Trong lịch sử Trung Hoa, nhiều nhân vật hào kiệt sở hữu võ công cao cường, tài năng xuất chúng. Nhưng được đánh giá là danh tướng "thiên cổ vô nhị" chỉ có duy nhất Hạng Vũ. Sử chép rằng xưa kia Hạng Vũ từng một mình nhấc bổng chiếc vạc lớn trước miếu vua Hạ Vũ. Sức mạnh phi thường này người đời sau cũng phải nể phục.
Nhưng bạn có biết, ở Việt Nam có một vị vua nổi tiếng được đánh giá cũng có sức mạnh chẳng thua kém gì Hạng Vũ của Trung Quốc. Ông là Ngô Quyền, người vang danh không chỉ ở Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế biết đến sau chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938.
"Đại Nam quốc sử diễn ca" của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái từng viết về Ngô Quyền như sau: "Dương Công xưa có rể hiền, Đường Lâm hào hữu tên Quyền họ Ngô". Phan Bội Châu thì gọi vị vua này "Tổ Trung hưng" trong "Việt Nam quốc sử khảo".
Trong khi đó, sử Trung Quốc thì nói về Ngô Quyền như sau: "Người này mắt đẹp, lưng đầy, để phục lại đời sau ngày càng thịnh". Ngay từ khi Ngô Quyền sinh ra đã mang quý tướng với 31 nốt ruồi trên lưng. Ngày ông cất tiếng khóc chào đời cũng xảy ra hiện tượng kỳ lạ khi ánh sáng bao phủ nhà họ Ngô.
Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ. Cha ông là châu mục ở châu Đường Lâm (nay thuộc Hà Nội). Gia đình họ Ngô vốn là dòng họ hào trưởng rất thế lực, đời đời làm quý tộc. Khi Ngô Quyền chào đời, ông bà Ngô Mân đã mời thầy về xem tướng số cho con. Ông thầy tướng này phán: "Đứa bé sau lớn lên tất sẽ làm chủ một phương". Cũng vì thế mà cha mẹ quyết định đặt tên ông là Ngô Quyền, cái tên thể hiện uy dũng một đấng hào kiệt.
Lớn lên Ngô Quyền ngày càng khôi ngô tuấn tú, mắt sáng, mày đậm, đi đứng thong thả như cọp, ăn nói đĩnh đạc, toát lên vẻ uy dũng. Trong một lần tập luyện võ nghệ, Ngô Quyền cao hứng nâng luôn cả chiếc vạc lớn rồi đưa lên cao. Mọi người nhìn thấy thì kinh ngạc.
Sự việc đó được so sánh với việc Hạng Vũ nâng chiếc vạc lớn trước miếu Hạ Vũ năm xưa, hay Quan Vũ nhấc tảng đá nghìn cân đặt trên giếng để lấy thịt lợn của Trương Phi.
Khi trưởng thành, Ngô Quyền đã cho thấy rõ chí khí của mình. Ông giết nghịch thần Kiều Công Tiễn, phá tan quân giặc Hoằng Thao, dựng nước, xưng vương. Nguyễn Trãi sau này viết về Ngô Quyền trong "Dư địa chí" như sau: "Vua Tiền Ngô dẹp quân Hán, khôi phục nước nhà, đất đai thu được", "Ngô gọi nước là Tiền Ngô, đóng đô ở Loa Thành".
Ngô Quyền không chỉ là anh hùng hảo hán thời ông sống, mà còn là vị vua được ngàn đời sau kính nể. Đúng như Ngô Thì Sĩ nhận định về ông: "Võ công lớn ấy còn vĩ đại đến nghìn năm, chứ có phải chỉ rạng rỡ một thời mà thôi đâu".