Vùng đất Ukraine vẫn còn ẩn chứa những bí mật và sự huyền bí về một trong những nền văn minh nhân loại bí ẩn nhất xuất hiện ở đây khoảng 7.000 năm trước và tồn tại gần ba thiên niên kỷ.
Nền văn minh cổ đại
Các nhà khoa học xác định đây là một nhánh của nền văn minh châu Âu cổ đại xuất hiện sau trận Đại hồng thủy. Dấu vết của nền văn minh Thời đại Đồ đồng lần đầu tiên được tìm thấy cách đây hơn 200 năm gần thị trấn nhỏ Trypillia, cách Kiev 40 km về phía Nam, do đó được gọi là "Nền văn minh Trypilia".
Nền văn minh này phát triển mạnh mẽ từ năm 5.500 đến 2.750 trước Công nguyên trên diện tích rộng lớn 350.000 km2 trải dài từ Dãy núi Carpathian đến Sông Dnipro. Phần lớn diện tích trên hiện nay là Ukraine và phần còn lại bao gồm Romania và Moldova. Trong các thời kỳ khác nhau, theo nhiều ước tính khác nhau, dân số của nền văn minh này dao động trong khoảng 400.000 – 2 triệu người.
Người đầu tiên phát hiện ra dấu vết của nền văn minh cổ đại đó là Vincenc Častoslav Chvojka, một nhà nông học người Séc. Năm 1896, ông Chvojka mua một mảnh đất ở Trypillia, khi đó là một ngôi làng nhỏ, để canh tác. Trong quá trình cải tạo đất, đồ đất nung được trang trí hoa văn, dụng cụ bằng đồng, đồ trang sức bằng vàng, tượng nhỏ và các đồ vật khác mà những nông dân làm thuê người địa phương phát hiện ra ở độ sâu gần 1 m đã gây chấn động toàn cầu. Trong những thập kỷ sau đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số hiện vật chứng minh rằng đây là một nền văn minh cổ đại phát triển cao.
Nhà cửa, nhà thờ, tượng người và động vật, đồ đất nung, xe đẩy, xe trượt, ghế và ngai vàng đều được làm bằng đất sét. Các nghệ nhân Trypillia là những người có kĩ năng tay nghề đặc biệt. Họ hiểu rất rõ về vật liệu và các đặc tính của nó, đồng thời có thể thay đổi cách sử dụng chúng một cách khéo léo đến mức những người thợ gốm hiện đại có thể học hỏi được nhiều điều từ họ.
Người Trypillia đã xây dựng các khu định cư của họ theo những vòng tròn đồng tâm với quy mô dân số của một số khu định cư này đã vượt quá 15.000 người - một con số khổng lồ ngay cả đối với thời Trung Cổ. Một trong những thành phố đầu tiên của người Trypillia lớn nhất được biết đến được phát hiện ở làng Talyanki, vùng Cherkasy, miền Trung Ukraine, có diện tích 450 ha và dân số 30.000 người.
Người Trypillia sống trong những ngôi nhà hai tầng kỳ lạ, tầng trệt dành cho đồ dùng gia đình và gia súc còn tầng trên dành cho con người. Các cửa sổ có hình tròn, ngưỡng cửa trước cao và họ không bao giờ khóa cửa. Họ sơn tường nhà (cả bên ngoài và bên trong) cùng với đồ dùng trong nhà, nông cụ, bộ đồ ăn và tượng nhỏ. Họ đã phát triển phong cách vẽ động vật và con người độc đáo của riêng mình.
Phụ nữ Trypillia làm bột bằng máy nghiền đá nặng, phải mất nửa giờ để tạo ra gần nửa cân bột từ hạt lúa mạch đen và kỹ thuật này không thay đổi trong hàng nghìn năm. Cuộc sống của họ nhiều giá trị thiêng liêng và nghi lễ khác nhau, nơi mọi thứ đều có ý nghĩa đặc biệt riêng. Quần áo, nhà cửa, các hoạt động xã hội và thậm chí cả những đồ dùng thông thường đều là thiêng liêng. Ví dụ, các bình, lọ được cho là để bảo vệ mọi thứ chúng chứa đựng – từ nước đến tro của người chết, những người mà họ hỏa táng thay vì chôn cất.
Truyền thống và biểu tượng
Các dấu hiệu và biểu tượng được vẽ trên những chiếc bình của người Trypillia không chỉ là bức tranh mang tính nghi lễ. Chúng là nguyên mẫu của các biểu tượng - một loại trường phái ấn tượng nguyên thủy - và thậm chí là “mầm mống” của ngôn ngữ viết. Những dấu hiệu này là một bước tiến, sau này phát triển thành chữ viết và thực sự là một trong số rất ít nguồn thông tin về nền văn minh Trypillia còn tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ lịch sử. Nền văn minh đó không để lại kim tự tháp, nhà thờ đá hay bia đá mà chỉ có đồ đất nung sơn màu.
Các đồ trang trí của người Trypillia mang các biểu tượng xuất hiện hàng thiên niên kỷ sau ở các nơi khác trên thế giới và trở thành biểu tượng quyết định trong các tôn giáo lớn: Âm-Dương, Chữ Thập và Thánh giá đều bắt nguồn từ Văn hóa Trypillia. Nhưng biểu tượng cơ bản là hình xoắn ốc phổ quát, vô tận.
Và giống như tất cả nữ giới ở mọi thời đại, phụ nữ Trypillia thích những đồ trang sức không chỉ là những món đồ lặt vặt và đồ trang sức sáng màu mà còn là những chiếc bùa hộ mệnh làm từ đất sét, vỏ sò, đồng và vàng. Họ mặc những chiếc váy được thêu và dệt các hoa văn trang trí. Quần áo của họ không chỉ giúp sưởi ấm cơ thể mà còn mang ý nghĩa bảo vệ trước các linh hồn ma quỷ và phù thủy.
Một trong vô số hiện vật mà các nhà khảo cổ tìm thấy trong các cuộc khai quật là một bức tượng phụ nữ ngồi trên ngai vàng có hình đầu bò. Trong nền văn hóa đó, bò đực tượng trưng cho nam và bò cái tượng trưng cho nữ như là khởi đầu của “Mẹ Thiên nhiên”, sự sống và vạn vật (bò là con vật linh thiêng và là biểu tượng của khả năng sinh sản).
Người Trypillia cũng nuôi lợn, cừu và gia cầm, và hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng họ là những người đầu tiên trên trái đất thuần hóa được ngựa. Ngoài những đồ tạo tác bằng gốm có thể hiểu được, còn có những thứ khác mà mục đích và ý nghĩa của chúng chỉ có thể đoán. Ví dụ, một trong số đó được gọi là “Trypillia Bincular” – một vật thể kỳ lạ giống như hai chiếc bình được ghép lại với nhau.
Hiện vẫn chưa rõ “Trypillia Bincular” được sử dụng để làm gì. Có lẽ đó là một cái trống, một cái bình, hay một biểu tượng của lòng chung thủy vợ chồng. Hoặc nó có thể dùng để hứng nước mưa. Loại cổ vật này không được tìm thấy ở bất kỳ nền văn minh nào khác, trong khi ở Trypillia những đồ vật như vậy thì có rất nhiều.
Người Trypillia là những người nông dân rất khéo léo, nhưng họ chưa bao giờ cải tiến phương pháp canh tác quảng canh của mình. Sau khi ruộng đồng đã cằn cỗi trong sáu hoặc bảy thập kỷ, họ đốt hết nhà cửa và chuyển đi nơi khác để xây nhà mới. Lửa là rất thiêng liêng đối với họ. Họ tin rằng mọi thứ và mọi người – đất đai, nhà cửa, động vật và con người – đều phải trải qua quá trình thanh lọc bằng lửa. Đó là lý do tại sao họ đốt cháy thành phố quê hương của mình sau mỗi thế hệ.
Hang động bí ẩn
Năm 1828, những người nông dân ở làng Bilche-Zolote thuộc vùng Ternopil, miền Trung Tây Ukraine, tình cờ tìm thấy một hang động mà sau này trở thành thánh địa của các nhà khảo cổ và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Hoàng tử Ba Lan Leon Ludwik Sapieha, chủ sở hữu ngôi làng khi đó, đã thu thập một bộ sưu tập lớn gồm hàng nghìn hiện vật Trypillia mà ông tìm thấy trong hang động và phục hồi. Ông thậm chí còn phải sử dụng những hầm rượu lớn của mình để cất giữ chúng. Sau đó, nhiều cổ vật trong số này đã được chuyển đến các viện bảo tàng ở Krakow, Vienna và các thành phố khác ở châu Âu.
Người dân địa phương gọi hang động là Verteba, theo phương ngữ của họ, có nghĩa là “rãnh” hoặc “khe núi”. Ẩn mình trong bụi cây, lối vào khá khó tìm. Điều ngạc nhiên là nơi này vẫn chưa được biết đến trong hàng ngàn năm.
Hang Verteba thực chất là một số hành lang/đường hầm khổng lồ dưới lòng đất được chống đỡ bởi hàng trăm cây cột và được nối với nhau bằng những lối đi như mê cung. Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về việc nó được sử dụng để làm gì. Một số người cho rằng đó là một loại công trình lịch sử thiêng liêng, giống như Stonehenge ở Anh.
Những người khác tin rằng đó là nơi ẩn náu của người Trypillia trong những thế kỷ cuối cùng họ tồn tại. Khi các bộ lạc hiếu chiến phía Bắc bắt đầu xâm chiếm vùng đất màu mỡ phía Tây dọc theo dòng sông Dnipro, người Trypillia đã ẩn náu trong hang động ngầm nơi nhiệt độ không bao giờ tăng quá +9° C. Điều khiến nhiều người tự hỏi làm thế nào mà nhiều thế hệ của những người đó có thể sống ở hang động Verteba trong nhiều thập kỷ.
Triển lãm Trypillia trong bảo tàng hang động Verteba. Ảnh: kyivpost.com
Hang động Verteba không chỉ là nơi ẩn náu của người Trypillia như rong Thế chiến thứ hai, người Do Thái ẩn náu ở đó để tránh Đức Quốc xã và sau chiến tranh.
Có hàng nghìn hiện vật có thể được tìm thấy trong hang động. Các nhà khảo cổ đã để lại một số trong số chúng như cũ, chỉ làm sạch không gian xung quanh.
Hang động Verteba ẩn chứa nhiều bí mật. Ví dụ, làm thế nào con người có thể lấy ánh sáng khi họ không có đèn? Manh mối có thể là vô số dấu vết của lò sưởi và những mảng khói trên tường. Một số nhà khảo cổ học cho rằng nếu người Trypillia đốt các đống lửa cách nhau khoảng 10m, thì họ cũng có thể có ánh sáng mà không cần bất kỳ ngọn đuốc hay đèn nào.
Ngày nay chúng ta thường tự hỏi tại sao người Trypillia không bao giờ quan tâm đến tiến bộ kỹ thuật mà lại quên mất họ đã đạt được những đỉnh cao trên phương diện tinh thần nào. Trước khi nền văn minh của họ không còn tồn tại, họ đã đạt được kỹ năng vẽ độc đáo và rất tinh xảo. Có lẽ, họ đã nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống của mình trong sự trường tồn không bao giờ thay đổi, trong việc đạt được sự bất tử. Nghệ thuật, văn hóa và lối sống của họ dường như đã đi trước thời đại hàng thiên niên kỷ – một tương lai mà thế giới loài người ngày nay đang phấn đấu hướng tới.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại