Tham dự buổi lễ có đại diện của tỉnh Shizuoka, tỉnh Nghệ An, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hậu duệ của cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro, cùng hàng trăm người Nhật Bản, người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản.
Tại buổi lễ, ông Phan Thiệu Cát, hậu duệ đời thứ ba của cụ Phan Bội Châu, xúc động khi được bày tỏ lòng biết ơn của cá nhân ông đối với bác sĩ Asaba, hậu duệ của bác sĩ và dân làng Higashi Asaba đã giúp đỡ cụ Phan Bội Châu trong giai đoạn tìm đường giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột của thực dân Pháp.
Chứng tích lịch sử
Tại từ đường họ Phan ở Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, kế bên gian chính thờ di ảnh chí sĩ Phan Bội Châu có đặt tấm ảnh của một người Nhật, đó là ảnh của bác sĩ Asaba Sakitaro (1867-1910) - ân nhân của cụ Phan, người đã giúp đỡ rất nhiều cho những người yêu nước Việt Nam trong phong trào Đông Du ở Nhật từ đầu thế kỷ 20. Để tri ân lòng hiệp nghĩa, năm 1918 cụ Phan đã lập một tấm bia đá trước mộ ông Sakitaro tại làng Higashi Asaba, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka.
|
Cụ Phan Bội Châu (ngồi, thứ hai từ phải sang) cùng dân làng Asaba bên tấm bia. |
Sinh thời, cố Đại tá Quân đội nhân dân Phan Thiệu Cơ - con cụ Phan Nghi Đệ, là cháu nội lớn tuổi nhất của cụ Phan Bội Châu kể rằng trong những năm tháng được cận kề cụ Phan khi cụ bị Pháp quản thúc tại Huế, ông đã nhiều lần nghe nhắc đến cái tên Asaba Sakitaro mà phiên âm Hán Việt là "Thiển Vũ Tả Hỉ Thái Lang". Tháng 7.2003, ông được "Hội truyền thống yêu nước" của thị trấn Asaba mời sang dự "Lễ kỷ niệm 85 năm ngày Phan Bội Châu lập bia tưởng nhớ Sakitaro Asaba", ông Cơ đã xin phép được thỉnh bức ảnh của bác sĩ Asaba về từ đường thờ phụng. Bức ảnh ấy cũng là một phần chứng tích của phong trào Đông Du từ trăm năm trước…
Trước khi thành lập Duy Tân hội và khởi xướng phong trào Đông Du, Phan Bội Châu đã có ý tưởng hướng đến Nhật Bản để học đường lối canh tân cũng như phương pháp giành độc lập dân tộc. Khoảng năm 1903-1904, ông đã viết tác phẩm "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" (tập tân thư viết bằng máu và nước mắt từ xứ Lưu Cầu). Lưu Cầu là phiên âm của Riou Kiou, là một quốc gia hải đảo, năm 1879 bị Nhật Bản chiếm. Quốc vương Sohtai bị bắt, giáng phong tước hầu. Hoàn cảnh Lưu Cầu có phần giống Việt Nam nên Phan Bội Châu mượn chuyện đó để nói đến thảm trạng nước ta.
Trong tác phẩm này Phan Bội Châu nêu rõ đất nước muốn hùng cường cần phải: Khai dân trí (mở mang, nâng cao dân trí); Chấn dân khí (bồi dưỡng khí thế cho dân); Thụ nhân tài (vun trồng nhân tài). Đây cũng chính là quan điểm của nhà tư tưởng Nhật Bản danh tiếng thời đó là Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát) mà cụ Phan rất hâm mộ. Fukuzawa đặc biệt quan tâm đến việc dùng biện pháp kinh tế để vừa duy trì độc lập vừa đưa Nhật Bản lên hàng ngũ các cường quốc. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù quân sự mà là kẻ thù thương mại, không phải là kẻ thù vũ lực mà là kẻ thù trí lực.
Năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội, bầu hoàng thân Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Hội chủ. Đầu năm 1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Trung Quốc rồi xuất dương sang Nhật. Điểm đầu tiên ông đặt chân đến Nhật là hải cảng Yokohama (Hoành Tân). Tại đây, Phan Bội Châu hội kiến Lương Khải Siêu - nhà cải cách chính trị nổi tiếng Trung Hoa, đang làm chủ nhiệm tờ Tân Dân tùng báo. Qua bút đàm, Lương Khải Siêu khuyên nên chú trọng việc đào tạo nhân tài, đồng thời dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của dân chúng chứ không nên hy vọng vào ngoại viện.
Qua Lương Khải Siêu giới thiệu, Phan Bội Châu tiếp kiến với các nhân vật chủ chốt trong đảng Xã hội Nhật như Thủ tướng Inukai Tsuyoshi, Bá tước Okuma Shigenobu, nghị sĩ Kashiwara Bun… Thủ tướng Inukai còn bố trí cho Phan Bội Châu gặp Tôn Trung Sơn, lúc ấy đang về Yokohama tổ chức "Trung Quốc đồng minh hội". Qua những cuộc tiếp kiến ấy, cụ Phan dường như đã bừng tỉnh nhiều điều...
Cụ Phan viết, xuất bản và tái bản nhiều tác phẩm chuyển về Việt Nam có tác động lớn với sĩ phu trong nước như Hải ngoại huyết thư, Việt Nam sử khảo, Tân Việt Nam kỷ niệm lục... tạo nên một làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, xuất ngoại học tập để tìm đường chống Pháp.
Năm 1906, Cường Ðể và nhiều du học sinh sang Nhật. Phan Bội Châu gửi các du học sinh vào học ở hai trường Lục quân Chấn Võ và Ðồng Văn Thư Viện. Ngoài các môn phổ thông, học sinh được học về quân sự. Dần dần, đến tháng 6-1908, số học sinh Việt Nam tới 200 người, Phan Bội Châu lập ra "Việt Nam Công hiến hội" để chăm nom và nâng đỡ du học sinh tại Nhật. Cuối năm 1906, Phan Bội Châu lại về nước một lần nữa dọn đường để chở khí giới về cho Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế.
Đông Du khốn đốn
Giữa lúc phong trào Đông Du đang phát triển mạnh mẽ thì bất ngờ Chính phủ Nhật Bản ra lệnh trục xuất nhiều lưu học sinh Việt Nam ra khỏi Nhật Bản. Đây là kết quả của Bản thông cáo chung được ký kết vào ngày 10-6-1907 giữa hai chính phủ Pháp và Nhật về việc dàn xếp vấn đề kiều dân Nhật ở Đông Dương. GS Kazuhiko Onishi - nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo Việt Nam, cựu Trưởng đại diện Hội giao lưu văn hoá Nhật - Việt lý giải rằng: "Sau chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), nước Nhật gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Pháp phải hỗ trợ Nhật Bản 300 triệu franc dưới hình thức công trái và yêu cầu Nhật phải ngừng ngay việc giúp đỡ phong trào Đông Du".
|
Ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan phát biểu tại Lễ kỷ niệm 85 năm ngày lập bia. |
Tại Việt Nam, thực dân Pháp gây áp lực với những gia đình có con đi học, yêu cầu Nhật Bản bắt và trao cho Pháp những thanh niên tham gia phong trào Đông Du với tư cách là thành viên của Duy Tân hội. Trước tình cảnh khó khăn, Phan Bội Châu kêu gọi anh em phải giữ vững ý chí, phân tán ra làm thuê để lấy tiền ăn học.
Cụ Phan hồi tưởng trong "Phan Bội Châu niên biểu" rằng: "Tôi với Hội chủ Kỳ ngoại hầu cũng bị chính phủ Nhật buộc phải xuất cảnh. Cảnh thất bại của tôi lúc này thật đau đớn, hình như con người bị lột da xé thịt không còn chỗ nào lành lặn nữa vậy. Lúc bấy giờ có người chạy qua Bắc Kinh, như Chung Hạo Sanh, Hồ Học Lãm… Có người chạy sang Xiêm La (Thái Lan) như Hồ Vĩnh Long, Ðặng Quốc Kiều... Chân trời lênh đênh, ai lo thân nấy.
|
Bác sĩ Asaba Hidekazu, cháu nội của bác sĩ Asaba Sakitaro tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày lập bia (ảnh chụp qua Đài Truyền hình Việt Nam). |
Kể về tinh thần, anh em ta vẫn là một bọn ái quốc thanh niên, nhưng về hình thức thì bấy giờ là một lũ học sinh bơ vơ trôi nổi". Chỉ còn khoảng 20 du học sinh ở lại Nhật tìm mọi cách để mưu sinh. Người đi làm thợ nề, thợ mộc, người đi dạy học, làm thuê ở các hiệu buôn, làm bồi bếp để lấy tiền đi học...
Thế là Đông Du tan rã, tiền vận động được đều đem cung cấp cho học sinh về nước hết, cụ Phan lúc này chỉ còn hai bàn tay trắng; tiền tàu xe, tiền trang trải chi phí ngoại giao, tiền in sách, tiền nhà trọ, tiền ăn của 10 người… không biết lấy đâu để trang trải.
Nhà “Mạnh Thường Quân" không quen biết
Trong lúc quẫn bách, cụ Phan đánh liều viết một bức thư "khất ai" (xin giúp đỡ) đến một người Nhật mà cụ chưa từng biết mặt. Đó là bác sĩ Asaba Sakitaro, trước đó từng cứu một lưu học sinh Việt Nam là Nguyễn Thái Bạt khi anh này bị ốm ngất giữa đường, đưa về nhà nuôi nấng và cấp tiền cho học ở Trường Tokyo Dobun Shoin.
|
Bản giới thiệu về lịch sử tấm bia tại Asaba. |
Cụ Phan chỉ viết thư hú họa, không ngờ thư vừa đi buổi sáng thì chiều đã nhận được 1.700 yen - một số tiền rất lớn (tương đương 30 triệu yen ngày nay, tức hơn 20.000USD) kèm theo bức thư của Sakitaro rất chân thành "Nhặt nhạnh trong nhà, chỉ còn có thế, sau này nếu cần nữa, xin cứ viết thư đến sẽ có tiền gửi lại ngay".
Nhờ số tiền ấy mà cụ Phan có tiền trang trải nợ nần, nuôi các lưu học sinh, đóng hội phí cho Hội Điền Quế Việt liên minh, in sách và làm lữ phí rời Nhật.
Ngày 8-3-1909, trước khi rời Nhật, cụ Phan đến Kofutsu chào giã biệt ân nhân Asaba. "Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh, tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi kéo vào cùng nói chuyện, chốc bày cơm rượu ra, không một chút tục khí…". (Phan Bội Châu niên biểu). Hẳn cụ Phan không ngờ hai người gặp nhau lần đầu cũng là lần cuối.
Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, gần 10 năm bôn ba khắp Trung Quốc, Thái Lan, năm 1918, cụ Phan Bội Châu trở lại Nhật. Tìm về thăm người xưa, mới hay ân nhân Sakitaro qua đời vào ngày 25-9-1910 ở tuổi 43. Cụ Phan ngỏ lời cùng người nhà bác sĩ Asaba xin được lập bia tạ ơn trước mộ người trong khuôn viên chùa Jorinji (Thường Lâm Tự), thôn Asaba. Nhưng lúc ấy, trong túi cụ Phan chỉ có 120 yen mà riêng tiền vật liệu đá và công khắc đã tốn 100 yen, tiền chuyên chở hơn 100 yen nữa. Cụ Phan nhờ một nhân sĩ gốc Việt là Lý Trọng Bá cùng đến gặp trưởng thôn là Okamoto kể về nghĩa cử năm xưa của bác sĩ Sakitaro và bày tỏ sự tình là không đủ tiền, xin đóng trước 100 yen, khoản còn lại thì khi trở về Trung Quốc sẽ gửi sau.
Trưởng thôn xúc động nói: "Các ngài đã có lòng dựng bia kỷ niệm người thôn tôi, tôi có bổn phận giúp các ngài thực hiện ý nguyện đó". Sau đó, trong cuộc họp dân làng, thôn trưởng kể lại sự tình, giới thiệu Phan Bội Châu với dân làng và kêu gọi mọi người cùng giúp công giúp của làm bia, chỉ nhận của cụ Phan 100 yen để mua đá và trả công thợ. Dân làng đều vỗ tay đồng ý. Chỉ một tuần sau đó, tấm bia đá đã dựng xong. Ngày hoàn thành, người trong thôn làm lễ khánh thành và làm tiệc thết đãi hai người khách Việt cùng khách khứa các làng bên.
Dấu tích trăm năm dâu bể
Các ông Phan Thiệu Cơ, Phan Thiệu Cát đều từng nghẹn ngào khi đứng trước tấm bia đá tạ ơn với những dòng chữ xé lòng của ông nội. Bia cao 2,7m, ngang 0,87m, đặt trên bục đá cao hơn 1m, tổng cộng 111 chữ. Nội dung như sau: "Bia kỷ niệm ngài Asaba Sakitaro. Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp đỡ trong lúc cùng khốn không cầu báo đáp, rõ là người kỳ hiệp. Hỡi ôi! Nay chúng tôi sang, ông không còn nữa, bốn bề hiu quạnh, không trông thấy ai, trời biển mênh mông, nỗi lòng ai tỏ! Bèn ghi mối cảm hoài vào viên đá. Ghi rằng: Không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, đến ức vạn năm".
Người dân Asaba xem tấm bia này là một niềm tự hào, một di sản văn hóa, một chứng tích về mối tình hữu nghị Việt-Nhật. Phía bên phải tấm bia có đặt tấm bảng giới thiệu bằng tiếng Nhật, trong đó có lồng ba tấm ảnh của Asaba, Phan Bội Châu và Cường Để, Phan Bội Châu và dân làng Asaba bên tấm bia lúc hoàn thành.
Tại "Lễ kỷ niệm 85 năm ngày Phan Bội Châu lập bia tưởng nhớ Sakitaro Asaba" tổ chức vào tháng 7-2003 tại thị trấn Asaba, ông Phan Thiệu Cơ đã được gặp bác sĩ Sakamato, cháu ngoại ngài Asaba cùng cháu nội ông trưởng thôn Okamoto. Bác sĩ Sakamato cho biết rằng hơn nửa thế kỷ sau khi cụ Phan và các đồng chí bị trục xuất khỏi Nhật, những việc làm của bác sĩ Asaba vẫn được người nhà giữ bí mật tuyệt đối.
Trong lễ kỷ niệm 100 năm lần này, ông Phan Thiệu Cát, cháu nội của cụ Phan - cũng được hội ngộ bác sĩ Asaba Hidekazu, cháu nội của bác sĩ Asaba Sakitaro.
Bia đá tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro đã trở thành di sản văn hóa của thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka.
Chân dung bác sĩ Asaba Sakitaro
Ông sinh ngày 1-2-1867 (cùng tuổi với cụ Phan), thân phụ là Asaba Miki, từng làm giám đốc Ngân hàng Shiba (Tokyo), được Minh Trị Thiên hoàng tặng huân chương Đệ Tứ đẳng. Dòng họ Asaba nối đời giữ chức Thần quan cho đền thờ Thần đạo Hachiman trong vùng Umeyama.
Năm 1894, Sakitaro tốt nghiệp y khoa Trường Đại học Tokyo, ông dự định tiếp tục nghiên cứu ở Đức, nhưng do sức khỏe nên đành bỏ ý định và về mở bệnh viện từ thiện ở Kotutsu, một làng đánh cá nghèo. Tương truyền người trong vùng thường nói rằng "Nếu chưa được bác sĩ Asaba khám thì nhắm mắt chưa yên".