Trong giai đoạn 1676-1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga Sa hoàng. Cuộc chiến nhằm tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong đó, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thắng 4 lần.
Nhân vật góp công lớn nhưng cũng có những sai lầm quyết định chính là Peter Đại đế, một trong những Sa hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Nga.
|
Peter Đại đế là nhà cải cách kiệt xuất của nước Nga. |
Người đưa nước Nga ra biển lớn
Khi Peter Đại đế đế lên ngôi, nước Nga tuy có lãnh thổ rộng lớn nhưng không có đường thông ra biển Baltic hoặc biển Đen để thông thương với các nước Tây Âu có trình độ văn minh cao hơn. Đó là lý do Peter Đại đế quyết dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, lấy đường thông ra biển.
Để tiến ra biển Đen, trước tiên người Nga phải lấy được pháo đài Azov. Khi đó biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của người Tatar, cai trị dưới sự bảo trợ của đế quốc Ottoman. Tháng 1/1695, Peter Đại đế mang 3 vạn quân tấn công Azov.
Để đề phòng, người Tatar đã cho xây nhiều đồn lũy tại sông Đông, vốn là con đường từ biển Azov chảy ra. Chiến dịch quân sự đầu tiên nhằm vào Azov thất bại vì nước Nga chưa có hải quân nên không thể cô lập được pháo đài Azov. Ngược lại, quân địch lại được hải quân tiếp viện nên phòng ngự hiệu quả.
Ngay sau thất bại, Peter Đại đế ra lệnh tập trung toàn lực đóng tàu. Đích thân Peter Đại đế tới công xưởng, cầm búa và vào làm việc với công nhân đóng tàu. Trong vòng một năm, Nga sở hữu 18 chiến thuyền, bao gồm 7 thuyền buồm trang bị đại bác, cùng hàng loạt các tàu chở binh lính và quân nhu.
|
Peter Đại đế chủ trương lấy chiến tranh để đưa nước Nga ra biển lớn. |
Tháng 5/1696, Peter Đại đế phát động tấn công Azov lần 2. Trong vòng chưa đầy một tháng, quân Nga kéo tới chân thành công phá. Trên mặt biển, tàu chiến Nga cũng đụng độ dữ dội với đối phương nhưng giành chiến thắng quyết định.
Người Tatar buộc phải cố thủ trong pháo đài Azov cho đến khi phải đầu hàng vào ngày 18/7. Lấy được Azov, Peter Đại đế có bàn đạp đưa hải quân Nga tiến ra Biển Đen. Tình hình sau đó thay đổi khi người Ottoman ký hòa ước với đế quốc Áo, vốn là kẻ thù truyền kiếp của họ.
Phải một mình đương đầu với đế quốc Ottoman, Peter Đại đế tạm thời hủy bỏ mục tiêu tiến ra biển Đen để kiểm soát vùng biển Baltic
Thất bại bằng tổn thất của cả hạm đội
Sau chiến thắng trước Thụy Điển ở Poltava vào năm 1709, vua Karl II của Thụy Điển bỏ chạy về lãnh địa do đế quốc Ottoman kiểm soát. Sa hoàng khi đó yêu cầu Sultan của đế quốc Ottoman là Ahmed III trả vua Thụy Điển về Nga trị tội.
Cuộc đàm phán căng thẳng kết thúc với việc đế quốc Ottoman kiên quyết không trả người. Người Ottoman từ lâu muốn "hất cẳng" người Nga khỏi pháo đài Azov, ngăn hải quân Nga mở đường ra Biển Đen.
Năm 1710, đế quốc Ottoman tuyên chiến với nước Nga Sa hoàng. Peter Đại đế đã có một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, khi vội vàng gây chiến với đế quốc Ottoman mà không đánh giá kỹ thực lực đối thủ.
|
Peter Đại đế từng thảm bại trước đế chế Ottoman. |
Mặc dù bị tuyên chiến trước nhưng Peter Đại đế là người chủ động khởi xướng chiến dịch Pruth. 38.000 quân Nga do đích thân Peter Đại đế chỉ huy liên kết 5.000 quân đến từ Vương quốc xứ Moldavia để tiến sâu xuống phía nam, đụng độ với đế quốc Ottoman.
Hai đội quân giao tranh kịch liệt trên sông Pruth mà Peter Đại đế không biết rằng quân Ottoman có tới 200.000 người. Kết quả là chỉ sau 4 ngày, tàn quân Nga cùng Peter Đại đế và tướng Boris Sheremetev bị vây chặt.
Để tránh bị hủy diệt, Peter Đại đế buộc phải đồng ý mọi điều khoản mà Sultan Ahmed III đề ra.
Giao tranh chấm dứt vào ngày 21/7/1711 với Hiệp ước Pruth. Theo đó, nước Nga Sa hoàng phải trả lại Azov cho đế quốc Ottoman. Taganrog cùng nhiều pháo đài khác của Nga trong khu vực bị san phẳng. Peter Đại đế cũng phải cam kết không được can thiệp vào tình hình cộng đồng Ba Lan-Litva.
Thất bại này giáng một đòn mạnh vào tham vọng ra biển lớn của người Nga. Toàn bộ hạm đội ở Azov với hàng trăm tàu lớn nhỏ bị phá hủy. Một số tàu bị đem bán trong khi số phận của những tàu khác không được rõ. Cùng với việc phải thay đổi chiến lược phương nam, hải quân Nga cũng phải gây dựng lại từ con số 0.
Ngày nay, luật sư người Gruzia, Alexander Mikaberidze, người chuyên nghiên cứu lịch sử Nga, Gruzia nói rằng đế quốc Ottoman ký thỏa thuận hòa bình với người Nga là một sai lầm. Bởi với lực lượng hùng hậu, người Ottoman hoàn toàn có thể bắt sống Peter Đại đế làm tù binh và lịch sử có thể sang trang mới.
Bởi không có Peter, Nga không thể tiếp tục trỗi dậy, trở thành một thế lực đe dọa đế quốc Ottoman hàng trăm năm sau.