Theo sách Võ nhân Bình Định, do có thân hình mảnh mai, tính tình hiền hậu, phong cách của văn nho hơn võ sĩ, Diệp Đình Tòng không được nhiều người dân Vĩnh Thạnh (Bình Định) biết đến.
Một ngày kia, con bò đực điên sổng chuồng, chạy khắp thôn, gây nguy hiểm cho người dân, đinh tráng vây bắt nhưng bất lực. Diệp Đình Tòng (Diệp Công) vội xông ra, nắm chặt đôi sừng to nhọn, ghì xuống đất.
Ông thét lên một tiếng, vặn mạnh cổ bò sang một bên, khiến con vật hung hăng nằm im chịu trận. Trai tráng xúm lại dùng dây trói 4 chân, khiêng về chuồng. Từ đó, dân trong thôn hết sức khâm phục tài sức của ông.
|
Ảnh minh họa. |
Bấy giờ, Vĩnh Thạnh là thôn hẻo lánh, nhưng đất đai màu mỡ nên có nhiều nhà giàu có, giặc cướp thường đến quấy nhiễu. Các phụ lão yêu cầu Diệp Công mở trường dạy võ để con em trong làng đủ sức bảo vệ quê hương. Ông hứa sẽ làm theo sau chuyến đi An Nhơn thăm bà con bè bạn.
Khi tới nơi, nghe danh võ sư Trương Văn Hiến (thầy dạy của 3 anh em nhà Tây Sơn), Diệp Công liền đến diện kiến. Từ đó, hai người kết bạn và chuyến đi An Nhơn làm thay đổi cuộc đời của Diệp Đình Tòng.
Sau khi từ biệt Trương võ sư, ông đi thẳng xuống Phụng Ngọc thăm bạn đồng hương. Khi đi ngang An Nhơn, Diệp Công nghe người dân nguyền rủa viên tri huyện là tên quan lại ác ôn, thường xuyên hãm hại dân lành.
Có người cho biết quan tri huyện sở tại sai lính bắt cô gái nhà lành ở thôn An Ngãi về làm thiếp hầu hạ. Cha mẹ cô gái không đồng ý liền bị lính đánh đập rồi bị bắt luôn về tống giam.
Đợi suốt đêm, không thấy con, dâu và cháu nội trở về, bà lão bèn chống gậy đến huyện đường đòi trả người thân. Viên tri huyện nổi nóng đạp bà lão té lăn, rồi dùng gậy đánh đập tàn nhẫn.
Không kìm được tức giận, Diệp võ sư liên tìm đến nha huyện. Ông nhảy vào sân huyện đường, giật lấy gậy trên tay quan tri huyện và đỡ bà cụ đứng lên. Thấy có người ngăn cản, viên tri huyện miệng chửi mắng, tay chụp lấy chiếc ghế đẩu đánh vào đầu Diệp Công. Sẵn gậy trên tay, ông đâm thẳng vào trán khiến tên tri huyện bật ngửa, chết tại chỗ.
Người trong huyện kêu cứu, lính tráng kéo đến. Một mình Diệp Công tả xung hữu đột giữa vòng vây của lính huyện.
Với cây gậy trong tay, võ sư đã hạ gục đám sai nha, sau đó ông vào nhà giam, phá cửa thả những người bị bắt (phần đông đều bị vu khống, bắt oan). Để tránh rắc rối cho nhân dân địa phương, võ sư Diệp vào công đường, viết lại tên tuổi của mình, rồi lên đường.
Khi trở về Vĩnh Thạnh, Diệp Công biết đám quan lại địa phương sẽ cho người truy nã mình nên lên núi ẩn náu. Ông dạo khắp các ngọn núi cao ở vùng Tây Sơn. Khi đến dãy Kim Sơn thuộc huyện Hoài Ân, ông gặp được nơi ưng ý, bèn chặt cây cất nhà ở.
Một thời gian sau, ông gặp Trần Quang Diệu, nhận làm đệ, truyền dạy võ nghệ. Sau vài năm, Trần Quang Diệu được truyền võ công của Diệp sư phụ.
Một hôm, ông gọi Trần Quang Diệu đến, kể rõ nguồn cơn rồi bảo: “Nước nhà đang cơn loạn lạc, bọn tham quan ô lại vì quyền lợi riêng làm khổ nhân dân. Vùng non sông thanh tú này nảy sinh nhiều anh hùng hào kiệt để chung sức dẹp loạn cứu dân. Con nay tài nghệ đủ dùng, thầy và con duyên trần đã mãn.
Thầy tặng thanh long đao thường dùng để huấn luyện võ công cho con. Sau khi thầy qua đời, con hãy xuống núi, ghé lại Vĩnh Thạnh, nơi thôn có gia đình thầy, cho biết tin tức rồi đi tìm anh hùng hào kiệt trong vùng để cùng nhau lo toan việc lớn”.
Nói rồi, Diệp Công xếp bằng chân, chắp tay, nhắm mắt vĩnh viễn đi vào hư ảo.