cô gái người Việt, vị Phó Đại sứ đã nhiệt tình kết nối Minh với người quản lý dự án “Cấp nước hướng đến thích nghi biến đổi khí hậu khu vực Tây Nam Đồng bằng sông Cửu Long” do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Từ đó, Minh có cơ duyên biết tới dự án này và theo đuổi cho tới tận bây giờ.
Vốn học ngành Quản lý du lịch, thời gian đầu khi tham gia dự án, Minh thấy mình “thiếu rất nhiều kiến thức mình đang làm”. Thậm chí, trong một số buổi hội thảo, khi nghe các chuyên gia cảnh báo về việc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm trong vài chục năm tới, Minh còn cảm thấy “chuyện đó nghe thật mơ hồ”.
Nhưng sau khi lắng nghe các đồng nghiệp đưa ra số liệu dẫn chứng cùng việc được đi thực địa, Minh bắt đầu nhận ra các dấu hiệu báo động và cảm thấy đây là một vấn đề cấp bách.
“Hiện tại, có rất nhiều nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi việc xâm nhập mặn và sụt lún đất như Hậu Giang hay Sóc Trăng.
Tốc độ sụt lún chóng mặt này là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, trong khi nước biển lại dâng lên không ngừng do biến đổi khí hậu. Sự sụt lún có thể dẫn tới khả năng nhấn chìm gần như toàn bộ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Mặc dù Chính phủ vẫn đang cố gắng hạn chế việc khai thác nước ngầm, nhưng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn chưa tìm được nguồn nước thay thế bền vững. Đó cũng là lý do khiến Minh mong muốn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về vấn đề này để có thể tìm ra các giải pháp cụ thể hơn, đồng thời có thể kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài đến để hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyệt Minh cùng bố mẹ và đồng nghiệp trong ngày tốt nghiệp.
Suy nghĩ này càng trở nên chắc chắn khi trong buổi đánh giá và định hướng nhân viên, vị quản lý dự án khuyên Minh nên tiếp tục học lên bậc cao hơn tại một đất nước mới vì thấy Minh có niềm say mê đặc biệt với lĩnh vực quản lý dự án cho ngành Cấp nước này. Điều này tiếp thêm động lực khiến Minh quyết định học lên bậc thạc sĩ, đi sâu về quản lý dự án một cách bền vững.
Mang trong mình quyết tâm như vậy, cô gái Cần Thơ bắt đầu tìm kiếm thông tin về những khoá học quản lý dự án để ứng tuyển. Trong suốt 2 năm kể từ 2019, Minh nhận lại nhiều thư từ chối. Nhưng không nghĩ đến chuyện từ bỏ, sau mỗi lần bị từ chối, Minh lại nhận ra mình còn thiếu sót ở đâu và cần định hướng như thế nào cho con đường sắp tới.
Đến năm 2021, sau 5 lần bị từ chối, Nguyệt Minh đã nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần Chevening của Chính phủ Anh. Với Minh, đây là cơ hội tốt để bản thân trau dồi thêm kiến thức quản lý dự án một cách bền vững, đồng thời có cơ hội đi sâu hơn về lĩnh vực cấp nước và biến đổi khí hậu.
Nguyệt Minh trong chuyến đi thực địa đến vùng mặn Hậu Giang.
Lưu Nguyễn Nguyệt Minh lựa chọn đi tới xứ Wales, theo học ngành Quản lý dự án tại ĐH Cardiffmet, nơi đó có nhiều dự án tiềm năng và quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Cô cho rằng, tại đây bản thân có thể tiếp cận và học hỏi cách thiết lập một dự án; xử lý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; đồng thời mang theo hy vọng kết nối được các doanh nghiệp, công ty ở xứ Wales với các công ty nước địa phương.
“Điều tôi mong muốn nhất là mình có thể học hỏi được cách thiết lập một dự án hợp tác quốc tế để xây dựng nhà máy xử lý nước; sử dụng công nghệ để xử lý nước biển kết hợp nước ngọt, cộng với nguồn năng lượng tái tạo trong vận hành nhà máy để giảm thải được khí carbon ra môi trường. Điều này cũng sẽ góp phần giải quyết được vấn đề ngập mặn và sụp lún đất hiện nay. Hy vọng ý tưởng này sẽ là tiền đề để tôi viết tiếp ước mơ của mình trong quãng thời gian học tập tại đây”, Minh nói.
"Chuyện mình chưa xong thì lo chuyện Đồng bằng sông Cửu Long làm gì..."
Câu chuyện của tôi đơn giản lắm, chỉ là một cô gái vùng Cần Thơ luôn khát khao tìm kiếm cơ hội cho bản thân được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, được gặp những con người ở vùng đất mới cùng có hoài bão để giúp Đồng bằng sông Cửu Long không bị chìm ở năm 2030.
Có lẽ ai cũng đặt câu hỏi rằng chuyện mình còn chưa xong thì lo chuyện Đồng bằng sông Cửu Long làm gì? Nếu là tôi của 3 năm trước, đúng thật một tí về biến đổi khí hậu, Đồng bằng tôi sắp bị lún, bị mất rồi khi mọi người thảo luận tôi còn cười phì ra vì chuyện thật mơ hồ. Nhưng càng làm, càng gặp nhiều cô chú anh chị trong ngành, tôi càng nhận ra được sự thật ấy không mơ hồ mà nó đang ở gần chúng ta.
Tôi vẫn nhớ như in đó là hè năm 2019, sau một ngày dài chạy đôn chạy đáo làm sự kiện của dự án, tôi vẫn lăn tăn về câu hỏi của một anh quản lý Hậu Giang với chú quản lý dự án rằng “làm sao chúng ta quản lý một dự án bền vững và có thể thu hút nhiều đối tác quan tâm đến vấn đề cấp bách hiện nay?” và giữa những trăn trở ngổn ngang, duy nhất một điều tôi biết rõ là tôi đang thiếu kiến thức về cái tôi đang làm!
Lưu Nguyễn Nguyệt Minh