Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại bao gồm: Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý phi) và Vương Chiêu Quân. Trong đó, Dương Ngọc Hoàn được biết đến là một sủng phi đẫy đà của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Trước khi trở thành phi tử của Đường Huyền Tông, Dương Ngọc Hoàn là vợ danh chính ngôn thuận của Thọ vương Lý Mạo, con trai Đường Huyền Tông. Tuy nhiên, sau một lần gặp mặt Dương Ngọc Hoàn, Đường Huyền Tông đã lập tức động lòng và triển khai kế hoạch biến con dâu thành sủng phi.
Tháng 8 năm Thiên Bảo thứ 4 (tức năm 745), sau khi sắp xếp cuộc hôn nhân khác cho Thọ vương Lý Mạo, Hoàng đế lập Dương Ngọc Hoàn làm Quý phi. Lúc đó Đường Huyền Tông 61 tuổi, còn Dương Quý phi 27 tuổi đã trở thành phi tần có địa vị cao nhất trong cung. Về sau, dù ngày càng được Hoàng đế sủng ái nhiều hơn nhưng bà vĩnh viễn chỉ là Quý phi, không thể có được ngôi vị Hoàng hậu cao quý.
Mặc dù kỹ năng ca múa và dung mạo của Dương Quý phi xuất chúng, có thể khiến Đường Huyền Tông mê mẩn nhưng lại không khiến Hoàng đế trọng dụng. Hoàng hậu phải sử dụng năng lực để quản lý hậu cung nhưng Dương Quý phi không thể sử dụng sắc đẹp để làm việc này. Mà Đường Huyền Tông cũng không phải kẻ ngu ngốc, để mặc hậu cung trở nên loạn lạc chỉ để chiều chuộng sủng phi.
Rất hiếm tìm được thông tin về Dương Quý phi trong các tài liệu lịch sử, tuy nhiên trong 1 quyển dã sử đã có ghi chép: Bà cao khoảng 1m64, nặng đến 68kg và vẻ ngoài thật sự rất diễm lệ.
Dù có thân hình tương đối mũm mĩm, nhưng đặt trong tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời nhà Đường, Dương Quý phi chính là mỹ nhân số một. Nhưng người đời sau suy đoán, có lẽ 1 phần bởi thân hình tròn trịa, đầy đặn nên Dương Quý phi không thể có con.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Dương Quý phi không thể mang thai là vì sử dụng một thứ thuốc gọi là "Hương cơ hoàn". Vị thuốc này có tác dụng khiến làn da trở nên mịn màng hơn. Tuy nhiên, vị thuốc nào cũng có 3 phần độc, Hương cơ hoàn cũng vậy. Thành phần chủ yếu của Hương cơ hoàn là xạ hương, tiếp xúc với xạ hương lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến đổi trong chức năng cơ thể và có thể không mang thai.
Vào thời cổ đại, không có con là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất khiến Dương Quý phi không được lập làm Hoàng hậu.
Xét cho cùng, địa vị của Dương Quý phi trong hậu cung cũng không khác biệt mấy so với Hoàng hậu. Trên cơ bản, dù không có cái danh Hoàng hậu thì cũng không ai dám hỗn xược hay phản đối ý kiến của bà.