Mới đây, 8 học sinh sống trong cùng khu phố Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) chết đuối khi nhảy xuống sông nghịch bóng nước tại bờ sông Đà thuộc địa phận phường Thịnh Lang. Cái chết thương tâm của những em học sinh này khiến dư luận bàng hoàng và đau xót.
Đây là vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây nhất với nhiều người thiệt mạng. Đuối nước không chỉ là vấn đề gây nhức nhối dư luận ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Tháng 10/2012, Tổ chức Y tế thế giới công bố báo cáo cho thấy thực trạng đau lòng về đuối nước. Cụ thể, hàng năm có khoảng 388.000 trường hợp tử vong do đuối nước, chiếm 7% tất cả các ca tử vong do liên quan đến tai nạn thương tích trên thế giới.
Đặc biệt, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới còn chỉ ra hơn 90% trường hợp bị đuối nước xuất hiện ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, với tỷ lệ cao nhất thuộc về các khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Phi. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất.
|
Mỗi năm có khoảng 388.000 trường hợp tử vong do đuối nước. |
Thêm nữa, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, thanh niên trong mỗi khu vực. Hơn 1/2 số trường hợp chết đuối trên thế giới dưới 25 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây đuối nước có thể do gặp tàu thuyền gặp tai nạn bất ngờ trên biển, sông... và đa số người có mặt trên tàu không biết bơi nên số người tử vong tăng cao. Ví dụ như vào tháng 7/2018, hơn 200 người di cư tới từ các nước châu Phi chết đuối trên vùng biển ngoài khơi Libya do tàu đắm. Nguyên nhân khiến tàu đắm được cho là do chở quá số người quy định. Dù lực lượng bảo vệ bờ biển đã nỗ lực cứu hộ các nạn nhân nhưng chỉ cứu được khoảng 70% số người trên tàu.
Bên cạnh các vụ đuối nước do các phương tiện giao thông đường thủy không an toàn hoặc quá tải, một số nguyên nhân khác gây ra đuối nước có thể kể đến như: người lớn hay trẻ em không biết bơi hoặc khả năng bơi không tốt nhưng lại thường chơi gần các nguồn nước như mương, ao hồ, sông suối có nguy cơ gặp tai nạn bất ngờ như chuột rút dẫn đến bị chết đuối hoặc đuối nước do mưa lũ, sóng thần... đột ngột ập đến.
Để ngăn chặn và giảm số người thiệt mạng do đuối nước, Tổ chức Y tế thế giới và chính quyền các nước đưa ra những chiến lược phòng ngừa đuối nước cho các cộng đồng như lập rào chắn để kiểm soát lối xuống nước, cung cấp những nơi an toàn như các trung tâm giữ trẻ ban ngày; dạy trẻ các kỹ năng bơi căn bản và chỉ dẫn mọi người cách cứu hộ và sơ cấp cứu…
Video: Tang thương 8 học sinh chết đuối trên sông Đà (nguồn: VTC14)
Chính phủ các nước cũng cần tập trung cải thiện việc quản lý tàu thuyền, phà, nguy cơ lũ lụt và các chính sách an toàn dưới nước. Song song với những giải pháp của cơ quan chức năng, mỗi gia đình cần chú ý chăm lo, quản lý các con khi ở gần nguồn nước. Khi con chơi đùa, bơi lội ở các hồ bơi, bãi biển, ao hồ... thì cần có người lớn đứng trên bờ quan sát sát sao để đảm bảo an toàn cũng như kịp thời phát hiện các sự cố để giải cứu người gặp nạn.