Cuộc cách mạng hội tụ và tiết kiệm
Thời gian gần đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, “cách mạng công nghiệp 4.0”… xuất hiện nhiều đến nỗi bất cứ bài phát biểu hay báo cáo… nếu thiếu cụm từ này sẽ cảm giác chưa đầy đủ, chưa bắt kịp thời đại. Nhưng cách mạng công nghiệp bắt nguồn từ đầu, bản chất đặc trưng, tính chất, sự ảnh hưởng của nó gồm những nội dung gì, các ứng ứng xử với cuộc cách mạng lần này ra sao và đặc biệt Việt Nam ở đâu và phải làm gì?...
Tất cả các câu hỏi đó đã thôi thúc TSKH Phan Xuân Dũng đi tìm câu trả lời.
|
Cuốn sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm" do NXB Khoa học và Kỹ thuật xuất bản. |
Để tìm câu trả lời tác giả dẫn dắt người đọc đi xuyên qua các cuộc cách mạng công nghiệp lớn trong tiến trình phát triển của thế giới để từ đó làm bật lên vai trò và vị thế của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.
Đó là cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; CMCN lần thứ hai gắn liền với quá trình điện khí hóa sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất đại trà; CMCN lần thứ ba với công nghiệp chế tạo ngày càng được số hoá. Cuối cùng là CMCN lần thứ 4 được tác giả mạnh dạn khẳng định dưới góc nhìn rất mới: Đây là cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm.
Tác phẩm "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm" do NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành.
Sách dày 247 trang với 4 phần:
- Phần 1 giới thiệu các cuộc cách mạng công nghiệp lớn.
- Phần 2 cung cấp những nội dung chính về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Phần 3 giới thiệu chính sách của một số nước với cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Phần 4 giới thiệu Việt Nam với cuộc cách mạng 4.0.
TSKH Phan Xuân Dũng phân tích, cuộc CMCN lần thứ tư này chính là cuộc cách mạng dựa trên các công nghệ nền tảng: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, các robot thông minh và internet kết nối vạn vật…; là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa thực và ảo của các lĩnh vực như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, người máy, tích hợp con người- máy móc…
“Một thế giới mà sự phân loại của các công nghệ chỉ là tương đối, khó mà tách biệt vì chúng quyện lẫn với nhau, tích hợp với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Đặc biệt, bối cảnh ra đời và thực tế đang diễn ra đã chứng minh mục đích cuộc cách mạng này là kiết kiệm trí tuệ nhân tạo và sức lao động, thời gian và không gian, tài nguyên và môi trường… Chính vì lẽ đó mà chúng tôi gọi cuộc cách mạng lần này là cuộc cách mạng của sự tiết kiệm”, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Việt Nam đang ở đâu, muốn gì và hành động thế nào?
Không chỉ truyền tải thông điệp CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, TSKH Phan Xuân Dũng còn chỉ ra cho chúng ta biết Việt Nam muốn gì? đang ở đâu? sẽ tiếp cận và hành động như thế nào?
Tác giả cho biết, Việt Nam đã và đang tận dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 và bước đầu đã có một số kết quả trong một số lĩnh vực. Ví dụ, trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Việt Nam đã có một số sản phẩm như hệ thống sẵn mạng dữ liệu được các ngân hàng, doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu, để thống kê phân tích số liệu văn bản với số lượng lớn kê tới vài tỷ byte…
Tương tự, trong ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), Viettel đang nghiên cứu ứng dụng cho giao thông như bán vé điện tử, giám sát hành trình vận tải… Tập đoàn Công nghệ Bkav đầu tư nghiên cứu phát triển giải pháp nhà thông minh với các thiết bị và phần mềm điều khiển qua mạng internet.
|
TSKH Phan Xuân Dũng là chủ biên và đồng tác giả của nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu khoa học. |
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thành quả bước đầu, để không bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau trước sự tiến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0, theo TSKH Phan Xuân Dũng, chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, có cách nhìn đột phá phù hợp với thế giới đang thay đổi nhanh chóng trong đó phải dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới có khi trái ngược với những gì mà ta đang và đã quan niệm trong một thời gian dài; nắm bắt thời cơ và thuận lợi, hạn chế khó khăn và thách thức, đẩy nhanh dứng dụng công nghệ cao và hiện đại…
Đặc biệt, dựa trên những phân tích về thách thức và cơ hội của Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng mạnh dạn đưa ra 10 đề xuất, kiến nghị.
Thứ nhất cần phải hiểu đầy đủ và đúng bản chất của cuộc CMCN lần thứ tư để có lộ trình và giải pháp phát triển đất nước một cách thực sự khoa học, không giáo điều, hình thức.
Thứ hai, cần đổi mới tư duy và thực hiện quy hoạch một cách khoa học, phải mạnh dạn có cái nhìn đột phá.
Thứ ba, phát triển nội lực Việt Nam dựa trên nền tảng trí tuệ Việt Nam.
Thứ tư là coi sự đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo là linh hồn của sự tiến bộ KHCN nói riêng và của dân tộc nói chung, là động lực cơ bản để xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ năm là trong quá trình đổi mới phải cố gắng để tiến nhanh nhưng phải vững chắc, không nóng vội, tránh nhầm lẫn việc ứng dụng công nghệ với việc mua thiết bị về dùng.
Thứ sáu là phải hình thành những sản phẩm chủ đạo mang sắc thái riêng phải tạo nên các công nghệ, sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt, của trí tuệ người Việt và cho người Việt.
Thứ bảy là trên cơ sở nhận thức đúng, hiểu đúng về bản chất của CMCN lần thứ tư.
Thứ tám là phát triển KH&CN nước ta phải tiến hành đồng thời trên ba trụ cột là chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại nhất từ nước ngoài vào Việt Nam; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của người Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam; chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ chín là phải biết tự hào về những gì mà chúng ta đã làm nên lịch sử quá khứ của dân tộc trong đó có KH&CN.
Cuối cùng là phải quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tất cả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về KH&CN, giáo dục đào tạo.
TSKH Phan Xuân Dũng hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội. TSKH Phan Xuân Dũng là chủ biên và đồng tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao trong lĩnh vực KH & CN, và môi trường.