Sứ mệnh vẻ vang của Việt Nam giải phóng quân trong Cách mạng Tháng Tám

Google News

Trong những ngày bão táp cách mạng, Việt Nam Giải phóng quân và hàng vạn chiến sĩ tự vệ là lực lượng xung kích, nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Việt Nam giải phóng quân ra đời - dấu mốc quan trọng
Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, cuộc cách mạng Đông Dương phải kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa võ trang.... và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, đổi tên các tổ chức trong mặt trận thành Hội cứu quốc, trong đó có Đội tự vệ cứu quốc.
Công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đã được xúc tiến mạnh mẽ, là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn thiện những quan điểm của Đảng về vũ trang khởi nghĩa ở Việt Nam.
Su menh ve vang cua Viet Nam giai phong quan trong Cach mang Thang Tam
Đội du kích Bắc Sơn. Ảnh tư liệu. Theo Tiền Phong. 
Theo tinh thần trên, các đội du kích tự vệ được xây dựng ở nhiều nơi thuộc Cao Bằng. Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo việc duy trì và phát triển lực lượng, cử một số cán bộ tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn. Tổng Bí thư Trường Chinh phổ biến Nghị quyết Trung ương 8 cho cán bộ, chiến sĩ và quyết định đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn là Trung đội Cứu quốc quân I, được thành lập ngày 14/2/1941 ở Khuổi Nọi, Vũ Lễ, Bắc Sơn, Lạng Sơn, do đồng chí Phùng Chí Kiên làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Chi làm chính trị viên.
Tiếp đó, ngày 15/9/1941 Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập ở khu rừng Khuôn Mánh, Ngọc Mỹ, Tràng Xá, Thái Nguyên do đồng chí Chu Văn Tấn trực tiếp chỉ huy, đồng chí Nguyễn Cao Đàm chính trị viên.
Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập ngày 25/2/1944 ở Khuổi Kịch, Tân Lập, Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Đồng chí Triệu Khánh Phương làm trung đội trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên.
Như vậy, trên cơ sở Đội du kích Bắc Sơn, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định phát triển thành các trung đội Cứu quốc quân I, II, III.
Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thay mặt “Đoàn thể”, tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân...
Tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng và tác chiến của đội quân cách mạng được lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ trong chỉ thị thành lập là cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng, đánh dấu bước hoàn chỉnh lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kì chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Chiến tranh du kích và căn cứ địa là hai yếu tố cơ bản của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kẻ địch đang chiếm ưu thế về sức mạnh quân sự.
Sau Hội nghị Trung ương 8, ở những nơi phong trào Việt Minh phát triển đã có các đội tự vệ, đội du kích vững mạnh, các căn cứ địa cách mạng cũng manh nha hình thành.
Các khu an toàn dần phát triển thành các khu du kích trong cao trào kháng Nhật cứu nước. Hai khu du kích đầu tiên được xây dựng là khu căn cứ Cao Bằng và khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai, cuối năm 1943 được nối liền với nhau tạo nên thế liên hoàn vững chắc, làm tiền đề cho sự ra đời Khu giải phóng Việt Bắc 6/4/1945 gồm các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái và vùng ngoại vi.
Các căn cứ kháng Nhật trên các địa bàn như chiến khu Trần Hưng Đạo (Đông Triều), Quang Trung (Hoà - Ninh - Thanh), Vần - Hiền Lương (Phú Thọ, Yên Bái), khu du kích Ba Tơ đã có những tác động to lớn, trực tiếp thúc đẩy phong trào cách mạng tại chỗ phát triển. Đồng thời chi viện, hỗ trợ đấu tranh cho các địa phương khác, đặc biệt trong những ngày Tổng khởi nghĩa.
Hệ thống căn cứ địa cách mạng rộng lớn được Đảng dày công xây dựng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi nhanh chóng của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Tại Nam Bộ, lực lượng vũ trang cách mạng được tuyển chọn, xây dựng từ đội ngũ Thanh niên tiền phong, một tổ chức được Xứ uỷ Nam Kỳ thành lập sau ngày 9/3/1945, đến tháng 8/1945 có khoảng 20 ngàn người.
Ngày 22/8/1945, thanh niên tiền phong tuyên bố gia nhập Việt Minh và trở thành thành viên của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Đảng bộ Nam Kỳ đã có một lực lượng vũ trang đủ mạnh để hỗ trợnNhân dân làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn-Chợ Lớn và toàn bộ các tỉnh Nam Bộ những ngày sau đó...
Theo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, tại đình làng Quặng, Định Biên, Định Hoá, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các đội vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân.
Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển, ban đầu là các Đội tự vệ Đỏ. Đó cũng là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta.
Việt Nam Giải phóng quân với vũ khí, trang bị tốt hơn, có tổ chức, biên chế chặt chẽ, thống nhất, đã đóng vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ căn cứ địa, vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng ở những nơi mới thành lập và cùng toàn dân tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Và thực tế, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng toàn dân hoàn thành sứ mạng ấy một cách vẻ vang.
Sứ mạng chính trị vẻ vang  
Từ tháng 5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6/1945, ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Uỷ ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng và là uỷ viên Ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.
Giữa tháng 5 và tháng 6/1945, Nhật huy động 2000 quân, chia làm 3 mũi tiến đánh vùng sông Lô và đường số 3, nhằm tiêu diệt Việt Nam Giải phóng quân và cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân phối hợp với du kích, tự vệ các địa phương, đánh bại cả 3 mũi tiến công của quân Nhật, căn cứ địa cách mạng được bảo vệ.
Su menh ve vang cua Viet Nam giai phong quan trong Cach mang Thang Tam-Hinh-2
 Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về
giải phóng Thái Nguyên (16/8/1945) (Ảnh: hochiminh.vn)
.
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ 6 tỉnh Việt Bắc bàn việc lập khu giải phóng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị công nhận tên “Việt Nam Giải phóng quân” cho toàn thể bộ đội trong nước, đồng thời Khu giải phóng Việt Bắc ra đời, trở thành hậu phương vững chắc cho Việt Nam Giải phóng quân xây dựng và phát triển lực lượng.
Tiếp đó, ngày 8/6, chiến khu Đông Triều được thành lập, đội du kích chống Nhật của chiến khu ra đời. Từ Đông Triều, Chí Linh, địa bàn chiến khu nhanh chóng phát triển ra Quảng Yên, Kiến An, Hải Ninh, Hải Phòng, vùng duyên hải đông Bắc Bộ. Ngày 20/6, tại Quỳnh Lưu (Ninh Bình), trung đội Giải phóng quân của chiến khu Hoà-Ninh-Thanh được thành lập.
Ngày 1/7/1945, Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ và Bộ Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Cơ hội có một không hai đã ở trong tay chúng ta".
Thống nhất, hy sinh, kiên quyết chiến đấu, nhất định chúng ta sẽ thắng”. Ngày 16/7/1945, một trung đội Việt Nam Giải phóng quân tiến công đồn Tam Đảo, tiêu diệt gần hết quân Nhật ở đây. Bốn ngày sau, lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều cùng Nhân dân đánh chiếm thị xã Quảng Yên và huyện lỵ Yên Hưng.
Một đơn vị Việt Nam Giải phóng giải phóng Lục Yên Châu, hạ đồn Bố Hạ, Yên Thế, Mẹt, Hữu Lũng, sau đó tiến sát thị xã Bắc Giang.
Phát huy thắng lợi, một đội tiến về Đoan Hùng vũ trang tuyên truyền theo hướng Hưng Hoá, Bất Bạt, Sơn Tây, một đội tiến qua Lục Ngạn, Bắc Giang sang chiến khu Trần Hưng Đạo, hoạt động ở Đông Triều, Cẩm Phả, Hồng Gai; đồng thời một số cán bộ Việt Nam Giải phóng quân đến các tỉnh Hà Đông, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá liên lạc với các đơn vị vũ trang chiến khu Quang Trung phối hợp chiến đấu.
Tháng 8/1945, khi quân Nhật bại trận, đầu hàng đồng minh, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Trung ương Đảng quyết định: “Chấn chỉnh và phát triển bộ đội”; “Tổ chức thêm những bộ đội mới, chỉnh đốn đội tự vệ chiến đấu và tiểu tổ du kích để thành lập Giải phóng quân ở ngoài khu giải phóng”…
Đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra quân lênh số 1 kêu gọi: “các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam hãy tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến”.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân khai mạc tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng; quy định quốc kì, quốc ca; thông qua mười chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Việt Nam Giải phóng quân cùng toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
14 giờ ngày 16/8/1945, thi hành mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ huy Chi đội 3 Việt Nam Giải phóng quân tiến về thị xã Thái Nguyên tiến công quân Nhật và tay sai, giải phóng thị xã, phối hợp quần chúng lập chính quyền cách mạng ở đây và mở đường đưa lực lượng, cán bộ cách mạng từ chiến khu tiến xuống phía nam và về Hà Nội.
Lực lượng Chi đội 3 giải phóng quân gồm 3 đại đội bộ binh, một trung đội hoả lực khoảng 450 người được lực lượng chính trị và một đại đội huyện Phú Bình, một trung đội tự vệ huyện Phổ Yên, lực lượng tự vệ thị xã và du kích các xã thuộc huyện Đồng Hỷ phối hợp.
Trận đánh quân Nhật ở Thái Nguyên là trận đánh lớn nhất trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, buộc địch phải đầu hàng, thu 600 khẩu súng các loại.
Trận đánh này là một trong những chiến công lớn của Chi đội 3 và quần chúng địa phương trong giai đoạn lực lượng vũ trang ở thời kì đầu phát triển, trưởng thành; thể hiện sự sáng tạo trong chỉ đạo tận dụng thời cơ tạo thế, kết hợp với đấu tranh chính trị và sáng tạo trong công tác binh địch vận của Đảng ta.
Trong khi Việt Nam Giải phóng quân đang tiến đánh địch ở Thái Nguyên thì ngày 19/8, nhân dân Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền.
Theo lệnh của Chính phủ lâm thời, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đại bộ phận cán bộ chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, chỉ để một bộ phận lực lượng ở lại cùng với tự vệ và du kích Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của đồng chí Đàm Quang Trung tiếp tục bao vây quân Nhật. Đến ngày 26/8 quân Nhật ở Thái Nguyên buộc phải nhận những điều kiện do ta nêu ra, trao toàn bộ vũ khí cho Việt Nam Giải phóng quân.
Trước đó, từ 12/8/1945, các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân khác cùng lực lượng tự vệ và Nhân dân địa phương Bắc-Trung-Nam nổi dậy chiếm đồn bốt Nhật, trại bảo an... giải phóng các châu lị, thị xã, thành phố.
Các đơn vị Giải phóng quân lần lượt tiến công các đồn Nhật ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, hỗ trợ Nhân dân giành chính quyền tại các tỉnh lỵ.Hoạt động quân sự của Việt Nam Giải phóng quân cùng các lực lượng vũ trang khác tại các căn cứ kháng Nhật trên các địa bàn như chiến khu Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Vần-Hiền Lương, khu du kích Ba Tơ có tác động to lớn, trực tiếp thúc đẩy phong trào cách mạng tại chỗ phát triển, đồng thời chi viện, hỗ trợ đấu tranh cho các địa phương trong những ngày Tổng khởi nghĩa.
Su menh ve vang cua Viet Nam giai phong quan trong Cach mang Thang Tam-Hinh-3
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu/TTXVN. 
Hệ thống căn cứ địa cách mạng rộng lớn được Đảng dầy công xây dựng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi nhanh chóng của Cách mạng Tháng Tám 1945. Việt Nam Giải phóng quân phát triển nhanh chóng trong quá trình Tổng khởi nghĩa.
Trong những ngày bão táp cách mạng, lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng chính trị tiến công địch. Việt Nam Giải phóng quân và hàng vạn chiến sĩ tự vệ đã đóng vai trò là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 30/8/1945, Việt Nam Giải phóng quân tiến vào Hà Nội duyệt binh tại quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, biểu thị quyết tâm cùng toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Giải phóng quân, tự vệ và đồng bào diễu hành biểu dương lực lượng, nguyện đoàn kết, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải giữ vững nền độc lập.

Việt Nam Giải phóng quân đã hoàn thành sứ mạng chính trị vẻ vang của mình trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Giữa tháng 9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ Quốc đoàn - quân đội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Đại tá.TS Nguyễn Thành Hữu, Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng Tham mưu

>> xem thêm

Bình luận(0)