So với những anh hùng thời Tam quốc như Tào Tháo, Lưu Bị, Tư Mã Ý hay Gia Cát Lượng, Tôn Quyền là người qua đời cuối cùng.
Người đời sau không khỏi thắc mắc, vậy quãng thời gian đó Tôn Quyền đã làm gì và vì sao lãnh thổ Đông Ngô không một lần nào mở rộng về phía Thục Hán hay Tào Ngụy, để Tôn Quyền thống nhất Trung Hoa.
|
Tôn Quyền càng về già càng mắc sai lầm. |
Những sai lầm chồng chất
Năm 241, Tôn Quyền năm đó 61 tuổi, được tin Ngụy đế Tào Duệ qua đời, thái tử Tào Phương còn nhỏ, nội bộ Tào Ngụy bất đồng, liền phát động chiến dịch đánh Ngụy, theo Tam quốc chí của Trần Thọ - sử gia nhà Tây Tấn. Ông là tác giả bộ chính sử về thời Tam quốc.
Tuy nhiên ông không nghe theo lời viên quan Ân Trát, liên minh với Thục để giáp công Ngụy từ bốn mặt, nên kết quả là chiến dịch thất bại nhanh chóng.
Năm 241, thái tử Tôn Đăng qua đời ở tuổi 33. Trước khi chết, thái tử có làm một tờ di biểu bày tỏ nỗi lòng và khuyên ngăn Tôn Quyền về những việc làm sai trái.
Ngôi vị thái tử để trống khiến những tranh cãi trong triều không ngừng nổi lên. Tôn Quyền khi đó ngày càng chán nản và suy kiệt.
Năm 242, ông lập con trai thứ ba là Tôn Hòa, làm thái tử. Tuy nhiên, ông cũng yêu thương một người con trai khác là Tôn Bá, cho phép Tôn Bá được hưởng đãi ngộ ngang với thái tử.
Điều này dẫn đến cuộc đấu đá, cạnh tranh quyền lực ngầm giữa hai anh em họ Tôn. Tôn Bá bắt đầu có những hành động mưu đoạt quyền của Tôn Hòa.
Tôn Quyền ban đầu ngăn cản cả Tôn Hòa và Tôn Bá xây dựng quyền lực, nhưng không thể ngăn được tham vọng của Tôn Bá. Khi Lục Tốn cố gắng để bảo vệ Tôn Hòa, Tôn Bá bèn vu cáo bằng những tội lỗi không có thật, khiến Tôn Quyền hết sức giận gữ Lục Tốn, cuối cùng công thần này đau buồn mà chết.
Năm 250, vì chán nản việc Tôn Bá luôn tìm cớ hãm hại Tôn Hòa, Tôn Quyền đã có một hành động hết sức khó hiểu. Ông buộc Tôn Bá phải tự sát và phế truất luôn Tôn Hòa dù Tôn Hòa luôn khẳng định mình không có lỗi gì.
Tôn Quyền sau đó bèn lập ấu tử mới 8 tuổi - Tôn Lượng, làm thái tử. Bất cứ ai phản đối quyết định này đều phải chết, dù đó là hoàng thân quốc thích.
Tam quốc chí của Trần Thọ chép, năm 251, Tôn Quyền khi đó 69 tuổi, ở thời điểm gần đất xa trời, ông lại muốn hạ chiếu lập hoàng hậu. Người được chọn là mẫu thân của Tôn Lượng, phu nhân Phan Thục.
Tôn Quyền trước đây có nhiều vợ nhưng chỉ truy phong hoàng hậu một lần duy nhất khi phu nhân qua đời. Tôn Quyền sau đó lại muốn gọi con trai Tôn Hòa trở về nhưng lại bị phe phái ủng hộ Tôn Lượng can ngăn nên đành thôi.
Cùng năm đó, khi Tôn Quyền lâm bệnh hấp hối, Phan hoàng hậu bị nô tì hại chết. Nhiều sử gia Trung Hoa sau này tin rằng, vụ giết hại này do thế lực triều thần ở Đông Ngô gây ra, vì họ sợ Phan hoàng hậu sẽ nắm lấy quyền lực khi Tôn Quyền qua đời, dưới danh nghĩa thái tử còn nhỏ tuổi.
Ngày 21.5.252, Tôn Quyền qua đời, thọ 71 tuổi. Thái tử Tôn Lượng nối ngôi. Thời kỳ Đông Ngô suy tàn cuối cùng cũng chính thức bắt đầu từ đây.
Lý do Tôn Quyền không thể thống nhất thiên hạ
Theo các sử gia Trung Hoa hiện đại, việc Tôn Quyền không thể hoàn thành đại nghiệp, không chỉ là do Tào Tháo hay Lưu Bị, mà còn có những nguyên nhân chủ quan khác.
Thứ nhất, Tào Ngụy và Thục Hán sau thời Tào Tháo-Lưu Bị vẫn là một thế lực đáng gờm. Tôn Quyền đã không nhìn xa trông rộng để chuẩn bị binh lực từ trước, nên khi thấy Tào Ngụy gặp biến động, Tôn Quyền xua binh tấn công nhưng cũng thất bại trở về.
Thứ hai, so với Tào Ngụy, sức mạnh của Đông Ngô có phần yếu thế hơn. Khi Tôn Quyền xưng đế, những công thần Chu Du, Lữ Mông, Trình Phổ đều lần lượt qua đời.
Hơn nữa, sự kiềm chế của các thế lực ở Giang Đông cũng khiến Đông Ngô miễn cưỡng thủ thế tự vệ, thiếu chí tiến thủ.
Ở thời Tam Quốc, trung tâm chính trị của Trung Hoa vẫn ở Lạc Dương, còn khu lưu vực Trường Giang của Đông Ngô chưa có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Những mặt hạn chế này khiến thực lực của Đông Ngô ngày càng suy giảm, cuối cùng mất hoàn toàn khả năng tranh đoạt thiên hạ.
Thứ ba, Tôn Quyền đã chứng minh năng lực của mình suốt một giai đoạn dài ở thời Tam quốc. Nhưng càng về sau, Tôn Quyền càng để lộ ra những nhược điểm khi phải tự mình xuất quân ra trận.
Quân đội Đông Ngô sau này vì lệ cha truyền con nối mà binh mã không có chí hướng chung, quyền lực chia về các gia tộc. Đó là lý do những lần chinh phạt của Tôn Quyền sau này đều thất bại bởi tay Tư Mã Ý.
Thứ tư, nhiều công thần như Lỗ Túc khi còn sống đã nhắc đi nhắc lại chuyện phải liên minh với Thục để làm nghiệp lớn, nhưng Tôn Quyền không bao giờ yên lòng.
Ông nửa muốn liên minh, nửa muốn đánh Thục dẫn đến hai thế lực dù liên minh vẫn không khỏi đề phòng lẫn nhau. Điều này giúp cả Tào Ngụy và Thục Hán một mặt vừa tìm cách ổn định nội bộ, mặt khác lại chưa bao giờ lơi lỏng cảnh giác với Đông Ngô.
Đó là lý do Tôn Quyền không có cách nào định đoạt thiên hạ, dù là người sống thọ nhất thời Tam quốc (qua đời sau Tư Mã Ý).