“Quyền lực”… phong thành hoàng làng
Trong hồi ký, ông Bảo Đại cho hay sau khi đến Hà Nội, được tòan quyền Pierre Pasquier tổ chức nhiều buổi đón tiếp long trọng chào mừng, đi thăm nhiều tỉnh, ông “cảm giác khá nhiều thất vọng. Bởi vì, chính ngay tại nước mình mà tôi được tiếp đón như khách, chứ không phải chủ nhân.
Tôi chỉ là một diễn viên sân khấu, thi thoảng xuất hiện cho xôm trò chứ đâu phải là người đạo diễn? Vậy thì ý niệm làm hoàng đế như tôi đã từng tin tưởng theo đúng tinh thần cơ bản, cổ truyền về nhiệm vụ của người thiên tử, để cho triều đại được huy hoàng, vĩ đại thật đã quá xa vời, xa vời quá đỗi…”.
Ngay từ trước khi Bảo Đại lên, mọi quyền hành của nhà vua trong xã hội Việt Nam đã bị quân Pháp tước bỏ. Trong hồi ký của mình, Bảo Đại cho hay một trong những thẩm quyền “quyền lực” nhất của mình là… phong thành hoàng làng. Ông lý giải như sau:
“Trong làng xã, dân có quyền của dân, y như một thứ quân bình xã hội giữa vua và dân. Người ta nói rằng “phép vua thua lệ làng” là như vậy. Tất nhiên nhà vua có quyền tối thượng về đất đai, vua là chủ sơn hà. Thế nhưng quyền ấy mất đi, nếu đất đai ấy được người dân trong nước trồng trọt. Đất ấy người ta gọi là công điền, công thổ. Thì nay, khi được khai thác và đóng thuế, người dân lại là sở hữu chủ, cho đến khi nào nếu đất bỏ hoang, không ai đóng thuế nữa thì lại trở thành công điền, công thổ như xưa.
Như vậy, nếu có một khu đất nào chưa có sở hữu chủ, mà nay đem bà con họ hàng tới để sinh cơ, lập nghiệp thì người ấy chỉ việc làm đơn lên quan viên đầu địa phương, làm việc bao nhiêu cứ việc xin, khu vực ấy với số dân cư sẽ tạo nên làng xã. Làng là một pháp nhân, có thể mua thêm đất cát, để bành trướng mãi ra, chỉ trừ một số đất gọi là thần từ phật tử, không được đụng chạm đến mà thôi.
Làng xã được tự trị. Làng được tạo nên đơn vị thuế khóa, thu thuế của dân được đóng góp lên nhà vua, cho chính phủ tự xây những cầu cống, chợ búa, thiết lập những công trình công cộng, tự giữ lấy an ninh trật tự. Có ngân sách riêng, lập ra hương ước. Đây là một phép nhân rõ rệt, y như một cá nhân đầy tự do, một loại xã hội cộng hòa bỏ túi, mà nội bộ trị an, ra ngoài quyền hạn của nhà vua. Đó là luật hương đẳng, tự bảo lấy nhau, nên gọi là quan viên hương đẳng vậy.
Gia đình nào cũng có gia tiên để thờ, thì làng có sự thờ cúng các vị thành hoàng. Các ông thành hoàng này, phần nhiều chẳng ai khác hơn là vị đã sáng lập ra ngôi làng đó ban đầu. Lúc mới thành lập làng, các chủ gia đình lập nên cái gọi là Hội đồng Kỳ mục, người cao tuổi nhất được bầu làm tiên chỉ. Sau này, vị nào có đức hạnh, tài năng, hay thành tích gì nổi bật đối với làng, vị đó được tôn vinh sau khi chết.
Không có gì vinh hạnh cho làng bằng có người tài ba, hay thi đỗ ra làm quan to ở triều đình. Thế rồi, lâu dần từ những vị sáng lập ra làng, những vị tài cao đức trọng, những nhà khoa bảng hay có quan tước lớn, đều có ở nguyên quán một ngôi đền, một tấm bia ghi lại thành tích của họ, người ta biết được giá trị tinh thần và đạo hạnh của những vị ấy.
Họ được tôn thờ, từ chỗ đó họ biến thành thần, mà trở thành Thành hoàng làng là như thế. Tài ba, đức hạnh của họ, tạo nên khuôn vàng thước ngọc linh thiêng nên dân chúng đặt họ ngang với các bậc tiên thánh và lẫn lộn với các bậc thần linh khác.
Các Thành hoàng được thờ ở đình. Dân làng càng tô điểm đình của làng mình cho được nguy nga tráng lệ, các kinh phí bảo trì hay phụng sự được lấy ở sở đất thần từ phật tự mà ra.
Nhưng các vị thần này vẫn dưới quyền cai quản của Hoàng đế. Đó là một thứ quyền của nghi lễ mà Pháp dành cho tôi đó. Các Thành hoàng này chỉ được thờ cúng, khi được Hoàng đế cấp cho sắc phong thì mới nên thần mà thôi.
Tôi cũng có thể phong tước hay cấp phát phẩm hàm cho người đã chết. Bộ Lễ viết sắc phong, có ấn dấu quốc bảo, chuyển qua viên quan đầu tỉnh, viên này khi trao sắc là đứng vào chức vụ khâm mạng của nhà vua, để trao cho ông cụ già nhất trong làng. Dân làng rước lấy sắc đó về, sắc được đựng trong một gỗ sơn son thiếp vàng, gọi là hòm sắc”.
Lập khu săn bắn riêng rộng cả ngàn mẫu
Dù không có thực quyền, nhưng quân Pháp vẫn dành riêng cho hoàng đế “bù nhìn” những đặc quyền đặc lợi hiếm thấy. Bảo Đại hồi ức về những câu chuyện này như sau:
“Tất nhiên là nhiệm vụ làm chủ lễ nghi không phải choán hết thời giờ của tôi. Ngoài mấy việc phong thần cho các làng muốn thờ cúng một vị thánh hoàng, tôi còn nhiều giờ rảnh để hoạt động về thể thao.
Đầu tiên là chơi quần vợt. Chẳng những tôi chỉ có chơi cho cá nhân tôi, mà còn khuyến khích thành phong trào ở Việt Nam. Vì vậy, tôi đặt ra một “Cúp” mang tên tôi. Cúp này theo thể lệ như cúp Davis, và được thực hiện chẳng phải chỉ có ở Trung Kỳ, mà còn ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, và thêm cả Lào và Campuchia nữa.
Từng cưỡi ngựa thường xuyên khi còn học ở trường võ bị ở Paris, tôi cho đem về Huế vài con ngựa nòi, tạo nên một chuồng ngựa khá đặc biệt.
Tùy từng mùa, tôi cũng chơi golf. Cạnh kinh thành Huế, giữa những đồi cỏ êm đềm, tôi cho lập một sân golf, không khác gì các sân golf trứ danh ở châu Âu, để thường xuyên tập dượt.
Trong những mùa nắng, tôi chơi thuyền buồm, hay xuồng máy. Ở Nha Trang, nhất là ở Quy Nhơn, tôi có một biệt thự, tôi và hoàng hậu thường ra nghỉ hè ở đây, tôi thường lái thuyền trên sông Hương, khi tôi ở Huế. Rất thường, tôi vẫn đi xa như thế, và chỉ đến đêm khuya mới trở về.
Trong các cuộc đi dạo ấy, chính sự cô đơn là điều thích hợp với tâm hồn hiu quạnh của tôi. Chắc hẳn có người cho rằng, đó chỉ là sự phù phiếm không ích lợi gì cho nước, cho dân? Tất nhiên là không cần thiết, và cũng không có ích gì cho chính hoàng đế, phải tỏ sự có mặt để cai trị.
Tôi cũng không rõ vị tiên đế sau khi làm việc cho dân kín đáo ở cung điện, đã chết bí mật trong một cuộc tuần du nào đó. Sau đó được rước xác về, như là vẫn còn sống, và mãi về sau này ta mới công bố cho dân biết.
Như vậy thì cần gì vua phải có mặt để người dân biết rằng vẫn được đặt dưới triều đại của người. Chỉ cần, thỉnh thoảng, trong một cuộc tiếp tân hay thiết triều nào, nhà vua xuất hiện một lần là đủ. Tất cả những ai cầm quyền cai trị ở Đông phương chúng tôi, đều làm như vậy cả.
Nhà vua, nếu kiêm chức đại tư tế, tức người đứng trung gian giữa đấng Ngọc hoàng Thượng đế với dân gian, chính là người có mang tính chất nhiệm màu của đời sống của họ, trước tương lai.
Như vậy, vua cần phải tự tạo cho mình cái bản chất thái bình an lạc, nếu muốn đem đến thái bình an lạc cho dân. Chỉ trong sự thanh bình, trầm mặc và cô đơn, nhà vua mới đạt tới mức độ tuyệt vời này, trong đạo trị quốc an thiên hạ của họ vì chân mạng đế vương.
Chính vì thế mà tôi yêu rừng núi. Rừng đem lại sự tịch mịch cần thiết. Rừng gột rửa cho tôi mọi ưu tư của cõi bụi trần này. Vào rừng, tôi như người được tắm gội suối nước trong mát, làm cho vô cùng sảng khoái. Gặp gỡ giữa rừng sâu, những con người cổ lỗ xa xưa, cũng như các sơn lâm ác thú, chẳng những là sự giải tỏa mọi điều tù hãm, mà còn là hoạt động trong nhiệm vụ của tôi.
Ở rừng sâu, tôi vẫn là thiên tử y như đang ở trên đàn tế Nam Giao, đảm trách nghi lễ thiêng liêng của mình. Khu săn của tôi ở Quảng Trị cách kinh đô Huế có hai giờ đi xe máy. Đó là chỗ tôi thích để đến nghỉ ngơi.
Ở đấy, tôi có ngàn mẫu tây đồi núi, có rừng cây nằm ở phía nam Cam Lộ. Trong những khu rừng lớn, có vài con suối nước mát quanh co, có đủ thú rừng của nước tôi, voi, cọp, trâu, rừng, hươu, nai và lợn lòi. Trên nền đất đó một thửa đồi, đã có một ngôi nhà sàn nợp lứa, có bao lơn như tất cả các ngôi nhà sàn của người Thượng. Cạnh đó có hai chiếc khác nhỏ hơn, dùng cho bọn tùy tùng”.
Săn bắn để… lấy thịt cho dân trong làng?
“Đứng trên bao lơn, nhìn ra phía thung lũng ở giữa hai ngọn đồi, tôi có thể quan sát được cả một sự di chuyển của bầy trâu rừng, một loài dã thú vừa đẹp vừa tuyệt vời, vừa rất nguy hiểm, có nhiều con cao tới hai mét. Tôi từng bắn hạ cả trăm con, và có một bộ sưu tập các loại sừng dài tới trên một mét. Tôi thường săn bắn một mình, chỉ có duy nhất một người dẫn đường.
Tôi học được khá nhiều kinh nghiệm về rừng, tôi biết từng quả rừng và rễ cây ăn được, và tôi có thể sống tự túc được ở trong rừng, nơi mà người văn minh khó có thể tồn tại. Một linh tính tìm phương hướng rất bén nhậy giúp tôi có thể đi sâu vào rừng mà không sợ lạc. Trong vài năm về sau, tôi ít bắn thú trừ phi gặp con thú nào đặc biệt. Cũng có lần tôi phải bắn là để lấy thịt cho dân trong làng.
Điều làm cho tôi tìm đến gần các loài thú dữ, chính là để quan sát đời sống của chúng, và sự đương đầu của chúng đối với thiên nhiên. Nghiên cứu sự sinh hoạt này làm nảy nở trong tôi ý nghĩa của luật tự tồn, làm tăng trưởng mọi ý niệm về quan sát. Con vật nào cũng luôn luôn cảnh giác bị tấn công nên sẵn sàng chuẩn bị đối phó để giữ lấy mạng chúng luôn bị đe dọa. Vừa bị đe dọa bởi thiên nhiên, vừa bị đe dọa bởi các loài khác chung sống cạnh chúng.
Nhờ thế mà tôi hiểu thấu được “kẻ địch”, đến độ rằng có thể định được vị trí của tôi đối với chúng ra sao, cũng như cảm thấy trước phản ứng của chúng ngay lúc chúng đang hành động. Có một lần, tôi đã theo dõi luôn trong hai năm, một con trâu rừng đơn độc, mà không bao giờ tới gần nó được.
Nhân có vụ mưa lũ, tôi tính rằng khắp vùng tôi săn nó đều bị ngập lụt. Nghĩ như vậy, tôi tự đặt tôi vào vị trí nó. Tất nhiên nó phải tìm đến một nơi cao ráo mà nước lụt không hề tới. Chỗ đó, tôi nhớ có một quả đồi cao. Tôi liền trèo lên một thớt voi, và chỉ vài giờ sau, tôi định vị được vị trí nơi cao ấy. Qủa nhiên con trâu rừng này đang ở đấy. Tôi liền bắn hạ ngay.
Kinh nghiệm ấy đối với trò chơi săn bắn, cũng y như đối với một cuộc chiến đấu ngoài đời. Chỉ quan sát địch thủ, người ta biết ngay dụng ý và phản ứng của nó.
Đối với loài voi, tôi có một tình cảm đặc biệt. Chưa có con vật nào đam mê bằng loài voi đang sống tự do. Phần nhiều, chúng đi thành đoàn, và thật khác lạ như người ta kể, bao giờ con cái cũng dẫn đầu.
Voi không bao giờ sống quá 70 tuổi. Khi nó cảm thấy mình quá già, và trở thành gánh nặng cho đồng loại, nó liền tách rời ra khỏi đàn. Những con voi bỏ đàn trở thành cáu kỉnh và hung dữ. Ở loài voi, sự già nua bắt đầu làm tê liệt chiếc vòi một cách nhanh chóng.
Đó là một bộ phân vô cùng quan trọng, vì vòi rất cần thiết để lấy thức ăn. Một con voi đang độ tráng niên, ngốn hết 500kg cỏ và lá cây trong một ngày. Cuối cùng, con vật già nua đó tìm đến nơi có nước để ngâm mình trong bùn cho đỡ đau, nhưng rồi không có đủ sức mà đứng dậy được. Khi không còn gì để ăn, nó sẽ chết sau ba ngày. Xác nó bị các loài chó sói, đủ loại ăn thịt xâu xé.
Còn trơ lại bộ xương, vì ít chât vôi nên rữa ra mau lắm. Lúc ấy, “chúa tể rừng xanh” chỉ còn lại đôi ngà. Cứ thế, nhiều voi già nua khác đều tìm đến nơi có nước mà ngâm mình, cho đến ngày dòng sông đổi chiều, bùn đất khô lại tạo nên huyền thoại về “nghĩa địa của loài voi”.
Cũng có trường hợp, xác voi chết cạnh các sườn đồi, do một tai nạn gì đó. Dầu sao nữa, trường hợp này tôi chưa được trông thấy. Ngược lại, tôi có biết một viên kiểm lâm nói là đã trông thấy một loài voi khiêu vũ, như một người nước ngoài đã tả, và tôi cũng được nghe nhiều chuyện dị kỳ về cái gọi là cái chết của loài voi.
Mặc dù người ta không dám chắc rằng loài voi có trí nhớ và sự thông minh sắc bén, tôi công nhận rằng chúng có một linh tính rất nhạy cảm về cái chết của chúng. Linh tính đó rất chính xác.
Ở Việt Nam có đền thờ voi. Ngày xưa, voi từng dự trận và bị chết cũng nhiều. Người ta đã lập đền thờ nó, và phong cho nó các tước Quận công. Sau khi chết, người ta dựng bia để ghi thành tích và tôn thờ nó”.
Chạy trốn thực tại bằng những cuộc săn bắn?
“Về sau này, tôi từng đến vùng cao nguyên miền Nam, nơi ở của những sắc dân thường xuyên săn bắn loài voi. Tôi đã dự những buổi lễ lạc của họ, và được biết nhiều hơn về con vật này, mà ở đây người ta cho rằng ngà của nó đã chứa đựng linh hồn của nó.
Khi được nuôi, voi thường rất hiền hoà, và dễ sai bảo. Tuy nhiên nó có thể nổi cơn điên bất ngờ, rất nguy hiểm. Có một lần, tôi bị một con voi cái đầu đàn theo đuổi, khi đi dạo một mình trong rừng. Nó lao đến tôi, băng qua các cành lá rào rào, vòi cuốn lại.
Tôi quăng về phía chiếc mũ. Nó ngừng đuổi, quay lại, chà đạp nát chiếc mũ, nhờ thế mà tôi chạy được xa thêm và thoát nạn. Từ đó, tôi luôn đội chiếc mũ mỗi khi đi săn voi, coi như bùa hộ mệnh.
Tôi có một khu vườn rộng để nuôi voi, và tôi cố gắng tìm cách xếp đặt bành voi cho được thuận lợi, tốt đẹp nhất. Bởi vì khi di chuyển, ngồi trên lưng voi rất mệt nhọc và quá xóc. Tôi cũng đã nghĩ đến việc đóng bành voi như kiểu đóng yên cho ngựa, làm cái bành rộng ra để nằm sấp được trên lưng voi, để có thể đến gần con vật bị săn mà con vật không biết mà chạy trốn.
Để tránh cho voi khỏi bị trầy xước, gặp tai nạn, tôi không bao giờ săn lưng trên voi, nhưng bao giờ cũng ngồi trên một chiếc chòi. Tôi rất thích được đợi lâu hàng giờ trên chòi, để có thể trầm tư mặc tưởng tha hồ.
Đến nay, tôi vẫn còn thấy thích thú những buổi chiều hôm ở trại săn Quảng Trị. Hoàng hậu có khi cũng theo đi. Thỉnh thoảng, tôi có một số bạn cùng dự. Chúng tôi đã qua những buổi chiều hết sức cởi mở trong một bầu không khí thân hữu gia đình. Nhưng phần nhiều, sau một ngày đi dạo trong rừng sâu, tôi trở về chòi, cảm thấy khoan khoái trước sự yên lặng của rừng, sau khi mặt trời vừa lặn.
Trước khi bóng đêm phủ xuống, mặt trời đi ngủ, thì đó là một tràn than van tê tái của loài côn trùng, như loài dun dế đã đồng thanh ca ngợi ngày đã qua. Sau đó là tĩnh mịch hoàn toàn. Sự hiện diện của đất đai, như chỉ còn có mùi thơm ẩm ướt của cây rừng và của rong rêu trước mịt mùng vô tận…”.
Dường như suốt quãng thời gian dài tuổi thanh xuân, Bảo Đại mải mê với những cuộc đi săn, có lần gặp nạn nằm cả năm điều trị. Bản tin về việc vua Bảo Đại bị sa hố gãy chân trong lúc đi săn, đăng trên báo Đông Tây ngày 19/12/1938, nguyên văn như sau: “Đức Hoàng đế Bảo Đại bị nạn gãy chân trái”
“Tin điện hôm 15 Décembre bỗng bắn ra một tin dữ dội khiến ai nấy đều phải sửng sốt giật mình và chú ý đặc biệt tức là tin Đức Bảo Đại đi săn ở một cao nguyên gần Đà Lạt bị nạn gãy chân. Các viên đốc tờ y sĩ ở Đà Lạt vội tới ngay chỗ bị nạn cứu chữa. Nhà nước được tin cũng vội phái máy bay lên đó, để định đưa ngay Hoàng đế về Sài Gòn điều trị.
Nhưng vì gió to quá, máy bay không thể nào đỗ xuống được. Bất đắc dĩ phải bay về Ban Mê Thuột chờ đón ngài tại đấy. Sau khi ô tô đưa ngài đến các nhân viên y tế liền đưa ngài lên phi cơ bay thẳng về Sài Gòn.
13h30 máy bay đã đáp xuống trường bay Tân Sơn Nhất. Có một đội lính khố đỏ bồng súng và thổi kèn chào. Liền đó có ô tô đưa ngài về bệnh viện Grall. Trong khi điều trị ở Sài Gòn ngài sẽ ngự tại Phủ Toàn quyền (Dinh Norodom tức Dinh Độc Lập sau này – NV).
Các quan văn võ ở Sài Gòn đều kéo đến vấn an ngài đủ mặt. Quan Toàn quyền Brévié, quan thuộc địa Tổng trưởng Maudel và Đức Giám quốc Pháp Lebrun đều ân cần gởi điện vấn an và cầu chúc cho ngài. Các quan Khâm sứ Graffeuil, ông Phạm Quỳnh, Ưng Trình và cả Hoàng hậu Nam Phương nữa… đều thân vào tận Sài Gòn vấn an ngài.
Ngài bị nạn vì trong lúc mải mê săn bắn, chạy nhanh quá thụt chân vào hố nên mới bị gãy xương ống như vậy. Các viên đốc tờ hy vọng rằng sẽ bó lành được ống xương cho ngài và quyết chắc sẽ không thành tật”.
Thế nhưng sau này, trong hồi ký của mình Bảo Đại có nhắc lại chuyện bị gãy chân, và cho rằng nguyên nhân như sau: “Trong một cuộc đá banh ở Ban Mê Thuột năm 1938, tôi sa chân vào một ổ kiến, nên bị ngã. Chân trái bị gãy khớp xương trên mắt cá.
Lập tức tôi được đưa ngay vào bệnh viện Grall ở Sài Gòn để chữa. Bác sĩ đại tá Roques đã mổ chỗ đau cho tôi, sau đó tôi được đưa vào dinh Thống đốc Nam Kỳ Robin, ở điện Norodom để dưỡng bệnh. Tôi nằm ở đấy mất bốn mươi lăm ngày, bột bó được tháo ra, nhưng khớp xương gãy chưa lành hẳn lại được, nên phải đắp bột mới”
Trong hồi ký, Bảo Đại cho hay trước khi lên ngôi, đã cứ tưởng mình sẽ “quyền lực bậc nhất thiên hạ” theo quan niệm phương Đông, “đời sống tự do, làng xã ở Việt Nam chỉ đặt dưới quyền tòng phục tinh thần Hoàng đế, để được che chở và giúp đỡ trong các công tác hữu ích, có vậy mà thôi”. Bảo Đại không ngờ đến tình huống phải làm “bù nhìn” cho Pháp:
“ Các viên chức cai trị làng xã, tạo nên lớp kỳ hào phần lớn xuất thân ở lớp phú nông, hay trung nông gọi là đại chủ. Họ tự bầu ra để giữ những chức vụ điều khiển gọi là bọn kỳ hào, hào mục, hương lý, những bậc đàn anh trong làng.
Họ có thể được tăng cường thêm bởi những vị khoa bảng, các quan lại về hưu có ảnh hưởng xã hội, để giúp đỡ hay cho ý kiến cần thiết. Viên tiên chỉ phần nhiều những cụ già có uy tín nhứt.
Ở Việt Nam yếu tố tuổi tác rất đáng kính. Kính lão đắc thọ là một câu châm ngôn. Bởi thế, dù người già mà nghèo đến đâu chăng nữa cũng được gọi bằng cụ hay bằng ông, hai danh từ này dùng để tôn kính các bậc trưởng lão, không phân biệt ai cũng như ai.
Viên tiên chỉ chủ tọa hội đồng kỳ mục, đảm trách về lễ nghi, hội hè đình đám giữ vai trò quan tòa hòa giải, trong coi về ngân sách, thuế má, thiết lập ra quy hàng xã của làng. Việc quản lý làng được chia ra làm hai hạng kỳ mục. Các vị 60 tuổi gọi là lão hạng, điều khiển toàn công việc của xã, còn các người trẻ gọi là hương lý thì phụ trách điều hành.
Hội đồng Kỳ mục này chẳng những chỉ điều khiển về mặt trị an mà còn phải chăm non tác phong đạo hạnh của các thanh niên trong làng, chú trọng đến các cô nhi, quả phụ, các người già và nghèo đói. Mỗi làng đều lo an sinh xã hội giúp đỡ con em trong làng
Việc liên lạc với chính quyền sở tại trung ương được trao cho một người trong ban Kỳ mục, gọi là Lý trưởng. Viên này phải đôn thúc cả việc tuần phòng. Nếu xảy ra việc gì mà con em trong làng phạm pháp với chính quyền trung ương thì viên này phải chịu trách nhiệm nặng nề, mà trở thành một thứ dê tế thần.
Một tổ chức như vậy vừa nhiêu khê, vừa dân chủ, mà không có một viên kỳ mục nào có thể đơn phương hành động được, đã có ở nước tôi cả ngàn năm cũ. Thật rõ ràng minh bạch, chẳng có ai có đặc quyền gì, đời sống tự do, làng xã ở Việt Nam chỉ đặt dưới quyền tòng phục tinh thần Hoàng đế, để được che chở và giúp đỡ trong các công tác hữu ích, có vậy mà thôi”.