Hầu hết mọi người đều quen thuộc với câu chuyện trong tác phẩm "Tây Du Ký", tuy có thể có nhiều yếu tố thần thoại nhưng sức mạnh thần kỳ của Tôn Ngộ Không rất đáng ghen tị, tính cách phóng khoáng, lại thông minh, dũng cảm, cương trực. Có thể nói hình ảnh Tôn Ngộ Không được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ em.
Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim "Tây Du Ký" phiên bản 1986.
Trên hành trình đi lấy kinh, mỗi khi gặp nạn thì Tôn Ngộ Không thường là người đầu tiên đối diện, tìm mọi cách để cứu sư phụ và các sư đệ bất chấp nguy hiểm.
Trong nguyên tác, Tôn Ngộ Không được sinh ra từ tảng đá ở núi Hoa Quả nên hắn cũng được gọi là Thạch Hầu. Tảng đá này hấp thụ tinh hoa của vũ trụ và linh khí của trời đất, nên khi Tôn Ngộ Không vừa sinh ra đã khiến thiên địa rung chuyển.
Sau khi sinh ra, Tôn Ngộ Không cũng được làm thủ lĩnh của bầy khỉ tại Hoa Quả Sơn. Đương nhiên, để trở thành người đứng đầu hắn phải có năng lực siêu nhiên của riêng mình. Dù làm vua của bầy khỉ, chủ núi Qua Quả nhưng hắn còn muốn có được những năng lực mạnh mẽ hơn, trở thành bất tử.
Tôn Ngộ Không đi khắp nơi học đạo, và cuối cùng đến với Bồ Đề Tổ Sư, đây cũng là bước ngoặt trong cuộc đời của hắn. Vì có cơ duyên nên Bồ Đề Tổ Sư đã chấp nhận lòng ham muốn của hắn mà dạy phép thuật. Khi học được phép thuật như ý, Tôn Ngộ Không vẫn không hài lòng, hắn đã đến Đông Hải long cung để lấy gậy như ý làm vũ khí, thậm chí còn xuống địa phủ gây náo loạn, xóa sổ sinh tử của Diêm Vương.
Dù liên tiếp phạm tội, nhưng Ngọc Hoàng vẫn không trách phạt mà còn xuống nước mời hắn lên thiên đình để nhận chức. Cứ tưởng Tông Ngộ Không sẽ an phận nhưng không ngờ cuối cùng hắn lại ăn trộm đào tiên, phá hội bàn đào và trộm linh đơn, bỏ trốn về hạ giới.
Tôn Ngộ Không trở nên mạnh mẽ hơn sau khi ăn đào tiên và linh đơn. Khi đó rất ít người trong Tam giới là đối thủ của hắn. Ngọc Hoàng đã nhiều lần lệnh thiên binh thiên tướng ra sức ngăn chặn sức mạnh của con khỉ nhưng tất cả đều bị Tôn Ngộ Không đánh bại.
Gây họa cho Tam giới khiến mọi người đều ghét bỏ Tôn Ngộ Không và mong có người ra tay trấn áp hắn, nhưng khắp thiên đình ai cũng bất lực vì không phải là đối thủ của hắn.
Để khống chế được con khỉ bướng bỉnh này, Phật Như Lai không còn cách nào khác đành phải trấn áp hắn dưới chân núi Ngũ Hành suốt năm trăm năm, hy vọng có thể tiêu diệt uy nghiêm của hắn. Tuy Tôn Ngộ Không cũng tuyệt vọng khi bị trấn áp dưới chân núi Ngũ Hành nhưng tinh thần phản kháng và tâm lý nổi loạn của hắn vẫn luôn hiển hiện, và muốn trốn thoát. Và mãi cho đến khi Đường Tăng sang Tây Phương thỉnh kinh đi qua mới giải thoát cho hắn.
Dù cuối cùng đã được thoát khỏi núi Ngũ Hành nhưng hắn vẫn rất ngông cuồng và ngạo mạn. Chỉ khi Quán Thế Âm Bồ Tát dùng mẹo để Đường Tăng đeo vòng kim cô lên đầu hắn và niệm chú mới có thể khống chế Tôn Ngộ Không.
Từ đó, hành trình thỉnh kinh Phật với Đường Tăng và các đệ tử diễn ra khá suôn sẻ. Tôn Ngộ Không cũng không có hành vi gì bất thường suốt hành trình, và cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Rõ ràng, xuyên suốt tác phẩm, từ khi Tôn Ngộ Không sinh ra, gây loạn trong Tam giới, đối đầu với nhiều yêu quái lợi hại trên đường đi thỉnh kinh, nhưng tuyệt nhiên không ai dám giết hắn mặc dù có rất nhiều vị pháp lực cao cường. Điều này phải truy nguyên từ nguồn gốc của tảng đá sinh ra hắn. Một số giả thiết cho rằng, Tôn Ngộ Không sinh ra từ một tảng đá ở Hoa Quả Sơn, đây là một trong những mảnh đá ngũ sắc vốn được Nữ Oa Nương Nương dùng để vá trời. Mảnh đá ấy đã tồn tại trên đỉnh Hoa Quả Sơn hàng nghìn năm, hấp thụ linh khí của trời đất và tinh hoa của nhật nguyệt. Nhờ vậy, ngay từ sinh ra đời, Tôn Ngộ Không đã có được căn cơ hơn người. Sự ra đời của hắn rất giống với Bàn Cổ - vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ. Vì vậy lai lịch của Tôn Ngộ Không cũng không hề tầm thường nên mọi người đều rất sợ hãi.
Suy cho cùng, câu chuyện mang một hương vị thần thoại nhất định, nhưng cảm xúc mà nó mang lại cho mọi người là lâu dài. Tôn Ngộ Không và Đương Tăng cùng các đệ tử khác đã trải qua tám mươi mốt kiếp khổ nạn trên đường đi, và cái kết có hậu khi cuối cùng thành chính quả.