Loài nhái lùn Vũ Quang
Đây là kết quả của chuyến hợp tác nghiên cứu giữa Vườn Quốc gia Vũ Quang, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nga, Đức và Trung Quốc.
Loài nhái lùn Vũ Quang - Vietnamophryne vuquangensis, được đặt tên theo địa danh “Vũ Quang” - nơi mà loài nhái này được phát hiện, theo sự thống nhất của nhóm tác giả và nguyện vọng của nhà nghiên cứu người Đức - Tiến sĩ Thomas Ziegler.
Loài nhái lùn Vũ Quang (Vietnamophryne vuquangensis).
Ông Ziegler là người đã có những nghiên cứu, đóng góp cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Vũ Quang từ cách đây hơn 20 năm. Việc lựa chọn tên cho loài ếch mới là “Nhái lùn Vũ Quang” được xem như là một sự tri ân của ông Ziegler sau khi được quay lại địa danh mà mình đã từng gắn bó.
Theo nghiên cứu, đến nay, loài nhái lùn chỉ mới ghi nhận tại Vườn Quốc gia Vũ Quang mà chưa phát hiện thấy ở bất kỳ khu vực nào khác. Kết quả nghiên cứu của ông cùng cộng sự đã được công bố trên tạp chí Khoa học Quốc tế chuyên ngành Revue suisse de Zoologie vào tháng 3/2021.
Loài mộc hương Vũ Quang
Trong chương trình phối hợp điều tra đa dạng sinh học giữa Vườn Quốc gia Vũ Quang và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vào giữa năm 2018, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài thực vật dây leo có cấu trúc hoa rất dị biệt, chưa từng được mô tả trước đó, được xác định thuộc chi Nam Mộc hương (Aristolochia) thuộc họ mộc hương (Aristolochiaceae) nhưng chưa thể mô tả vì còn thiếu một số dẫn liệu quan trọng.
Loài mộc hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis).
Việc thu thập và bổ sung dẫn liệu cũng như hoàn chỉnh bản thảo được tiến hành từ năm 2018 đến năm 2021. Loài mới này được đặt tên Aristolochia vuquangensis (Mộc hương Vũ Quang), được nhóm nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Khoa học Quốc tế chuyên nghành Phytotaxa tháng 5/2021.
Đây là loài mới thứ 8 của phân chi Siphisia thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) được phát hiện và mô tả ở Việt Nam trong suốt 7 năm qua và là loài thứ 2 của phân chi này được phát hiện ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Riêng đối với loài Mộc hương Vũ Quang, nhóm nghiên cứu chỉ mới ghi nhận sự xuất hiện của chúng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang với vùng phân bố rất hẹp khoảng 4km2, số lượng rất ít ỏi tại khu vực tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào.
Loài này đã được nhóm nghiên cứu đệ trình lên tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN cấp bảo tồn CR (cực kỳ nguy cấp) vì nhận thấy sự tồn tại của loài này sớm bị đe dọa bởi những yếu tố biến đổi khí hậu tại khu vực.
Loài chắp danhkyii
Đây là kết quả của sự phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học giữa Vườn Quốc gia Vũ Quang, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Theo kết quả nghiên cứu, loài thực vật mới được công bố có tên khoa học là Beilschmiedia danhkyii, có tên Việt Nam “Chắp Danhkyii” thuộc họ thực vật Long Não (Lauraceae) - một trong những họ rất đa dạng về thành phần loài tại Việt Nam cũng như tại Vườn Quốc gia Vũ Quang với các giá trị về dược liệu và tinh dầu.
Loài chắp Danhkyii.
Về hình thái loài “Chắp Danhkyii” có một số đặc điểm khác biệt hẳn với những loài thuộc chi “Chắp Beilschmiedia" được ghi nhận và mô tả trước đó với các đặc điểm được ghi nhận: cây thân gỗ cao 5 - 8m; vỏ màu nâu xám; chồi hình trứng dài 1 - 2 mm, đỉnh nhọn, có nhiều lông màu sắt.
Danh pháp loài Beilschmiedia danhkyii được đặt theo tên của ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang. Ông Kỳ là người rất tâm huyết và đã có những đóng góp to lớn cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua cũng như đã hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu trong việc thu thập và khám phá loài mới này.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, loài “Chắp danhkyii” với môi trường sống nằm trong diện tích của Vườn Quốc gia Vũ Quang có sinh cảnh rừng nguyên sinh, phân bố tại độ cao từ 80 - 170 m so với mực nước biển. Phạm vi xuất hiện (EOO) là 0,059 km2 và diện tích lấp đầy (AOO) là 8 km2, dựa trên tiêu chí của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN (2021). Loài này được nhóm nghiên cứu đánh giá và đề xuất mức độ bảo tồn là cực kỳ nguy cấp (CR) C2a (ii).
Nội dung và kết quả nghiên cứu của loài mới Beilschmiedia danhkyii được nhóm tác giả đăng tải trên tạp chí Khoa học Quốc tế chuyên ngành Phytotaxa vào tháng 12/2021.
Loài chuồn chuồn danhkyii
Loài chuồn chuồn mới Chlorogomphus danhkyii là sản phẩm kết hợp giữa các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Duy Tân, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Kanagawa Nhật Bản và các cán bộ Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế của Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Loài này được phát hiện tại Khe Rò - tiểu khu 180b (Vườn Quốc gia Vũ Quang), một nơi có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển và đặc trưng bởi khí hậu ẩm ướt, lạnh quanh năm.
Chuồn chuồn Chlorogomphus danhky
Danh pháp của loài “Chlorogomphus danhkyii” được nhóm nghiên cứu thống nhất chọn đặt theo tên của ông: Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Nội dung và kết quả nghiên cứu của loài mới Chlorogomphus danhkyii được nhóm tác giả đăng tải trên tạp chí Khoa học Quốc tế chuyên ngành Phytotaxa vào đầu năm 2022.
Việc phát hiện, công bố 4 loài động, thực vật mới tại Vườn Quốc gia Vũ Quang cho thế giới không chỉ làm “dày” thêm hệ sinh thái của một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam mà còn góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế (Vườn Quốc gia Vũ Quang) cho biết: “Ngoài các nhiệm vụ và chức năng đang thực hiện, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn gánh vác trách nhiệm là khu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Để bảo vệ mái nhà chung cho các loài động, thực vật, thời gian qua, đơn vị không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, cùng quyết tâm bảo vệ nguyên hiện trạng, quyết không để rừng bị xâm hại. Theo đó, công tác tuần tra rừng, lập các chốt kiểm tra, kiểm soát được tăng cường, gắn liền với công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân, các lực lượng cùng chung tay gìn giữ”.
Cũng theo ông Hùng, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tích cực phối hợp với các các nhà khoa học trong nước và thế giới trong công tác nghiên cứu các loài động, thực vật mới tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.