Tử Cấm Thành là Cố Cung của triều đại nhà Minh và nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây không chỉ có những tòa kiến trúc lộng lẫy, xa hoa mà ẩn mình trong đó còn là những bí ẩn mà hậu thế chưa có được câu trả lời chính xác.
Tử Cấm Thành có diện tích khổng lồ lên đến 720.000 m2 cùng nhiều cung phòng lớn nhỏ. Năm 1972, các chuyên gia kiến trúc đã tiến hành thống kê toàn diện và cho biết Tử Cấm Thành có tổng cộng 9.687 gian phòng.
Khôn Ninh Cung - Cái tên mang nghĩa bình yên
Cung điện này được xây dựng vào năm 1420 (năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh) với mục đích làm nơi ở cho các Hoàng hậu và đã tồn tại được 500 năm cho đến thời điểm hiện tại.
Chữ "Khôn Ninh" trong Khôn Ninh cung được lấy từ địa thế Khôn của quẻ "Khôn" trong "Chu dịch", mang ý nghĩa quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật, và trong "Đạo Đức Kinh" có viết: "Trời hợp nhất sẽ thanh trong, đất hợp nhất sẽ an ninh", vì thế chữ "Khôn Ninh" mang ý nghĩa "Khôn địa ninh định, ý chỉ đây là nơi đất đai an ổn, thanh trong.
Các hoàng hậu sau khi được sắc phong sẽ sống tại cung Khôn Ninh cho đến khi qua đời. Nếu hoàng hậu chuyển ra khỏi cung thì thường là do hai lý do, một là hoàng đế đã băng hà, hoàng hậu chuyển đến cung thái hậu ở hoặc là trường hợp xấu hơn là khi hoàng hậu bị phế vị.
Tuy nhiên, tại sao Khôn Ninh Cung nguy nga tráng lệ lại trở thành nơi lạnh lẽo, cô quạnh không ai dám ở trong Tử Cấm Thành rộng lớn này?
Lời nguyền "tử địa" khó lý giải
Trái lại với cái tên mang ý nghĩa bình yên, thanh trong, những nữ chủ nhân của cung điện này đều có một cuộc đời khó khăn và bi thảm. Theo thống kê của giới sử học Trung Hoa trong suốt 277 năm thống trị của triều đại nhà Minh, gần như tất cả các vị Hoàng hậu vào ở trong cung Khôn Ninh đều không có kết cục tốt đẹp.
Theo ước tính, đã có tới 16 hoàng hậu tại triều đại nhà Minh từng sinh sống tại Khôn Ninh Cung, người đầu tiên chính là Mã hoàng hậu, vợ cả của hoàng đế Chu Nguyên Chương. Thực ra, bà không phải chết vì những mâu thuẫn trong nội cung, bà đã giúp chồng mình quản lý hậu cung rất tốt nên sự ra đi của Mã thị là điều đáng tiếc.
"Lời nguyền" bí ẩn này cũng tiếp tục đeo bám các hoàng hậu của đầu triều đại nhà Thanh, triều đại kéo dài đến 296 năm. Trong thời nhà Thanh, thì chỉ có Hoàng hậu của vua Khang Hy dùng nó làm tẩm cung, còn Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý Thị và Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu Nữu Hổ Lộc Thị của vua Khang Hy đều qua đời tại Khôn Ninh cung này.
Đến đời hoàng đế tiếp theo, thêm một người họ Mã nữa được phong làm hoàng hậu, nhưng rồi bà cũng chết vì bạo loạn. Một số hoàng hậu khác thì qua đời vì bạo bệnh, buồn rầu, uất hận mà chết, người lại ngang ngược nên bị hoàng đế phế truất, tuy vẫn giữ được mạng sống nhưng lại bị đuổi ra khỏi cung.
Với những sự kiện trùng hợp xảy ra với các chủ nhân của Khôn Ninh Cung, không lấy làm ngạc nhiên khi cung điện này được các nhà sử học xem là "tử địa" đối với các hoàng hậu đương triều, một biệt danh nghe thôi đã không khỏi rùng mình. Còn nguyên do cái chết của các vị hoàng hậu sống tại đây mãi mãi là một bí ẩn.