Chuyện xảy ra từ cách đây hơn 300 năm, vào thời vua Việt Lê Gia Tông, năm 1672. Khi đó, Vũ Công Tuấn là Đô đốc Thiêm sự, tước Khoan Quận công làm phản, từ Thăng Long chạy về Tuyên Quang định gây thế lực cát cứ. Năm 1688, Vũ Công Tuấn chạy sang Vân Nam (Trung Quốc) nhờ lực lượng ngoại bang giúp sức.
Nhân thời cơ này, Thổ ty Vân Nam xâm chiếm đất đai vùng biên giới của Đại Việt ở châu Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa; ngang nhiên đặt Tuần ty ở sát biên giới, sách nhiễu thu thuế người buôn bán. Các quan trấn thủ vùng biên của ta nhiều lần đưa thư sang đòi, nhưng Thổ ty Vân Nam không chịu trả (Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương mục). Sau nhiều lần đòi, Tổng đốc Vân Nam mới trả 120 người, nhưng vẫn không trả lại đất.
|
Quân đội thời Lê-Trịnh trong đám tang đương thời qua nét vẽ của người phương Tây. Ảnh: Trịnh Sinh. |
Năm Canh Ngọ (1690), triều đình Đại Việt sai Chánh sứ Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, phó sứ Nguyễn Tiến Sách, Trần Thọ sang nhà Thanh nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu việc Thổ ty ở Khai Hóa và Mông Tự (Vân Nam) xâm chiếm những thôn động ở các châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai, xin tra xét rõ ràng cho. Nhưng triều đình nhà Thanh ỉm việc này, không trả lời. Đến năm Đinh Sửu (1697), triều đình Đại Việt lại cho sứ thần sang nhà Thanh nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa lần nữa.
Khi đó, nước ta đang trong thời kỳ vua Lê-chúa Trịnh. Vua Lê không có quyền lực, mà điều hành triều đình là chúa Trịnh. Các cuộc ngoại giao về biên giới phía Bắc cũng dừng lại ở cuối thế kỷ XVII, một phần lãnh thổ vùng biên nước ta vẫn chưa thu hồi được.
Đến năm 1709, chúa Trịnh Căn mất, chúa Trịnh Cương lên nối ngôi. Đây là một vị chúa có nhiều cuộc cải cách an dân như chế độ hạn điền bảo đảm cho dân nghèo có ruộng, đốc thúc việc đê điều, khuyến nông... Vì vậy, nhìn chung, nông nghiệp thời kỳ này ổn định và phát triển. Trịnh Cương là vị chúa toàn tâm lo việc thế sự, thường cùng tham tướng Nguyễn Công Hãng bàn soạn công việc “từ đầu canh năm đến mặt trời lặn mới thôi”.
Chúa có công củng cố quân đội, đặt ra 6 quân Trung Dực, Trung Oai, Trung Thắng, Trung Khuông, Trung Nhuệ và Trung Tiệp, mỗi doanh 800 người, bổ dụng các tướng Gia quận công Đặng Đình Lân và Thiêm quận công Trương Nhưng, cả thảy 6 người chia nhau thống lãnh. Sau đó, ông bắt đầu cấp ruộng công cho lính tứ trấn thay vì chỉ cấp cho lính Thanh Nghệ như trước để tránh nạn “kiêu binh”. Việc tuyển chọn các thủ lĩnh quân sự không phải là người họ Trịnh đã giúp cho quân đội có được những tướng thực tài. Khi đó, đất nước bước vào thời kỳ thịnh trị đúng như sử gia Phan Huy Chú ghi nhận: "Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ. Thực là đời rất thịnh".
Nhờ có “thực túc binh cường” và “binh hùng tướng mạnh” mà thể chế vua Lê-chúa Trịnh ở Đàng Ngoài khi đó rất vững chắc. Lúc đó, Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu từng có ý chinh phạt Bắc Hà, bèn sai người ra Bắc do thám. Họ về tâu: "Trong triều cường thịnh, tướng văn, tướng võ đều là người giỏi, binh lương đầy đủ, quân bộ, quân thủy đã nhiều lại tinh nhuệ...". Nguyễn Phúc Chu phải bỏ mộng thâu tóm Bắc Hà.
Cũng chính lúc đó, triều đình Đại Việt tỏ rõ sức mạnh tự tôn dân tộc và cũng là lúc thời cơ đòi lại một phần lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt đã tới.
Biên giới phía Bắc bấy giờ vẫn duy trì chính sách từ thời chúa Trịnh Căn đối với người nhà Thanh sang ta làm ăn, buôn bán “Nghiêm sức cho người phương Bắc sang trú ngụ, nhất luật phải tuân theo phong tục nước ta”. Đối với người nào đã “biên tên vào sổ sách nước ta, thì từ ngôn ngữ đến đồ mặc nhất luật phải theo phong tục nước ta” (Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục).
Đối với lái buôn phương Bắc, “nếu không có người quen biết hướng dẫn, không được tự tiện vào kinh thành”. Còn đối với dân ta ở vùng biên thì “không được bắt chước tiếng nói và đồ vật của người phương Bắc”. Với tinh thần tự tôn dân tộc cao như vậy, rõ ràng đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lâu dài cho đến tận ngày nay.
Năm 1724, chúa Trịnh Cương sai Phạm Ích Khiêm đi sứ nhà Thanh, đến Yên Kinh được vua Khang Hy tiếp, đàm phán lập giới mốc ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng) ở Vị Xuyên, Hà Giang ngày nay, thu được 80 dặm, còn 40 dặm biên giới là nơi có Xưởng Đồng Tụ Long (Đồng Xưởng) thì nhà Thanh vẫn không chịu trả.
Đến thời Ung Chính (1728), sau nhiều lần triều đình Đại Việt làm văn thư đòi lại, nhưng các thổ mục vùng biên của nhà Thanh không chịu trả. Nhà Thanh cử các quan sang Đại Việt thăm dò. Có lẽ thấy Đại Việt đang hùng cường và bài học đuổi quân Minh thời Lê Lợi còn đó nên Ung Chính không dám gây chiến.
Với tài khôn ngoan của chúa Trịnh Cương, một mặt cảnh giới nghiêm ngặt, nhưng cũng nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới không được tự tiện hành động. Vì thế, nhà Thanh sai Dịch Lộc đến Thăng Long giao trả lại đất cũ cho Đại Việt và lập mốc giới ở sông Đồ Chú. Khi tiếp nhận sắc văn của vua Thanh, với yêu cầu “nghi lễ ba lần quỳ, chín lần vái, triều đình cũng miễn cưỡng, nhân nhượng nghe theo”.
Mặt khác, trong bức Quốc thư gửi Ung Chính, Trịnh Cương cũng nhún nhường “lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời”. Với sự tỉnh táo, tránh hiểm họa binh đao, chúa Trịnh đã khôn khéo thu được đủ 120 dặm biên giới có mỏ chì, mỏ đồng của tổ tiên để lại mà không mất một người lính nào.
Lịch sử đã chứng minh thời vua Lê-chúa Trịnh kéo dài đến 255 năm nhưng không có quân xâm lược nào dám nhòm ngó. Có lẽ, đến lúc các nhà sử học phải đánh giá lại thời kỳ này. Chúa Trịnh có lỗi vì chèn ép vua Lê, nhưng cũng góp nhiều công lao trong lịch sử dân tộc: góp phần gìn giữ biên cương, tự tôn và khẳng định nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước Nam.