Theo Live Science, xác ướp Ai Cập trên được một chính trị gia người Australia mua về từ khoảng năm 1856-1857, đến năm 1860 thì được đưa vào Bảo tàng Chau Chak Wing của Đại học Sydney. Sau đó nhóm chuyên gia thuộc Đại học Maccquarie, Sydney, đã tiến hành một số kiểm tra, xét nghiệm đối với xác ướp.
Kết quả cho thấy xác ướp thuộc về một phụ nữ qua đời từ khoảng năm 1200 trước Công Nguyên. Thời điểm tử vong cô mới chỉ khoảng 26 - 35 tuổi.
Đáng chú ý, sau khi chụp CT, nhóm nghiên cứu phát hiện thi thể cô gái được ướp xác đến 2 lần thay vì một lần như những xác ướp khác. Khi vừa qua đời, có lẽ cô gái đã được ướp xác theo cách thông thường với thi hài được quấn bằng vải lanh và sử dụng các dược liệu. Nhưng một thời gian sau, vì chịu tác động nào đó, có thể từ việc khám nghiệm tử thi hoặc do những kẻ trộm mộ, xác ướp cô gái đã không còn nguyên vẹn.
Theo phân tích của các chuyên gia khảo cổ, người Ai Cập cổ đại quan niệm rằng người đã khuất phải được toàn vẹn để có thể kết nối với thần Osiris- vị thần cai quản thế giới bên kia. Vì vậy khi phát hiện xác ướp bị hư hỏng, họ đã tìm cách sửa chữa bằng cách tiến hành ướp xác cô gái lần thứ hai. Lần này, những người làm công việc ướp xác sử dụng một lớp sơn trắng, một lớp bùn, một lớp sơn đỏ và nhiều vải lanh chen giữa các lớp để bảo quản thi hài.
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc người xưa sử dụng sơn đỏ trong quá trình ướp xác lần thứ hai thể hiện quyền lực của người đã khuất. Từ đây, họ suy đoán khi còn sống người phụ nữ chắc hẳn có địa vị cao trong xã hội.
Bên cạnh đó, xác ướp dường như đã bị khai quật bởi kẻ trộm mộ và được đặt bừa vào một quan tài khác để bán đủ bộ tại "chợ đen”, bởi kết quả giám định cho thấy quan tài có niên đại mới hơn xác ướp đến 200 năm. Sau khi qua tay nhiều đời chủ, xác ướp thuộc về chính trị gia người Australia và sau đó được bảo quản trong Bảo tàng Chau Chak Wing như đã nói ở trên.