Cục nghiên cứu khảo cổ học Florida (Mỹ) vừa công bố phát hiện về một trong những nghĩa địa cổ xưa nhất của loài người, rộng đến 3.000 m2 dưới đáy biển.
|
Thành viên nhóm khảo cổ lặn xuống vịnh Mexico để khai quật nghĩa địa cổ – ảnh: RT |
Một số mảnh vải dệt và cọc gỗ chạm khắc đã được đem đi giám định niên đại bằng các bài kiểm tra, cho thấy nó đã được làm ra từ những năm 5.000 trước công nguyên, tức đã hơn 7.000 năm tuổi.
Theo các nhà khoa học, những dấu tích đầu tiên được phát hiện vào năm 2016, khi một thợ lặn nghiệp dư lặn xuống vịnh Mexico để tìm răng cá mập Megalodon – một loài cá mập to lớn được cho rằng tuyệt chủng 2,5 triệu năm trước. Thế nhưng anh đã tìm thấy cả một phần hàm của… con người.
Sau vài tuần để mẩu xương trong một cái đĩa giấy và cố suy ngẫm đó là cái gì, người thợ lặn bắt đầu nghi ngờ đó có thể là xương người và gửi cho các nhà khảo cổ. Căn cứ vào độ mòn của răng hàm trên, họ xác định rằng nó phải thuộc về một người tiền sử.
Từ đó đến nay, công cuộc nghiên cứu đã được tiến hành. Các nhà khảo cổ đã sục sạo một cách cẩn thận lớp than bùn và các phần khác của đáy biển. Họ đã tìm được các mẩu xương thuộc về 6 cá thể và vô số vật dụng tùy táng độc đáo.
Nghĩa địa cổ xưa này trải rộng trên khuôn viên lên đến 3.000 m2, nằm trong khu vực được cho là “mỏ vàng khảo cổ” ở Florida. Theo các nghiên cứu, người tiền sử đã sớm đặt chân đến đây và xây nên những ngôi làng, định cư lâu dài.
Phần đất nghĩa địa cổ trước đây không hề chìm dưới mặt nước. 14.000 năm trước, bán đảo Floridian rộng lớn hơn rất nhiều. Sự nóng lên toàn cầu, băng tan chảy đã làm nước biển dâng lên và giấu đi nhiều dấu tích cổ xưa dưới đáy biển.