“Thủy thần” ở phía Tây Hà Nội
Giờ vẫn còn đó, những ngôi mộ lấp ló dưới mặt hồ Tây như những người đàn bà trầm mình dưới nước, khom lưng mò cua bắt ốc giữa trưa hè chói lóa. Nhiều hôm nhìn trong mưa dày hạt, từ những mô đất hiện lên người thấp thoáng ôm gối ngâm cần câu nhất cử, nhất động như hồn ma đùa giỡn với sóng nước. Có người chột dạ cắm đầu chạy xe thật nhanh, cũng có người tò mò dừng lại hướng mắt trong màn mưa hồ Tây để xem sự thể là gì.
Hồ Tây xưa nay là nơi vui thú của những "cần thủ". Niềm đam mê câu đã khiến họ tìm cách thỏa chí bằng mọi nhẽ: kể cả ngâm nửa người xuống làn nước lạnh vào mùa đông hay phơi mình giữa trưa nắng chói chang để giật từng con đòng đong nho nhỏ đến cá chép vài chục cân. Ngay cả những con người cụ thể như thế cũng có thể nhân lên sự huyền bí cho hồ Tây.
|
Thấp thoáng ngoài mặt nước là những ngôi mộ bị ngập sau cơn "vận động tạo sơn" nhấn chìm. |
“Ngày nào tôi cũng ngồi câu ở góc này. Mặt nước hồ Tây nếu chú ý thì lạ kỳ lắm! Ngồi câu buổi trưa nhìn ra hồ thì lóa mắt như gương, nhìn lúc xế chiều thì cứ mờ mờ ảo ảo, nhất là nhìn vào những đêm trăng sáng sau cơn mưa sẽ thấy những vật ở dưới mặt nước như chuyển động, mặc dù tôi biết rõ đó là những vật “chết” như trụ bê tông, hay những ngôi mộ nằm yên hàng trăm năm qua…”- Anh Nguyễn Văn Thịnh, người gắn bó nghề câu cá hồ Tây từ 30 năm qua, trầm ngâm.
Trong câu chuyện về nghề câu, anh Thịnh nói như triết lý rằng, nghề câu gắn với sông nước, mà thủy thần thì dữ lắm!. “Tôi hay ngồi câu ở phía chùa đổ - thuộc làng Trích Sài, Bưởi - gần như năm nào tôi cũng chứng kiến cảnh chết chóc ở hồ này. Cách đây mấy năm 3, 4 đứa trẻ con rủ nhau đi tắm rồi bị chết đuối, rồi phía bên Quảng An cũng thế, mấy thanh niên đi bơi cũng bị chết đuối. Ngay cả một anh chuyên câu cá hồ Tây, xuống gỡ lưỡi câu bị mắc rồi chẳng hiểu sao cũng ngạt nước chết, mà anh này là người bơi rất tài”.
|
Hồ Tây không chỉ đẹp mà còn là chốn thiêng. |
Hồ Tây cảnh đẹp thì ai cũng biết. Nó rộng hẹp ra sao thì lại càng rõ trong mắt người quan tâm đến hồ ở Hà Nội. Nhưng điều gì làm cho hồ Tây trở nên huyền bí, thậm chí còn là hồ thiêng ở góc phía Tây của Hà Nội thì ít người biết được. Nhiều người tò mò và mê tín đã đặt câu hỏi, liệu có phải những hồn ma ở dưới nước thấy người đã bấu víu vào để thoát khỏi đáy bùn lạnh hay không?
Không ai dám khẳng định chính xác, nhưng trong lòng thân nhân của người xấu số thường hay thiên hướng về điều đó nhiều hơn… Chính vì điều này mà người đi ngang qua hồ Tây không lạ gì cảnh một ai đó đứng chắp tay cầu khấn hướng về mặt nước hay những mâm lễ gửi về hồ nước thiêng để điều dữ đừng đến nữa…
|
Có những ngày nhiều đợt người đến hồ Tây để cầu khấn. |
Hồ Tây từng là nghĩa địa?
Những mô đất ngoài mặt nước xa của hồ Tây là gì? Đã có nhiều câu trả lời, nhưng có khi đúng, khi còn chưa đúng. Chính vì vậy mà đến nay có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về những điều chưa biết về nghĩa địa ngoài mặt hồ Tây.
Có người bảo, tục "thủy táng” của tộc người xa xưa, họ cho rằng chỉ có sức mạnh của nước, sự tinh khiết của nước mới làm cho người chết về với cõi bên kia một cách nhẹ nhàng hơn cả. Và những ngôi mộ được “táng” dưới mặt nước hồ Tây là phần còn lại của một nghĩa địa “thủy táng” mênh mông có từ xa xưa… Ý kiến khác lại cho rằng đó là do người thân mê tín đã lựa chọn vị trí đắc địa để gửi người đã khuất về nơi chín suối…
“Nhà tôi 4 đời ở làng Hồ này rồi. Hồ Tây có từ khi nào thì sử sách đã nói, còn về tại sao có những ngôi mộ ngoài đó thì tôi được biết, trước đây làng tôi có đất ra mãi ngoài đó. Chỗ ấy là những gò cao, cách xa nhà của dân làng nên mới được người dân chọn làm nghĩa địa.
Tôi nhớ, ở ngoài hồ sát mép nước bây giờ, xưa kia là rặng nhãn cổ thụ của chùa Tĩnh Lâu. Lâu dần nước vỗ vào làm đất lở vào trong khiến cho tam quan của chùa Tĩnh Lâu bị đổ, phải xây tam quan mới vào sát sân chùa như ngày nay. Tôi được biết, nhiều gia đình không chuyển đi được đành phải tìm cách xây đổ bê tông lên trên mặt nước để giữ mộ” - Cụ Vũ Văn Luân, Trưởng Ban quản lý di tích đình làng Hồ và chùa Tĩnh Lâu cho biết. Đó là sự thật về những ngôi mộ ở dưới hồ.
|
Ở dưới mặt hồ vẫn là những ẩn số thật khó lý giải nổi. |
Câu chuyện thực về hồ Tây nghe tưởng như ai đó thêu dệt cho thêm ly kỳ, liêu trai. Nhưng quả thực, chỉ cần nhìn những gì đang có, và lật giở lịch sử về đại vũng phía Tây thành Thăng Long, ta sẽ thấy hồ Tây ẩn chứa biết bao giá trị về văn hóa tâm linh.
Chỉ lược sơ, những tên từng được dùng để gọi như: hồ Xác Cáo, Dâm Đàm, Lãng Bạc... và hồ Tây ngày nay, cũng cho ta thấy nó được phủ đầy những giá trị lịch sử, thiên nhiên mà giờ đây còn ẩn hiện đâu đó ở chốn tây Hồ bồng lai tiên cảnh này.
Giá trị của thời gian càng làm cho hồ Tây tăng thêm sự huyền bí vốn có của nó. Chuyện khởi thủy của hồ Tây được người nay vẫn thường nhắc đến con người tài ba có tên Lạc Long Quân đã diệt tà trừ ác.
Khi ấy, hồ Tây còn là vùng đầm lầy, lau cỏ um tùm được bao bọc bởi thiết lâm mộc. Chưa ai nghe nói về rừng lim ở phía Tây này, nhưng sử sách còn ghi rõ đó là khu rừng toàn gỗ lim cổ thụ. Thú dữ, quái vật thường xuyên đe dọa những người dân lành. Chỉ sau một trận vật lộn và đánh thắng quái vật là con cáo chín đuôi ở đây, bất ngờ Lạc Long Quân đã thấy sự rung chuyển của đất trời và sự chuyển động ở khu rừng rậm đầm lầy này. Từ khu đầm lầy có cáo chin đuôi bị diệt, bỗng chốc trở thành một đại vực mênh mông bể sở nước, đó là một hang cáo bị đánh sập… Sự tích hồ tinh này được ghi rõ trong sách “Lĩnh Nam trích quái”.
|
Nhiều ngôi mộ của gia đình làng Hồ vẫn chìm dưới đáy hồ. |
Những quả núi trước đó sừng sững cũng chỉ còn các mô đất nhô lên mặt nước không nhiều. Chính sự vận động tạo sơn đã làm cho hồ Tây luôn mênh mang huyền bí. Đây cũng là nơi hội tụ chốn tâm linh và đặc biệt sau này còn là nơi những nữ danh sỹ lừng danh như bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương…. lập Cổ Nguyệt đường làm nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách.