Ông luôn trung thành với một nguyên tắc: Chỉ kinh doanh trên nền tảng khoa học của mình.
Dám liều vì "tôi là Nhà khoa học"
Vào buổi sáng tôi hẹn gặp TS Lê Văn Tri tại văn phòng thơm ngào ngạt mùi tinh dầu sả của ông, nhà khoa học 65 tuổi xuất hiện với áo sơmi trắng cùng mái tóc phần nhiều ngả bạc. Mặc dù vậy, trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi, có lẽ vì thứ năng lượng tươi mới toát ra từ phong thái nhanh nhẹn, khỏe khoắn của ông.
Đã qua tuổi về hưu nhưng TS Tri vẫn thoăn thoắt vào Nam ra Bắc; hôm nay ở Hưng Yên, mai đã ở Bình Thuận, Tiền Giang. Nhà khoa học tiết lộ, sau cuộc gặp với tôi, ông sẽ tiếp một doanh nghiệp ở Bình Thuận đã cất công ra tận Hà Nội để trao đổi về việc mua dây chuyền thu tinh dầu sả và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh mà ông và cộng sự đã nghiên cứu, phát triển.
TS Lê Văn Tri được biết đến trong giới khoa học là một người vừa có nhiều công trình nghiên cứu vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BioGroup - một doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thành công trên cả hai lĩnh vực, nhưng ông khẳng định rằng, nếu phải lựa chọn giữa việc trở thành nhà khoa học hay doanh nhân, ông vẫn chọn được làm khoa học.
“Năm 1992, sau khi làm postdoc tại Nga, tôi trở về Việt Nam và nhận được đơn đặt hàng khoai tây giống từ Nga. Bình thường, khoai tây sau khi thu hoạch phải để từ 3-4 tháng mới nảy mầm. Bài toán đặt ra cho tôi là tìm nồng độ gibberelin thích hợp phun lên củ khoai tây trong điều kiện đóng gói, làm thế nào để khoai sau khi đưa xuống Hải Phòng, chuyển lên tàu sang đến Nga nảy nầm được là coi như thắng lợi” - TS Tri kể lại.
Đó là dịp giáp tết, công ty vừa mới ra đời, khó trăm bề, TS Tri quyết đánh liều khi về nhà thuyết phục vợ gom hết tiền và bán tài sản trong nhà để có thể trả lương cho công nhân. Ông nhấn giọng: “Tôi là người tổng hợp và đã bảo vệ luận án tiến sỹ về gibberelin - chất kích thích sinh trưởng thực vật. Thế nên nếu tôi không làm được thì kém quá. Đó là khoa học, là nghề của tôi, nếu tôi không dám tin vào nó thì còn ai dám tin? Doanh nhân không ai liều vậy đâu, nhưng tôi là nhà khoa học”.
Và khoai tây đã nảy mầm trên đất Nga. Đối tác Nga thanh toán bằng đạm. Số đạm ấy, ông Tri giữ lại một phần, còn lại đem bán, thu lãi lớn. “Người ta hỏi tôi có ký hợp đồng trở thành đại lý đạm không nhưng tôi từ chối, dù biết rằng đi buôn sẽ giàu có. Tôi sẵn sàng đánh cược tài sản để kinh doanh trên nền tảng khoa học của mình nhưng không muốn trở thành một đại lý đơn thuần” - TS Lê Văn Tri nói.
Tiến sỹ Lê Văn Tri. Ảnh: Dung Trần.
Từ đó tới nay, dù nhận được không ít lời mời hợp tác kinh doanh thuần tuý nhưng TS Lê Văn Tri vẫn giữ đúng nguyên tắc của mình. Ông cười: “Nhiều người bảo tôi sai lầm và khuyên nên tìm hướng đi thực tế hơn, nhưng tôi vẫn cho rằng mình đúng, vì nó mang lại lợi ích cho nhiều người. Đúng hay sai chỉ là cách nhìn của mỗi người”.
"Hôm nay có gì mới không chú?"
Suốt 20 năm qua, một ngày mới của nhà khoa học Lê Văn Tri luôn bắt đầu bằng câu hỏi quen thuộc của nhân viên: “Hôm nay có gì mới không chú?”. Cử nhân Nguyễn Thị Bích Liên - người đã có 16 năm làm việc cùng TS Tri - tiết lộ: “Chưa bao giờ tôi thấy chú Tri mệt mỏi hay chán nản trong công việc. Nhiều lần tôi hỏi chú có mệt không, đáp lại cho tôi luôn là nụ cười rạng rỡ”.
Bí quyết của ông chính là luôn tạo ra cho bản thân sự hưng phấn trong công việc. “Người ngoài nhìn vào thấy tôi làm hết cái này tới cái kia sẽ nghĩ chắc tôi mệt lắm, nhưng không phải vậy. Tôi luôn tạo thói quen ngày cuối tuần vừa ngồi uống càphê, vừa nhẩm lại công việc trong tuần xem có gì đáng chú ý không? Việc gặp gỡ và nói chuyện với mọi người mỗi ngày đều mang đến cho tôi ý tưởng mới” - TS Tri tiết lộ.
Ngay cả công nghệ chưng thu tinh dầu sả - nghiên cứu đã giúp ông giành giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec) 2016 cũng bắt nguồn từ những cuộc trò chuyện. Nhà khoa học kể: “Qua thực tế và trao đổi, tôi thấy rằng lượng bã thải của công nghệ chưng cất tinh dầu sả rất lớn. Tôi đã không ngừng trăn trở khi bạn bè hỏi: “Anh xem có thể làm được việc gì không?”. Vậy là công nghệ chưng thu bằng cách phá vỡ túi tinh dầu trong nồi áp suất đã ra đời, cùng với quy trình xử lý bã sả làm nguyên liệu hữu cơ cho sản xuất phân bón vi sinh.
Say sưa với chủ đề tinh dầu, TS Tri bảo, mong muốn của ông là đến năm 2025 Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu tinh dầu lớn trên thế giới, bởi chúng ta có rất nhiều loài cây có thể chưng cất tinh dầu, trong đó có sả. “Sả dễ phát triển ở nhiều vùng đất, từ khô hạn tới nhiễm mặn, phèn. Tôi đã triển khai dự án chưng cất tinh dầu sả bằng công nghệ mới ở Quảng Bình, Tiền Giang. Nhà máy ở Quảng Bình hiện đang có công suất 25 tấn lá khô/ngày” - TS Lê Văn Tri hào hứng.
Sau sả, công nghệ này cũng được ông và các cộng sự áp dụng với gừng, hồi, quế, tràm và còn nhiều kế hoạch khác đang được ông theo đuổi không mệt mỏi. Nhà khoa học tự ví mình như cái cốc, mỗi ngày lại tích lũy thêm vài giọt nước giữa biển kiến thức mênh mông. “Làm khoa học và làm kinh tế đều giống nhau ở chỗ, nếu không đam mê sẽ không thành công. Vất vả là điều đương nhiên, nhưng nếu không thể leo qua 9 ngọn núi sẽ không biết cách leo nhanh nhất ở ngọn núi thứ mười” - TS Lê Văn Tri nhắn nhủ.
TS Lê Văn Tri sinh năm 1952 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Kisinhop năm 1975, bảo vệ luận án tiến sỹ sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 1988, thực tập sau tiến sỹ tại Viện Sinh lý thực vật Timiliazev(Moskva) và Viện Quang hợp - Thổ nhưỡng (Pusino), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). TS Tri là tác giả, đồng tác giả của 80 công trình khoa học và bài báo, viết và chủ biên 10 đầu sách, sở hữu 21 bằng độc quyền sáng chế trong lĩnh vực sinh học.
Ông từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh là nhà khoa học có nhiều sáng chế nhất châu Á về công nghệ sinh học. Ông đã được trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba (2014), giải thưởng WIPO 2011, 2012; giải thưởng Vifotec 2006, 2008, 2012, 2016; cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2011, 2012; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm các 2007, 2008, 2009, 2012, 2014, 2016 và nhiều bằng khen, huy chương khác.