Đế vương nước Việt và những tục lạ đầu xuân năm mới (1)

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, có những phong tục đầu xuân năm mới lại liên quan đến một số vị vua trong lịch sử nước nhà.

Với một nền văn hóa có bề dày truyền thống hàng ngàn năm mang những nét riêng hết sức độc đáo, do đó chỉ xét về phong tục ngày Tết của người Việt thôi cũng đã có bao điều mà chúng ta tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn thấy bất ngờ, lý thú. Ít ai biết rằng, có những phong tục đầu xuân năm mới lại liên quan đến một số vị vua trong lịch sử nước nhà.
Kiến Thức xin được giới thiệu sơ qua vài nét về một số phong tục Tết cổ truyền do các vị vua Việt Nam đặt ra, có phong tục được phổ biến rộng nhưng có phong tục chỉ gói gọn trong một khu vực địa lý nhất định. Tuy nhiên, dù ở phương diện nào đi nữa, qua đó mỗi người chúng ta sẽ thêm hiểu và thêm yêu những giá trị tinh thần, tư tưởng nhân văn cao quý mà cha ông đã gửi gắm.
Hùng Quốc Vương với triết lý nhân sinh qua tục hái lộc đầu xuân
Lộc là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá hoặc là một cành lá non nhỏ. Người Việt có câu “đâm chồi nẩy lộc” để chỉ cho những gì mới được hình thành, tương lai sáng lạn và lâu dài còn chờ ở phía trước. Từ “lộc” ở đây còn đồng âm với chữ “lộc” có nghĩa là tiền tài, lộc lạc. Do đó vào đầu năm mới, người Việt có tục đi hái lộc để lấy may.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng tục hái lộc có từ thời vua Hùng, nghĩa là hái lộc là phong tục người Việt. Theo truyền thuyết xưa, nhân một chuyến du xuân, Hùng Hiền Vương (người con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ) đã hái một cành lộc đem về cho con cháu với lòng mong ước nhiều điều tốt cho dòng dõi họ tộc, người dân cũng mô phỏng theo hành động đẹp ấy rồi thành mỹ tục về sau.
Một thuyết khác kể lại rằng: Khi thấy các con mình khôn lớn, vua Hùng thứ 3 (tức Hùng Hiền Vương) cho triệu tập các quần thần, bô lão cùng các con đến phán bảo:
- Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi.
Nghe vua cha truyền, những người con đều có ý ngần ngại và chỉ muốn được ở lại cùng cha mẹ. Quần thần không biết tâu với vua thế nào thì bà hoàng hậu thưa:
- Các con vì lưu luyến cha mẹ nên không muốn đi xa. Thiếp trộm nghĩ nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách "bẻ lộc" cho con. Ai nhận được cành lộc nào thì cứ phương ấy mà đi.
Thấy phải, vua thuận ý rồi truyền cho quần thần và các con đi nghỉ, không ai được động tĩnh gì... Sau đó, vua cho dựng đàn làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi suốt cả đêm. Đến giữa canh ba, vua Hùng đi bẻ lá xem giờ sang canh, bà hoàng hậu đi bẻ cành lộc để chia cho các con.
Sáng hôm sau, vua ban cho mỗi con một cành lộc và dạy rằng:
- Non ở nhà, già ở ấp (trại ấp). Chẵn lên non, còn xuống biển. Trên đường đi, nếu gặp điều không may, các con cứ lấy cành lộc còn đẫm sương đêm này mà vẫy lên thì giặc giã, tà ma nào cũng sẽ tan hết. Con nào lên núi ta ban cho mây và ngựa, các con xuống biển ta cho gió và thuyền.
De vuong nuoc Viet va nhung tuc la dau xuan nam moi (1)
 Hái cành lộc biếc. Hình minh họa. Nguồn: nxbkimdong. 
Theo lệnh vua cha, các hoàng tử quỳ lạy và nhận mỗi người một cành lộc rồi lên đường đi trấn cứ các miền. Vua Hùng xiết đỗi mừng vui, truyền cho muôn dân mở hội mừng đón các hoàng tử đến trị vì xứ của mình.
Từ đó, hái lộc đầu xuân đã trở thành phong tục của dân tộc ta. Hái lộc là để lấy may, cầu may khi bước sang năm mới. Do vậy, người ta thường đi hái lộc sau giao thừa hoặc sớm tinh mơ ngày mồng một Tết. Cành lộc là một cành cây nhỏ có thể là đa hay nhánh đề, si... hoặc là cành của những cây cổ thụ ở đầu làng bên giếng nước, đó đều là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho trong năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên hoặc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma qủy và để báo cho mọi người biết: đã có người xuất trình “xin” lộc đất trời. Hiện nay phong tục đẹp này đã bị biến tướng, đó chính là do sự thiếu hiểu biết về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong tục, nên nhớ rằng lộc chỉ đẹp khi nó ở đúng vị trí, nó chỉ mang đến cho ta niềm hy vọng, sự yêu đời khi ta nâng niu nó.
Hùng Hoa Vương và tục dâng lá trầu, quả cau trên bàn thờ ngày Tết
Trong kho tàng văn học cổ truyền Việt Nam, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết đến sự tích “Trầu Cau”. Chuyện về hai anh em sinh đôi tên là Cao Tân và Cao Lang rất thương yêu nhau, vì giống nhau như hai giọt nước nên dẫn đến việc người vợ của Cao Tân nhầm lẫn tưởng Cao Lang là chồng, vì một sự hiểu lầm mà tình cảm anh em trong gia đình bị rạn nứt. Người em bỏ đi, đến một con suối sâu thì hoá thành một tảng đá hình người, người anh đi tìm em khi đến tảng đá này thì hoá thành cây cau toả bóng che chở; người vợ đi tìm chồng, tìm em khi đến bên dòng suối cũng hoá thành cây trầu quấn quít quanh thân cau...
Người dân thương cảm đã dựng miếu thờ 3 người ở ven sông và quen gọi là miếu "anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa". Theo Tân đính Lĩnh Nam chích quái thì ngôi đền thờ ba người nằm ở xã Nam Hoa, huyện Nam Đàn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Thời Trần, triều đình đã sắc phong ba người làm Phúc thần, Cao Tân là Dực vận tân hóa Đại vương, Cao Lang là Hậu trạch phong công Đại vương, Lưu Thị Xuân Phù là Tư thuận Chương tín công chúa. Ở làng Hoa Ổ, tổng Hoa Lâm, huyện Nam Đàn, phủ Anh Đô, xứ Nghệ An (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng có đền thờ họ, gọi là đền thờ thần Trầu Cau.
Lại nói về chuyện trên, một năm nọ trời làm hạn hán rất dữ, cây cỏ đều khô héo cả, duy chỉ có hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu là vẫn xanh mượt. Mọi người cho là linh dị. Vua Hùng Hoa Vương (Hùng Vương thứ 4) một hôm ngự giá qua xứ đó, ngạc nhiên vì cảnh lạ cây lạ mới hỏi và được dân kể lại đầu đuôi câu chuyện. Hùng Vương nghe xong rất cảm động, Ngài sai người hái quả xuống nếm thử thấy vị chát, nhưng khi nhai với lá cây dây thì một vị là lạ đến ở đầu lưỡi: nó vừa ngon ngọt, vừa thơm cay, khi bãi nhai quả và lá của hai thứ cây nhổ xuống đá thì có màu đỏ; Hùng Hoa Vương sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi, sắc mặt hồng hào tươi đẹp. Vua bảo:
- Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ.
De vuong nuoc Viet va nhung tuc la dau xuan nam moi (1)-Hinh-2
 Dâng vua Hùng lá trầu, quả cau. Hình minh họa. Nguồn: sachxua.net). 
Từ đó vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống cho nhiều hai loại cây ấy. Điều đáng chú ý là luật của nhà vua bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tí để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu. Tục còn mang triết lý tổng hợp, cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương), vôi lấy từ đá biểu tượng cho đất (âm), cây trầu mọc từ đất nhưng vươn lên quấn lấy thân cau, đóng vai trò trung gian hòa hợp, tạo nên sự tổng hợp của âm dương - tam tài.
Không chỉ vậy, câu chuyện đó đã để lại cho người đời sau lòng xót thương, cảm động và thán phục trước tình nghĩa anh em cao quý; tình vợ chồng thuỷ chung son sắt. Chính từ cội nguồn đó mà trong tập quán của người Việt, hình tượng trầu cau luôn biểu tượng cho sự gắn bó thiêng liêng của tình người, tình yêu và là vật phẩm không thể thiếu được trong các mâm lễ cưới hỏi, giỗ chạp... và đặc biệt là trên bàn thờ ngày Tết.
Vua Hùng thứ 8 và xuất xứ tục kiêng ăn rau cần ngày Tết
Đây là một phong tục mang tính địa phương nên không phổ biến rộng mà chỉ bó hẹp trong một ngôi làng.
Tục truyền vào một mùa xuân, vua Hùng thứ 8 (Hùng Vĩ Vương) đi đánh giặc, tới làng Cao Xá (nay thuộc xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) thì trời tối. Ba quân bụng đói, chân mỏi mà lương thực lại cạn. Lúc ấy có một bà lão tên là Cần đã mạnh dạn dâng lên một giống cỏ nước có đốt. Bà thái cỏ, ướp muối dâng lên vua làm đồ dùng kèm với cơm cho quân lính ăn.
Cỏ này vốn trước đó chỉ cho lợn ăn, bà già nghĩ rằng cho vua ăn là trọng tội, nên vừa dâng xong thì bà tự tử. Ai ngờ loại cỏ ấy, quân lính ăn no bụng, đủ sức đánh tan quân giặc. Nhà vua thương tiếc người đàn bà nghèo khó nhưng có tấm lòng cao đẹp và trung nghĩa, bèn lệnh cho lập đền thờ và truyền lấy tên của bà đặt cho giống cỏ đó. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 Tết, dân gian phải kiêng không được ăn rau cần để tưởng nhớ công lao của bà lão. Đến nay, nhân dân một số nơi ở vùng Cao Xá vẫn giữ tục này.
Về vua Hùng thứ 8, hiệu của Ngài là Hùng Vĩ Vương. Theo bản thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với nhưng thông tin thú vị liên quan thì Hùng Vĩ Vương là đời vua đầu tiên của chi thứ tám, tên húy là Vân Lang, sinh ngày 15 tháng 7 năm Nhâm Thìn, mất ngày 11 tháng 10. Chi của vua truyền được 5 đời vương nối nhau cai trị đất nước, tổng được 100 năm.
Một thuyết khác thì kể rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), quân Thục từ miền đông bắc thường kéo đến xâm lấn đất đai, vua Hùng Duệ Vương phải nhiều lần đem quân chống giữ. Một lần vua Hùng đưa quân đi đánh giặc, đến đất Cao Xá thì cho quân nghỉ lại. Hôm đó là ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, dân làng vừa vui Tết xong. Mọi người tất bật làm cơm và lấy rau cần làm thức ăn để khoản đãi vua Hùng và quân tướng. Từ đó trở đi, dân làng Cao Xá có tục kiêng không ăn rau cần trong 6 ngày đầu năm.
Hùng Hồn Vương và tục dâng cúng bánh chưng ngày Tết
Theo bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) thì Hùng Hồn Vương là vua Hùng ngành thứ 6, tên húy là Long Tiên Lang; Ngài chính là người đặt lệ dâng cúng bánh chưng ngày Tết.
Truyền rằng, sau khi nhờ Thánh Gióng và sự góp sức của quân dân cả nước, Hùng Vương đã đại phá giặc Ân. Bấy giờ đất nước thái bình, nhà vua mới nghĩ đến việc truyền ngôi, Hùng Hồn Vương gọi 22 vị quan lang (hoàng tử) lại mà bảo rằng:
- Ta muốn truyền ngôi cho người con nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dân cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.
Theo Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, trong khi các anh em đi tìm của ngon vật lạ, thì hoàng tử thứ chín là Lang Liêu từ giấc mộng thấy thần nhân bảo rằng trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật. Khi tỉnh dậy, bắt chước theo mà làm, lấy gạo nếp vo sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dầy.
De vuong nuoc Viet va nhung tuc la dau xuan nam moi (1)-Hinh-3
Chuẩn bị bánh chưng, bánh dày dâng cúng tổ tiên. Hình minh họa. Nguồn: nxbkimdong.  
Khi Hùng Hồn Vương đến xem phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các hoàng tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Năm hết, Hùng Hồn Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu tổ tiên và sau đó truyền ngôi cho Lang Liêu.
Vì thấy vào ngày lễ tết, vua Hùng đem bánh chưng, bánh dày dâng cúng, người dân cũng bắt chước làm theo và dần trở thành một phong tục đẹp lưu truyền đến tận ngày nay. Do hai loại bánh thường có trong dịp Tết nên được gọi là Tiết Liệu để ghi nhớ đến Lang Liêu, người làm ra bánh. Theo Hán tự, chữ “tiết” viết gần giống chữ “Lang”, chữ “liệu” âm gần giống chữ “Liêu”; từ đó về sau Tiết Liệu là từ dùng để chỉ chung các loại đồ ăn trong ngày Tết.
Hùng Chiêu Vương và tục nấu cơm thi đầu xuân
Nấu cơm thi là một hoạt động văn hóa thường diễn ra trong các lễ hội xuân tại các làng quê Việt Nam thể hiện sự linh hoạt, khéo léo… Tương truyền tục này xuất xứ từ ý tưởng của Hùng Chiêu Vương – vua Hùng thứ 7.
Hùng Chiêu Vương chính là Lang Liêu, người thắng giải trong cuộc thi với hai loại bánh là bánh chưng và bánh dày. Ngài là người rất quan tâm đến nghề nông, truyền thuyết kể rằng thấy cách trồng lúa của dân đem lại hiệu quả không cao, vua mới bày cách cho dân đắp bờ giữ nước, cách gỡ hạt, gieo mạ. Khi mạ lên xanh thì đem cấy xuống ruộng nước; dân từ đó làm theo, kết quả thóc lúa thu hoạch nhiều, đời sống sung túc, no nê. Nhà vua còn lập kho chứa thóc ở Nông Trang, mở chợ mua bán thóc gọi là chợ Lú (lúa)… Nhân dân nhớ ơn vua đã dạy dân cấy lúa nên cũng gọi ngài là Thần Nông. Tương truyền Đồng Lú thuộc xã Minh Nông ở Việt Trì (Phú Thọ) ngày nay chính là nơi vua Hùng dạy dân gieo mạ, cấy lúa.
De vuong nuoc Viet va nhung tuc la dau xuan nam moi (1)-Hinh-4
 Nấu cơm thi. Hình minh họa. Nguồn: nhandan.com.vn. 
Một lần vào dịp tết, Hùng Chiêu Vương bảo các mị nương (công chúa) nấu cơm thi xem ai nấu khéo. Mỗi công chúa được chia một bát gạo, một cái nồi con và hai thanh nứa. Các công chúa cọ sát các thanh nứa vào nhau để lấy lửa nấu cơm.
Từ đó, hàng năm vào các dịp lễ hội, người dân mọi vùng đều tổ chức cuộc thi nấu cơm. Đặc biệt tại xã Kinh Kệ (tên Nôm là Kẻ Cài) ở Lâm Thao, Phú Thọ, tục này được duy trì theo nghi thức gần với truyền thuyết xưa. Các cô gái trong làng thi nấu cơm, chấm giải. Nồi cơm được treo vào đòn gánh, người thi phải cho gạo và nước vào nồi, cọ hai thanh nứa cho tóe lửa vào bùi nhùi. Hai người vừa gánh vừa nấu cơm, tới khi có hiệu lệnh trống làm sao đến lúc đó cơm đã chín tới. Nồi cơm nào nấu khéo nhất sẽ được chọn để tế, dâng lên bàn thờ vua Hùng. Sau khi tế, tất cả các nồi cơm dự thi được bày ra, mọi người ùa vào cướp cơm để lấy may, cầu cho quanh năm no đủ.
Tục thi nấu cơm được lan tỏa rộng rãi tới nhiều vùng miền trong cả nước, phổ biến nhất là trong các lễ hội ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Mỗi nơi, tục này lại có cách thức, nghi thức thi khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa nhắc nhở đến các bậc thánh tổ Hùng Vương, thể hiện tài khéo léo trong nấu ăn và cầu may mắn, sung túc.
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)