Tin đồn “hoa thánh”, “rắn thần”: Niềm tin mê muội đến từ đâu?

Google News

“Hoa thánh”, “cây thần”, “rắn thần”… là những chuyện “lạ mà không lạ”, bởi chỉ cần một cú click chuột, người ta có thể dễ dàng xác minh thông tin trước khi chúng được phổ truyền, thần thánh hóa...

1. Một bông hoa vốn khá phổ biến ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ, còn được gọi bằng cái tên khá… nhạy cảm - “hoa lõ chó” - bỗng nhiên được phong “hoa thánh”, “hoa tiên” khi nó xuất hiện ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Thế rồi, người nọ rỉ tai người kia, họ kháo nhau, kéo nhau đến nơi bông hoa mọc lập bàn thờ, mua hoa quả, thắp nhang khấn vái.
Ở Long An, có người bắt được con lươn vàng, thu hút rất đông người từ các tỉnh đến xem. Thậm chí, có người còn quỳ lạy con lươn rồi múc nước trong bể mang về nhà uống mong trị bệnh vì cho rằng con lươn này sắp… “hóa rồng”.
Dân ùn ùn xem mẹ con “rắn thần” xuất hiện trên mộ vô danh nằm giữa cánh đồng thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình; cả xã náo loạn vì “rắn thần” biết… “múa” ở dưới giếng nước ở xã Hợp Lý, huyện Triều Sơn, Thanh Hóa, v.v… và v.vv…
Tin don “hoa thanh”, “ran than”: Niem tin me muoi den tu dau?
 
2. Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những tin đồn mà chúng ta có thể được nghe kể lại từ chị bán rau đến bà hàng nước, từ một nhóm chị em nhân viên văn phòng tranh thủ “hóng” tin tức từ nhóm nọ nhóm kia trên mạng xã hội Facebook truyền từ người này qua người khác. Theo đúng cơ chế tạo “tin đồn”, từ những hiện tượng có thật (ấy là bông hoa nưa trổ hoa từ dưới đất - mà theo lời nhiều người kể lại, trước đây chẳng có ai trồng loại cây đó ở đúng địa điểm đó cả; ấy là con cá cứ liên tục ngoi lên, lặn xuống ở đúng cái kênh đó mà chẳng chịu bỏ đi đâu; ấy là đôi rắn chỉ quanh quẩn ở ngôi mộ vô danh - mà tương truyền là của “mẹ ăn xin” - mà không bò đi đâu cả…), từng người, từng người được nghe, rồi tưởng tượng, rồi thêm bớt cho phần ly kỳ hấp dẫn… những sự việc hoàn toàn bình thường trong tự nhiên đã trở thành “sự lạ”, và được “thần thánh hóa”. Lúc này, tin đồn đã trở thành “tin giả” (fake news) một cách nhanh chóng!
Nếu đứng ở ngoài nhìn vào một cách khách quan, chúng ta có thể hiểu những hiện tượng trên một cách rất đơn giản. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cú click chuột, người ta có thể dễ dàng tìm ra nhiều thông tin về những cái “sự lạ” như thế, trước khi chúng được phổ truyền, rồi thần thánh hóa trên diện rộng. Vậy nhưng, tại sao vẫn có rất nhiều người tin, thậm chí mê muội chắp tay khấn cầu, quỳ lạy trước những cái “lạ mà không lạ” như thế?
Chia sẻ với PGS-TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, ông cho rằng, việc một bông hoa chẳng có gì lạ như vậy bỗng nhiên được phong “tiên”, phong “thánh” (như câu chuyện ở Kiên Giang), chúng ta nên hiểu và đặt sự việc trong bối cảnh không gian xã hội, tình hình hiện tại của người dân nơi đây; và do đó, có thể “những người hiếu kỳ đã nhìn thấy ở bông hoa đó một cái gì đó kỳ bí, linh diệu”. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, “vấn đề đặt ra là, vì sao ở trong đám đông ở một cộng đồng người ta lại sùng phục, người ta lại bị “thức tỉnh” bởi bông hoa ấy và người ta lại mệnh danh cho nó là… “hoa thánh”, rồi gán cho nó rất nhiều ý nghĩa siêu việt, thậm chí có thể là cải tạo, giúp đỡ con người ta thoát khỏi nỗi thống khổ, sự bi phẫn ở trong đời thường?”.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải: “Về mặt tâm lý xã hội, điều đó nó cho thấy, dường như trong xã hội đang tồn tại những mâu thuẫn, ẩn ức mà con người ta muốn và chờ có dịp để giải thoát, và con đường để tìm đến những hiện tượng xem chừng như là khác lạ, kỳ bí, độc đáo nào đó thì đấy có thể là một cách giải thoát. Cho nên rõ ràng là người ta có thể biết câu chuyện đó thực sự là như thế nào, nhưng con người ta vẫn bị lừa mị, mê đắm, theo đuổi… tất cả những điều này xuất phát từ một tâm trạng xã hội tiểu nông đang ngưng đọng bởi những điều này điều khác, những ẩn ức phức tạp nên họ muốn tìm đến một sự cứu rỗi nào đó”.
4. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp điều tương tự ở những người đang mắc trong mình căn bệnh nan y. “Có bệnh thì vái tứ phương”, tìm thầy tìm thuốc không được, và bởi với suy nghĩ “thôi thì có còn gì để mất”, người bệnh sẵn sàng tin theo những điều phi lý một cách mê muội, mù quáng. Điển hình là việc người dân cả nước từng xôn xao khi xuất hiện tin ở Long An có một “khu vườn lạ” có khả năng chữa hết các loại bệnh, kể cả bệnh nan y, các bệnh nhân đến đây chỉ cần đọc kinh và cầu nguyện. Khi tin đồn đó xuất hiện, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã rất thận trọng kiểm tra, xác minh thông tin “khu vườn kỳ lạ” này cũng như nhân thân của vị “thiên sứ” chữa bệnh - chủ nhân khu vườn; Bộ Y tế cũng chứng minh các yếu tố lý, hóa, môi trường… ở mảnh vườn được nhiều người cho là “khu vườn kỳ lạ” không có gì khác biệt so với các vùng khác, do đó không có tác dụng chữa bệnh, nhưng vẫn rất nhiều người ở các nơi kéo về chữa bệnh...
Nói như chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, có thể hiểu rằng việc có những người tin vào những tin đồn bắt nguồn từ chính việc họ đang gặp một vấn đề khó khăn nào đó không thể nào giải quyết được, thậm chí rơi vào cảnh cùng quẫn, cơn bĩ cực... Và vì thế, với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, khi nghe được thông tin về “sự lạ”, dù chưa biết thực hư ra sao, dù vẫn còn nhiều hoài nghi, họ trở nên những con người đáng thương khi sẵn sàng tin theo, đi theo, thờ phụng “sự lạ” ấy, bất chấp người này can ngăn, người kia cười cợt...
Nhà báo Dương Kỳ Anh cho rằng, trong thiên nhiên có biết bao hiện tượng lạ mà con người chưa biết, “vấn đề là tìm cách giải thích cho người dân hiểu, tốt nhất là nhờ các nhà khoa học, sinh vật học… tìm nguyên nhân, giải thích để thuyết phục người dân, chứ không nên áp đặt, suy diễn, kết cho người ta tội này, tội khác...”. Tuy nhiên, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cũng đặc biệt lưu ý “không loại trừ ở đây có một sự đồn thổi nào đó”. Và “khi trong xã hội đang tồn tại rất nhiều ẩn ức, thì có một bộ phận trong xã hội người ta lợi dụng hiện tượng đó để kiếm chác, đơn giản từ những dịch vụ ăn theo… và chắc chắn những hiện tượng này cần phải được dập tắt”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Ý Thơ/Công Lý Xã Hội

>> xem thêm

Bình luận(0)