Đại cổ thụ trời kiêng nước kị?
Theo ông Phó Lề (SN 1937, ngụ xóm Nghĩa Trí, thôn Kim Sơn) thì, từ xa xưa, gò Quánh ở cuối xóm vốn là một vạt rừng. Ở đó có 3 cây cổ thụ mọc cạnh nhau là cây bàng, cây gạo và cây thị. Cây thị là cổ thụ lớn tuổi nhất và to gấp mấy lần hai cây còn lại, đường kính to đến 3 người ôm không hết. Năm 1968, đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học khiến những cánh rừng nơi đây đều chết trụi. Ba gốc cổ thụ nằm gần nhau nhưng điều lạ là chỉ cây bàng và cây gạo chết, còn cây thị vẫn xanh tốt bình thường. Dân làng ước tính, với kích thước to lớn thì đến nay cây thị đã có cả ngàn năm tuổi.
Lạ lùng hơn, cây thị đứng trên gò cao, thân cao vút, tỏa bóng kín một vùng đất nhưng chưa hề một lần bị “trời đánh”. Trong khi đó, các cây cổ thụ xung quanh thấp bé hơn nhưng cứ chết dần chết mòn vì bị sét đánh. Dần dần qua năm tháng, cây thị trở thành đại thụ đứng sừng sững một mình giữa vùng. Thấy điều lạ nhưng chẳng thể lý giải được nguyên nhân, các cụ cho rằng cây thị đã nghìn tuổi trở thành “thần mộc”, được thần thánh che chở nên trời cũng phải tránh né. Vì thế nên dù không nói ra nhưng người dân bất cứ ai cũng không dám mạo phạm cây thiêng.
Dân làng còn truyền rằng, gò Quánh nằm cạnh dòng sông Kim Sơn vốn thường bị lũ lụt nhưng nơi đây lại chưa bao giờ bị ngập. Trong khi đó, những vùng dân cư cách đó vài trăm mét thì những năm có lũ lớn lại chìm trong biển nước. “Những năm nước lũ dòng Kim Sơn dâng cao, dân làng chúng tôi đều bị chìm. Nhưng vùng đất xung quanh gốc cây thị lại chẳng hề bị biển nước xâm lấn, giống như nước kị gốc thị vậy. Mỗi khi nước lớn, bà con trong xóm lại dắt trâu bò lợn gà và tài sản lên trú dưới gốc thị”, ông Lề kể lại.
Để thể hiện lòng tôn kính, các cụ xưa kia đã dựng lên một cái miếu cạnh gốc cây thị để thờ cúng, hương khói tiền nhân, thổ thần. Năm 1965, kháng chiến chống Mỹ ác liệt, miếu bị bom đạn tàn phá. Mãi đến năm 1994, dân làng Nghĩa Trí mới cùng nhau quyên góp tiền xây nên hai miếu thờ cạnh gốc thị. Miếu lớn dùng để thờ thánh thần và các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất. Còn miếu nhỏ bên cạnh dùng làm nơi hương khói cho những cô hồn, âm linh lưu lạc trong vùng, gọi là miếu cô hồn.
|
Ông Lề kể về cây thị cổ thụ
|
Đôi rắn canh giữ thần mộc
Chẳng những trường tồn qua năm tháng, cây thị cổ thụ ở xóm Nghĩa Trí còn gắn liền với những câu chuyện li kì. Dân làng cho biết, cứ thỉnh thoảng họ lại nhìn thấy từ trên trời cao, những quả cầu lửa màu xanh, sáng chói, vụt thẳng xuống ngọn cây. Sự lạ không chỉ diễn ra một lần mà cứ thỉnh thoảng lặp lại. Chẳng những người dân xóm mà nhiều người ở cách đó vài cây số cũng nhìn thấy việc này. Sau mỗi lần “quả cầu lửa” xuất hiện, họ tò mò đến xem thì trên cây thị chẳng có dấu vết như bị cháy xém chẳng hạn.
Truyền thuyết còn kể, dưới gốc cây thị từ xa xưa có một đôi rắn hổ chúa khổng lồ sinh sống. Cặp rắn ấy đen mun từ đầu tới đuôi và dài đến hơn 5 thước. “Rắn ông, rắn bà” chọn hốc cây làm hang ở và quấn quýt nhau mãi không rời. Thấy đôi rắn sống quanh quẩn bên gốc cây nhưng không bao giờ quấy nhiễu con người nên người dân cho rằng đó là “rắn thần” canh giữ chốn linh thiêng. Các cụ cao niên thường căn dặn con cháu phải kiêng cữ, không được thất kính với “vợ chồng rắn”.
Sau những năm tản cư, lúc dân làng về lại thì cặp rắn ấy chẳng biết đã đi phương nào không rõ. Dẫu vậy, câu chuyện về “rắn ông rắn bà” vẫn được dân làng truyền tai nhau như một sự tích mỗi khi nhắc đến gốc thị cuối làng. Có người còn kể rằng, cách đây vài năm, vào một đêm ngày rằm tháng 3 trên cánh đồng làng, lúa bị ngã rạp theo một đường dài đến hàng cây số. Dấu vết rộng bằng hai gang tay giống như có vật gì đi ngang qua. Điều kì lạ, đường vết này lại hướng vào nơi có gốc thị cổ thụ. Thấy vệt lạ vắt ngang cánh đồng giống như rắn bò, người làng đồn rằng đó là “rắn ông rắn bà” về dự lễ Thanh Minh.
Khu vực gò Quánh nằm cạnh dòng Kim Sơn còn có nhiều người uổng mạng bởi sông nước. Trong đó, có một chuyện đau lòng xảy ra cách đây 2 năm mà dân làng vẫn còn ám ảnh. Vào cuối năm 2012, trên khúc sông gần đó có 5 em học sinh nam lớp 9 chết đuối. Người ta đồn rằng, sau đó gia đình đã làm lễ cầu hồn, rước vong rất nhiều lần nhưng không vẫn có kết quả. Nguyên nhân là oan hồn của 5 học sinh xấu số không muốn về nhà mà chỉ muốn ở gần đó để chơi cùng nhau ?.
Chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng
Qua tìm hiểu, cây thị xóm Nghĩa Trí đã có từ rất lâu đời. Nhiều cao niên khẳng định rằng từ đời ông cố của họ đã có cây thị. Quan sát cho thấy, cây thị có đường kính đến 5 người trưởng thành ôm mới xuể. Tán cây vươn ra tứ phía, bao trùm cả một khoảng không rộng. Dưới cái nắng ban trưa gay gắt nhưng đứng dưới gốc cây vẫn cảm thấy mát lạnh bởi chẳng có một ánh nắng nào xuyên qua được những tầng lá rợm kín. Gốc cây xù xì rêu mốc phủ đen dễ khiến người ta liên tưởng tới những hình thù quái dị. Cạnh quanh gốc thị còn có gốc me to bằng một người ôm, được hai nhánh cây thị “ôm vào lòng”.
Nền đất nơi đây thoai thoải, chỗ cao nhất chính là nơi cây thị đứng. Cách gốc thị khoảng 10m là hai cái miếu, một lớn một nhỏ, nơi dân làng cúng kính. Nơi này cách nhà dân vài trăm mét, lại giữa rừng keo nên càng vắng vẻ. Không khí u tịch dưới tán cây cổ thụ bề thế lại thêm hai cái miếu khiến bất cứ ai đến đây cũng có cảm giác như đã lạc vào thế giới khác. Có lẽ chính vì vậy mà dù là ban ngày nhưng chẳng thấy bóng người lai vãng đến đây.
Nói đến sự trường tồn của cây thị, cụ Lâm Trượng (SN 1924) người cao tuổi nhất xóm Nghĩa Trí cho biết, các cây cổ thụ xung quanh đều vì sấm sét, chất độc hóa học mà chết, riêng cây thị vẫn “bình an vô sự”. Sau này, có người định đốn hạ cây thị để lấy gỗ, làm củi nhưng được dân làng khuyên ngăn mà từ bỏ ý định chứ không phải vì thánh thần hay ma quỷ gì ngăn cản. Cũng theo cụ Trượng, việc khoảng đất quanh cây thị không bị nước lũ xâm nhập là bởi địa hình nơi đây cao hơn xung quanh chứ không phải do có thần cư ngụ làm nước sợ không dám lấn.
Nói đến những chuyện tâm linh nơi cây thị, ông Nguyễn Văn Lý (Trưởng thôn Kim Sơn) cho biết việc dân làng tổ chức cúng Thanh Minh ở hai ngôi miếu dưới gốc thị đến nay đã thành thông lệ. Vào ngày này hàng năm, dân làng cùng đi tảo mộ. Chính vì vậy, ngoài việc cúng kính thổ thần và những người đi trước, dân làng còn dành những nén hương để an ủi linh hồn những con người xấu số. Đó cũng là dịp để mọi người ôn lại truyền thống và tình đoàn kết gắn bó với nhau.
Theo vị trưởng thôn, nhiều người đồn đại rằng có “quả cầu lửa” từ trên trời rơi xuống cây thị nhưng kì thực chẳng có ai thừa nhận mình tận mắt chứng kiến. Ngoài ra, câu chuyện về đôi rắn hổ chúa khổng lồ sống dưới gốc cổ thụ vốn là của ông bà truyền lại. Chẳng biết đời các cụ trước đây, vùng này còn hoang vu thì có hay không nhưng hiện tại thì ở đó không có cặp rắn nào cả. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rỉ tai nhau và tin theo bởi cho rằng rắn lớn sống dưới cây già là chuyện thường xảy ra.