Chân dung người con gái phá nát vương quốc của Tôn Quyền

Google News

Tôn Quyền (182-252), tức Ngô Thái Tổ hay Ngô Đại Đế, tên tự Trọng Mưu, là người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương, Chiết Giang), là ông vua đầu tiên của nước Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Tôn Quyền là con trai thứ hai của Tôn Kiên, em trai của Tôn Sách; 18 tuổi đã được tiếp nối chức vụ của anh, đứng đầu Giang Đông. Có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng các phe, Tôn Quyền nhanh chóng giành được uy vọng, giữ ổn định cục thế Đông Ngô.
Khéo léo trong đối ngoại, khi thì gả em gái để tạo liên minh với Lưu Bị chống Tào, khi lại xưng thần với Tào Tháo để đánh Lưu Bị lấy Kinh Châu, Tôn Quyền duy trì được sự thống trị ở Giang Đông, lập ra nước Ngô và xưng Ngô Vương năm 222; ông xưng đế, đặt tên nước Đông Ngô năm 229. Nào ngờ…
Thê tử... hơn người
Trong cả cuộc đời, Tôn Quyền có 10 người vợ là Tạ phu nhân, Từ Phu nhân (sinh ra Tôn Đăng), Bộ phu nhân (sinh 2 con gái Tôn Lỗ Ban, Tôn Lỗ Dục), Vương Lang Nha phu nhân (thụy hiệu Đại Ý hoàng hậu, sinh Tôn Hòa, Tôn Bá), Vương phu nhân (thụy hiệu Kính Hoài hoàng hậu, sinh Tôn Hưu), Phan hoàng hậu (sinh ra Tôn Lượng), Viên phu nhân (con gái Viên Thuật), Triệu phu nhân (nữ họa sĩ tài ba, người phát minh ra màn chống muỗi), Trọng Cơ (sinh ra Tôn Phấn) và Tạ Cơ. Tôn Quyền có cả thảy 7 con trai và 4 con gái.
 Hình tượng Tôn Lỗ Ban trên màn ảnh.
Trong 10 thê thiếp trên, Tôn Quyền rất sủng ái Bộ phu nhân. Bà này sinh hai con gái: con đầu là Tôn Lỗ Ban, nhũ danh Đại Hổ, con thứ Tôn Lỗ Dục, nhũ danh Tiểu Hổ. Đại Hổ nổi tiếng nhất, từ nhỏ đã thông minh, hiếu động, nghịch ngợm và ngang bướng.
Tôn Lỗ Ban có thể đoán biết mọi việc qua quan sát trạng thái tâm lý, hành vi, ngôn ngữ của cha. Khi Tôn Quyền về già, do uống nhiều rượu, mấy lần trúng phong, tính tình trở nên nóng nảy, vui buồn, giận dữ bất thường, những người xung quanh không biết chiều thế nào, chỉ có Tôn Lỗ Ban biết ý nên làm ông hài lòng và nghe theo.
Nhưng chính từ việc Tôn Quyền thuận theo ý người con gái này nên đã bị dắt mũi, đổi trắng thay đen, làm loạn triều chính, thái tử Tôn Hòa bị cha phế bỏ, Tôn Lượng được lập sau này nối ngôi cha, triều đình hỗn loạn, cơ nghiệp nhanh chóng bị mất.
Hôn nhân chính trị
Tôn Lỗ Ban sinh năm nào không thấy chính sử ghi chép, nhưng người ta đoán vào năm 210, sau trận Xích Bích. Cũng năm đó Chu Du bị chết bệnh, để lại 2 con trai, 1 con gái.
Đền ơn phò tá của Chu Du, Tôn Quyền cho con trai trưởng Tôn Đăng cưới Chu tiểu thư, hứa gả ái nữ Tôn Lỗ Ban cho con trai đầu của Chu Du là Chu Tuần.
Tuổi tác hai người chênh nhau quá lớn, phải đợi đến năm 225, khi Tôn Lỗ Ban qua tuổi 15 mới chính thức cưới nhưng chỉ 3 năm sau thì Chu Tuần bị bệnh chết, Tôn Lỗ Ban góa chồng lần đầu.
Năm Hoàng Long thứ nhất (229), Tôn Quyền xưng đế, trọng thần Vệ tướng quân kiêm Tả hộ quân Từ Châu mục là Toàn Tôn bị chết vợ. Gia tộc họ Toàn có thế lực lớn ở Tiền Đường và để lôi kéo, tạo quan hệ, Tôn Quyền gả Tôn Lỗ Ban cho Toàn Tôn – do đó bà còn được gọi là “Toàn công chúa”.
Toàn Tôn khoảng ngoài 40, Tôn Lỗ Ban chưa quá 20 tuổi, sống với nhau được 20 năm thì Toàn Tôn chết, Tôn Lỗ Ban sinh được hai con trai là Toàn Dịch, Toàn Ngô.
 Tôn Quyền trong phim truyền hình Tam Quốc diễn nghĩa.
10 năm sau khi Tôn Lỗ Ban lấy Toàn Tôn, thái tử Tôn Đăng bị bệnh rồi qua đời, Tôn Quyền lập con trai thứ ba là Tôn Hòa làm thái tử (con thứ là Tôn Lự bị chết yểu).
Tuy nhiên, người con thứ tư là Tôn Bá không cam chịu, ra sức lôi kéo các triều thần thân thiết tạo thành phe cánh, âm mưu cướp quyền nối ngôi.
Khi đó trong triều đình hình thành hai phe phái: phái ủng hộ thái tử Tôn Hòa gồm Lục Tốn, Cố Đàm và Phiêu kỵ Tướng quân Chu Cư (chồng của Tôn Lỗ Dục); phe ủng hộ Tôn Bá có Bộ Chất (anh em của Bộ phu nhân, mẹ Tôn Lỗ Ban), Toàn Quỳnh và Tôn Tuấn.
Tôn Lỗ Ban làm ra vẻ trung dung, không ủng hộ bên nào vì bà ta có oán thù riêng với Lang Nha phu nhân, mẹ của Tôn Hòa và Tôn Bá. Nhưng điều quan trọng nhất là Tôn Lỗ Ban đã nắm thóp được tâm trạng của cha.
Khi đó, Tôn Quyền rất lo lắng vì triều đình chia làm hai phái, các trọng thần không tin tưởng lẫn nhau. Tôn Lỗ Ban biết rằng, chỉ có đứng giữa, không kết thân với người em nào, không tham gia và cuộc đấu đá tranh giành giữa các phái thì mới được cha coi trọng, tìm đến hỏi ý kiến, tư vấn.
Năm 249, Toàn Tôn bị chết bệnh, Tôn Lỗ Ban góa chồng lần thứ hai, càng có nhiều thời gian ở bên cha để buông lời gièm pha, dẫn dắt Tôn Quyền theo ý mình. Quả nhiên, ít lâu sau, Tôn Quyền quyết chí phế bỏ thái tử Tôn Hòa xuống làm thường dân, đuổi ra khỏi kinh đô Kiến Nghiệp; rồi lại đánh chết Tôn Bá do “tâm địa bất chính”. Thế là mục đích triệt hạ hai người con Lang Nha phu nhân của Tôn Lỗ Ban đã đạt được.
Đại Hổ gây... đại họa
Tôn Quyền về già trở nên lú lẫn, bắt chước Hán Vũ Đế lập con nhỏ Tôn Lượng mới 7 tuổi làm thái tử. Vợ chưa cưới của Tôn Lượng chính là cháu của Toàn Tôn.
Sau đó, Tôn Quyền tỉnh ngộ, định cho gọi Tôn Hòa ở Nam Dương về, nhưng Tôn Lỗ Ban liên kết với Tôn Hằng, Tôn Tuấn, những người thân với Phan hoàng hậu, ra sức can ngăn nên Quyền lại từ bỏ ý định đó.
Năm 252, Tôn Quyền qua đời, Tôn Lỗ Ban càng không coi ai ra gì, thậm chí ra tay hại chết em gái Tôn Lỗ Dự (Tiểu Hổ) vì trái ý mình. Sau khi hại chết em gái, Tôn Lỗ Ban còn đổ vấy tội lỗi cho Tôn Hòa và 2 con trai ông khiến cả ba người phải chết oan.
Sau khi Tôn Quyền chết, Tôn Tuấn đảo chính, giết hại “đại thần thác cô” là Gia Cát Khác (con trai Gia Cát Cẩn) được Tôn Quyền gửi gắm làm phụ chính cho thái tử Tôn Lượng, độc nắm triều chính. Sau khi Gia Cát Khác bị giết, Đông Ngô không còn ý chí tiến thủ, hoàn toàn thực thi chính sách cầu an.
Giở lại sử tịch, người ta thấy, Tôn Tuấn hại chết Gia Cát Khác thực ra là mưu đồ của Tôn Lỗ Ban bởi hai người gian dâm với nhau. Theo “Tam Quốc chí. Gia Cát Khác truyện” có ghi: “Tuấn kiêu ngạo hiểm ác, phóng tay bắt bớ chém giết, trăm họ kinh sợ.
Lại dâm loạn cung nhân, tư thông với công chúa Lỗ Ban”. Tôn Tuấn là chắt của Tôn Tĩnh, em Tôn Kiên; theo thứ bậc trong hoàng gia thì Tuấn phải gọi Tôn Lỗ Ban là cô. Thế nhưng bà cô phong lưu dâm đãng lại đem lòng yêu đứa cháu nhiều tham vọng, quan hệ giữa hai người là loạn luân.
 


Chính mối quan hệ đó đã khiến Đông Ngô nhanh chóng suy sụp sau khi Tôn Quyền chết. Các hoàng đế Tôn Lượng, Tôn Hưu đều bị anh em Tôn Tuấn, Tôn Lâm khống chế, vai trò của Tôn Lỗ Ban ở phía sau Tôn Tuấn thật không đơn giản.
Tôn Tuấn làm Thừa tướng Đông Ngô được 4 năm rồi chết khi 38 tuổi, em trai là Tôn Lâm lên thay, tuy sau đó, người Ngô đã cùng Tôn Hưu giết chết Tôn Lâm nhưng quốc gia đã suy yếu kiệt quệ, ít lâu sau thì bị nước Tấn tiêu diệt.
Năm Thái Bình thứ 2 (257), con thứ của Toàn Tôn là Toàn Dịch, cháu là Toàn Đoan đem quân đi cứu viện Gia Cát Đản ở Thọ Xuân, bị vây khốn ở đây. Tôn Lâm trách mắng họ không gắng sức, nghi ngờ có hành vi thông đồng với địch nên dọa xử phạt.
Con cháu họ Toàn còn ở Đông Ngô lo sợ, không biết hành xử thế nào, sau bàn nhau thà bỏ chạy còn hơn bị Tôn Lâm bắt giết. Thế là Toàn Vĩ (cháu Toàn Dịch), Toàn Nghi, Toàn Tĩnh mang theo mẹ (vợ Toàn Tự, con đầu Toàn Tôn) vượt sông sang hàng Ngụy. Một tháng sau, Toàn Dịch và Toàn Đoan cũng mở cửa thành Thọ Xuân, đầu hàng Tư Mã Chiêu.
Toàn bộ gia tộc họ Toàn ở Tiền Đường đều quy hàng nhà Ngụy, nhưng số phận của “Toàn công chúa” Tôn Lỗ Ban thì có những giả thuyết khác nhau. Có giả thuyết nói bà ta tham gia vào vụ Tôn Lượng và Toàn Thượng mưu sát Tôn Lâm, sau khi thất bại bị lưu đày đến Giang Tây.
Nhưng sách “Tấn Thư. Văn Đế kỷ” lại chép: Mẹ Toàn Dịch là con gái Tôn Quyền, đắc tội với Ngô; anh em của Toàn Đoan là Vĩ và Nghi đem mẹ đầu hàng nước địch.
Tôn Lỗ Ban, người đàn bà nham hiểm, độc ác, dâm ô quả là hiếm có, lẽ ra có nhiều điều để viết nhưng không hiểu sao, trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉ điểm qua tên còn không đề cập đến các tình tiết về cuộc đời bà. Nếu là đàn ông thì ngòi bút của La Quán Trung hẳn không dễ dàng bỏ qua như thế…
Theo Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)