Cận cảnh di cốt người niên đại 10.000 năm phát hiện tại Tam Chúc

Google News

Các nhà khảo cổ đã phát hiện di cốt người niên đại 10.000 năm trong cuộc khai quật tại hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Vào ngày 2/11, hội thảo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58 được tổ chức nhằm mục đích thông báo, thảo luận, biên tập xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”. 
 Tại hội thảo, các nhà khoa học cho biết trong thời gian từ năm 2021- 2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã kết hợp với Viện Khảo cổ học để tiến hành điều tra, điền dã, khảo sát và đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn. Kết quả công việc này đã cho thấy họ đã phát hiện hơn 20 di tích và dấu tích có tiềm năng nghiên cứu và sẽ được khai quật, thám sát trong tương lai.
Đặc biệt, tại vùng Trung tâm của danh thắng Tam Chúc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 11 hang động và mái đá có giá trị quý về khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình cùng với Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn, các hang động, mái đá và giếng Cacxto có giá trị về cảnh quan thiên nhiên và liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất hàng triệu năm.
Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học, giúp tiến sâu vào việc giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa của vùng Tam Chúc - Kim Bảng (Hà Nam) trong quá trình phát triển suốt thời gian qua.
Các chuyên gia cũng công bố kết quả khai quật tại hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học thực hiện vào tháng 3/2023.
Thông qua cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ phát hiện 3 mộ trẻ em và người trưởng thành. Trong số này có mộ cải táng và mộ song táng (người đàn ông đang ôm em bé), chôn theo tư thế nằm co bó gối. Những di cốt này có niên đại 10.000 năm tuổi.
Can canh di cot nguoi nien dai 10.000 nam phat hien tai Tam Chuc
Di cốt người có niên đại 10.000 năm tuổi được khai quật tại hố hang đội 4, vùng lõi quần thể, danh thắng Tam Chúc. Ảnh: Tiền phong.
Ngoài di cốt người, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy: vỏ nhuyễn thể, xương răng của động vật. Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều thuộc loài thú nhỏ. Chúng có thể là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ.
Các chuyên gia cũng tìm thấy loại công cụ đá tại hố khai quật có kích thước không lớn, nhưng những đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình (10.000 - 12.000 năm trước Công nguyên).
Cũng trong tháng 3, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nam đã phối hợp khảo sát tại Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Theo đó, tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3, các chuyên gia đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử. Đó là những hóa thạch động vật và hiện vật như nhiều mảnh gốm vặn thừng, màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Nhóm khảo sát cũng tìm thấy một di tích giai đoạn tiền sơ sử trên đỉnh núi Lò Vôi gần khu vực Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc. Trên đỉnh núi phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối chặt đít. Tại vị trí đỉnh núi với diện tích rộng khoảng 60m2, họ đã phát hiện các mảnh miệng, mảnh thân của đồ gốm nằm cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt. Từ đây, các chuyên gia nhận định khu vực này tồn tại nhiều di tích có niên đại cuối thế Pleistonece tới Holocene muộn.

Mời độc giả xem video: Hàng ngàn người tham dự Lễ hội tại chùa Tam Chúc. Nguồn: THĐT1.


Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)