Mở cửa tủ lạnh quá lâu
Theo Viện khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm của Đại học Florida, khoảng 7% tổng năng lượng mà tủ lạnh sử dụng là kết quả của việc mở cửa tủ lạnh.
Vậy nên khi mở tủ lạnh bạn nên lấy đồ thật nhanh. Muốn vậy, bạn cần sắp xếp đồ trong tủ lạnh gọn gàng, nhớ rõ vị trí của chúng và hình dung mình cần lấy thứ gì trước khi mở tủ.
Cất đồ ăn còn ấm trong tủ lạnh
Nhiều người cho rằng đằng nào thì tủ lạnh cũng làm lạnh đồ ăn nên cho luôn đồ ăn vào từ khi chúng còn nóng ấm. Tuy nhiên, khi bạn cho đồ ăn còn ấm vào, tủ lạnh sẽ phải hoạt động với công suất cao hơn để làm lạnh đồ ăn. Do đó sẽ tốn điện nhiều hơn. Thậm chí là lãng phí năng lượng gấp trăm lần so với việc mở cửa tủ lạnh lấy đồ.
Cắm các thiết bị mà không sử dụng
Khi thiết bị điện không hoạt động mà bạn vẫn kết nối chúng với nguồn điện thì sẽ gây lãng phí năng lượng. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết các thiết bị điện tử vẫn tiêu hao năng lượng ngay cả khi chúng đã tắt. Vì vậy mà với các thiết bị điện như sạc điện thoại, máy tính xách tay, tivi, bàn là, thiết bị nhà bếp,… khi không sử dụng bạn nhớ rút phích cắm ra.
Dùng chảo không có nắp đậy
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết đậy kín những món ăn bạn đang nấu trên bếp làm thức ăn chín nhanh hơn. Nhờ vậy bạn sẽ sử dụng ít năng lượng hơn trong cả quá trình.
Ngoài ra, việc sử dụng chảo có kích thước phù hợp với kích thước của bếp điện, bếp từ cũng là cách thông minh để tiết kiệm năng lượng.
Cài đặt tivi ở chế độ sáng cao
Ở không gian không quá sáng, bạn nên giảm độ sáng trên tivi của mình. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thì việc chuyển đổi thiết lập chế độ sáng màn hình sang mức “tiêu chuẩn” có thể giảm mức sử dụng năng lượng của tivi lên tới 30%.
Bật bình nóng lạnh quá lâu
Nhiều người có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để bất cứ lúc nào cần cũng có nước nóng để dùng. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết bình nóng lạnh có thể chiếm tới 12% hóa đơn năng lượng của một hộ gia đình.
Tốt hơn hết bạn chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi dùng. Chỉ khoảng 10 phút là bạn có đủ nước nóng để sử dụng mà lại giúp tiết kiệm điện.
Giặt quần áo bằng nước nóng
Giặt quần áo bằng nước nóng ngốn đến 90% năng lượng cần thiết để vận hành máy giặt. Trong khi đó với nước lạnh chiếc máy giặt vẫn có thể làm sạch quần áo của bạn. Vậy nên, nếu quần áo không dính các vết bẩn đặc thù bạn hãy cài đặt chế độ nước mát để tiết kiệm năng lượng.
Nếu quần áo có dính vết dầu mỡ, bạn chỉ cần giặt bằng nước ấm (không nóng) đã đủ hiệu quả rồi.