Trong thời kỳ đầy hỗn loạn như Tam Quốc, Tào Tháo được coi là một trong những chính trị gia kiệt xuất nhất. So với Lưu Bị và Tôn Quyền, Tào Tháo là người có nhiều ưu thế hơn cả khi có những "vốn liếng" vượt trội, từ danh chính ngôn thuận "phò tá thiên tử để hiệu lệnh chư hầu" đến việc sở hữu và chiêu mộ được rất nhiều nhân tài trong thiên hạ.
Tào Tháo từng tham gia rất nhiều trận chiến lớn nhỏ và thực tế là chiến thắng không ít. Vị quân chủ này có công thống nhất phương Bắc, nắm đại quyền trong triều nhà Đông Hán, tạo nền tảng quân sự và chính trị vững chắc cho con trai là Tào Phi lập nên nhà Tào Ngụy sau này.
Đương nhiên, bên cạnh binh hùng, tướng mạnh, nhân tố quan trọng giúp Tào Tháo gặt hái được nhiều thành công đến như vậy chính là các vị mưu sĩ. Trong cuộc đời lừng lẫy của mình, Tào Tháo từng chiêu mộ được nhiều mưu sĩ kỳ tài trong thiên hạ.
Trong số những mưu sĩ với vai trò tham mưu, quân sư cho Tào Tháo, chỉ có một người Tào Tháo tin tưởng và yêu mến nhất. Đó là .
Quách Gia, mưu sĩ kỳ tài hiếm có trong Tam Quốc
Quách Gia là mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo.
Tào Tháo là người biết nhìn nhân tài và rất biết cách để trọng dụng họ. Do đó, Tào Tháo cũng sớm nhìn ra cái tài hiếm có của Quách Gia. Theo đó, ngay từ lần gặp đầu tiên khi nghị luận về việc thiên hạ với Quách Gia, Tào Tháo đã nói rằng: "Kẻ giúp ta thành đại nghiệp, tất là người này".
Trong sự nghiệp chinh chiến của mình, Tào Tháo luôn giữ Quách Gia bên cạnh, để bất cứ lúc nào cũng có thể bàn bạc về kế sách, tùy thời cơ mà hành động.
Quả thực, mỗi khi có binh biến xảy ra, chưa bao giờ tính toán của Quách Gia sai lầm. Chính vì vậy, Tào Tháo đã đặt sự kỳ vọng rất nhiều vào mưu sĩ kỳ tài như Quách Gia.
Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ cũng từng đánh giá rằng, Quách Gia là người có học vấn tinh thông sâu sắc, đồng thời lại có mưu lược, thấu hiểu sự việc. Quách Gia quả thực là một mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo, đồng thời được coi là một trong những mưu sĩ giỏi nhất thời Tam Quốc, bên cạnh Gia Cát Lượng.
Quách Gia có đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp thống nhất phương Bắc của Tào Tháo, khi lần lượt giúp Tào Tháo đánh bại nhiều kẻ thù mạnh như Lã Bố, Viên Thiệu, Đạp Đốn (thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn).
Sau trận Quan Độ, Tào Tháo muốn nhân cơ hội tấn công và tiêu diệt đến cùng các con trai của Viên Thiệu, đó là Viên Đàm và Viên Thượng. Khi đó, Quách Gia đã lên tiếng phản đối, đồng thời khuyên Tào Tháo nên lui binh. Tào Tháo đã nghe lời Quách Gia. Kết quả, anh em họ Viên vốn có mâu thuẫn, huynh đệ tương tàn, còn Tào Tháo chỉ cần ngồi ngoài để hưởng lợi.
Những dự đoán và tầm nhìn, sự nhạy bén trước thời cuộc, "biết địch, biết ta" của Quách Gia đã giúp Tào Tháo rất nhiều trong công cuộc thống nhất phương Bắc. Đáng tiếc, một mưu sĩ tài năng như Quách Gia lại đoản mệnh. Sau khi Tào Tháo chinh phạt Ô Hoàn, khi về đến Liễu Thành thì Quách Gia bị ốm nặng và không lâu sau thì qua đời (năm 207) ở tuổi 37.
Tào Tháo vô cùng thương tiếc Quách Gia, thậm chí còn dự tính sau khi thiên hạ an định thì muốn đem hậu sự để phó thác cho vị mưu sĩ kỳ tài này. Đáng tiếc Quách gia lại yểu mệnh chết sớm giữa lúc tuổi đời còn trẻ như vậy.
Lời cảnh báo của Quách Gia trước khi qua đời
Trước khi qua đời, Quách Gia đã để lại di ngôn cho Tào Tháo.
Tuy nhiên, trước khi qua đời, Quách Gia cũng không quên việc bày mưu tính kế lâu dài cho Tào Ngụy. Trước khi lâm chung, Quách Gia có để lại di ngôn cảnh báo cho Tào tháo rằng: "Tư Mã Ý dụng kế cao thâm, thần cũng không thể sánh bằng, sau khi thần chết nếu có thể dùng được thì dùng, không dùng được thì nên giết đi để trừ hậu họa".
Đây cũng là câu nói cuối của Quách Gia trước khi trút hơi thở cuối cùng, để lại niềm tiếc thương vô cùng cho Tào Tháo.
Quách Gia nói như vậy đương nhiên là có tính toán và nhìn thấu Tư Mã Ý. Mưu sĩ này diệu kế cao thâm nhưng có nguy cơ tiềm ẩn, không thể không đề phòng.
Tào Tháo rất tin tưởng Quách Gia. Do đó, đương nhiên, đối với di ngôn của Quách Gia, Tào Tháo luôn ghi nhớ. Đây chính là lời cảnh báo cuối cùng của Quách Gia về tương lai của Tào Ngụy.
Tào Tháo cũng rất biết nhìn người, thậm chí thấy rõ được Tư Mã Ý là người không đơn giản chịu làm bề tôi mà còn ẩn giấu dã tâm. Tuy nhiên, Tào Tháo lại là người khao khát nhân tài và Tư Mã Ý quả thực là một trong số ít người tài cần có trong đại nghiệp thống nhất thiên hạ.
Hơn nữa, Tào Tháo cũng có những tính toán của riêng mình. Vị quân chủ này sử dụng Tư Mã Ý, nhưng không giao quá nhiều vị trí và quyền lực quan trọng. Mặt khác, khi Tào Tháo còn sống thì đương nhiên Tư Mã Ý cũng không dám làm gì.
Tào Tháo có đề phòng nhưng lại xem nhẹ khả năng nhẫn nhịn của Tư Mã Ý.
Đáng tiếc, Tào Tháo lại có phần xem nhẹ về năng lực cũng như khả năng ẩn nhẫn, chịu đựng của Tư Mã Ý. Dù Tào Tháo đã cẩn thận dặn dò con trai phải đề phòng Tư Mã Ý, nhưng không ngờ Tư Mã Ý lại thực hiện một cuộc đảo chính ngoạn mục vào lúc cuối đời.
Cụ thể, năm 249, Tư Mã Ý tiến hành một cuộc chính biến, sử gọi là "Sự biến lăng Cao Bình", trong khi Ngụy đế Tào Phương và Tào Sảng đến lăng Cao Bình. Cuộc lật đổ ngoạn mục này thành công giúp Tư Mã Ý nắm đại quyền trong triều, biến hoàng đế nhà Tào Ngụy chỉ còn trên danh nghĩa.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bí mật trau dồi quyền lực và những bước đi quan trọng của Tư Mã Ý sau thời gian dài phục vụ 3 đời nhà họ Tào cũng chính là nền tảng quan trọng để cho con cháu sau này thống nhất Tam Quốc và lập nên nhà Tấn.
Dù đã được Quách Gia cảnh báo trước, đồng thời cũng đã có sự đề phòng, nhưng Tào Tháo có lẽ không ngờ hậu quả lại không thể cứu vãn nổi. Đây có lẽ là "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Quả thật là đáng tiếc!
Quách Gia (170 - 207), tự Phụng Hiếu, là một mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo trong những năm cuối của nhà Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc. Trong 11 năm phục vụ Tào Tháo, Quách Gia đã giúp vị quân chủ này thắng nhiều trận, từng bước xây dựng sự nghiệp vững chắc. Chính vì vậy, Tào Tháo sau này luôn nuối tiếc một điều, đó là Quách Gia sớm qua đời.