Người thầy nhân hậu
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT, chủ biên, tác giả biên soạn sách giáo khoa chia sẻ, ông không có may mắn được học PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá trực tiếp.
Khi ông ra Hà Nội, thầy Tá đã vào Nam. Thành ra ban đầu chỉ là đọc những gì thầy Tá viết, nghe lại những gì người ta kể và nhắc về thầy. Nhưng rồi về sau, ông cũng được gặp gỡ và trực tiếp chuyện trò, trao đổi, luận bàn, và cũng được thầy Tá coi là thân thiết. Dù sống xa cách hai đầu đất nước nên không được thường xuyên gặp gỡ, tuy nhiên, vẫn đủ đọng lại trong ông một ấn tượng rất sâu đậm về thầy Trần Hữu Tá – một người thầy có tấm lòng nhân hậu.
|
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá. Ảnh: NVCC. |
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho hay, chất nhân hậu của thầy Tá trước hết toát ra từ giọng nói, dáng đi, từ cung cách ứng xử thường nhật với mọi người. Tuy không gần gũi bên thầy hằng ngày nhưng ông luôn nghĩ chắc chẳng bao giờ ông lớn tiếng, đập bàn đá nghế, “phùng mang trợn mắt”, “đỏ mặt tía tai”, quát tháo om sòm…
“Với tôi, hình ảnh thầy Trần Hữu Tá luôn là một mặt hồ phẳng lặng, êm đềm, mềm mại và sâu thẳm bao dung; một con người thanh nhã, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn; ăn cũng thế mà nói cũng thế. Tôi cứ nghĩ, con người ấy, ngay cả lúc nóng giận nhất, quyết liệt nhất vẫn chỉ tung ra những âm sắc của nhã nhạc chứ không xủng xoảng gươm đao. Giọng miền Bắc êm nhẹ, lại dí dỏm hay dùng nhã ngữ nên cách nói của ông rất truyền cảm, thấm thía”, ông Thống chia sẻ.
|
Từ trái qua: PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá, GS Nguyễn Đăng Mạnh, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: NVCC. |
Cũng theo ông Thống, ít khi thấy thầy Tá vội vã, tất bật. Cứ để ý cách pha trà tiếp khách là có thể hình dung ra nhịp sống của thầy Tá. Không cầu kỳ, hoa lá nhưng cũng đủ cẩn trọng, rất “chuyên nghiệp”và đúng cách. Cùng với nụ cười hồn hậu, cái bắt tay của thầy bao giờ cũng chặt và nồng ấm, luôn mang lại cho người giao tiếp một cảm giác tin cậy, chân thành.
Chất nhân hậu còn thể hiện ở cách nghĩ, cách viết của thầy Tá. Nghĩ và nói về ai, thầy Tá thường nhìn và nêu lên cái hay, cái tốt; nói và viết về cái tốt cái hay của họ. Trong nhiều lần tiếp xúc, chuyện trò, bàn luận thường chỉ thấy thầy Tá ngợi ca bạn bè, học trò; ít khi thấy chê bai người khác.
Cực chẳng đã ông mới nói về bọn côn đồ, lưu manh cả trong cuộc sống và văn chương học thuật bằng một giọng giễu nhại, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay.
“Năm tháng qua đi, tài năng thì “vô cùng, vô lượng”, “thiên hạ nhân, thiên hạ tài”, tri thức thì hôm nay mới ngày mai đã cũ. Với mỗi con người, nhất là người làm nghề dạy học, cái còn đọng lại trong các thế hệ học trò phải chăng là tấm lòng, đức độ, là nhân cách? Và vì thế làm sao có thể quên được một con người có tấm lòng nhân hậu như thầy Trần Hữu Tá?”, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống bày tỏ.
Những giờ học lôi cuốn, hấp dẫn
PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, bà may mắn được học thầy Trần Hữu Tá một học kì của năm học thứ tư, phần "Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8". Và sau đó, khi học cao học, lại được phân công làm luận văn với thầy.
Một trong những điểm khiến bà thấy “nể phục” ở thầy Tá là biết biến những giờ học tưởng như “khô khan” thành “sống động”, “hóm hỉnh”.
Trong ký ức của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thầy Tá thường tạo không khí lôi cuốn ngay từ cách vào bài, rồi dẫn dắt vấn đề theo hướng gợi mở. Thầy Tá chưa bao giờ hùng biện. Bằng chất giọng trầm, hơi nhanh, ngôn từ sắc và rất hóm hỉnh, thầy kể cho học trò nghe vô số chuyện "bếp núc văn chương", chuyện cá tính và đời tư của các nhà văn, chuyện tác phẩm và "thời tiết" chính trị...
“Chúng tôi hào hứng theo lời thầy, quên cả cơn đói đang giày vò, đến khi thầy bất ngờ đặt câu hỏi, đại loại: "Anh/chị thấy gì qua việc Nam Cao đưa bản thảo cho chú giao liên người Mán đọc trước?”, hay :”Anh/ chị đoán xem vì sao Nguyễn Đình Thi đánh giá cao ý kiến chị cấp dưỡng về đoạn đối thoại trong một chương của cuốn tiểu thuyết "Xung kích" mà ông đang viết?”, hoặc là: ”Cảnh ngộ riêng của Nguyễn Thi có để lại dấu ấn gì trong thế giới nhân vật mà ông sáng tạo không?"…
Khi ấy chúng tôi mới ồ lên trước điều vừa thu hoạch được. Hoá ra những khái niệm lý luận khô khan như"hoàn cảnh lớn", "hoàn cảnh nhỏ", phương pháp phê bình tiểu sử học, xã hội học... qua các câu chuyện hóm hỉnh, sống động của thầy lại đến với chúng tôi dễ dàng như vậy”, PGS.TS Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Bình chia sẻ, cho đến giờ, bà cứ nghĩ, có lẽ khi đó thầy Tá đã muốn học trò nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của đời sống văn học nên thầy mới chia sẻ những chuyện bên lề như vậy.
Một ấn tượng nữa về con người thầy Tá, theo bà Bình, đó là thái độ làm nghề rất nghiêm túc. Thầy Tá luôn dặn học trò, muốn làm nghiên cứu phải rất công phu trong khâu sưu tầm tư liệu.
Trở về từ những chuyến đi thỉnh giảng miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, thầy Tá mang theo khá nhiều sách của các tác giả mà học trò chưa bao giờ nghe tên. Thầy bảo: "mua ở vỉa hè Huế, Sài Gòn, những nơi bán đồ cũ... Phải cố chi chút ngân sách eo hẹp để mua kẻo không sẽ bị thất tán hết, lấy gì mà nghiên cứu, tiếc lắm”.
Và khi đọc những bài thầy Tá viết, nghe thầy giảng, bà Bình hiểu sức mạnh của người làm chủ tư liệu.
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên. PGS. Tá từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào miền Nam công tác.
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá có nhiều năm trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kinh qua nhiều chức vụ, trong đó có Trưởng Khoa Ngữ Văn. Ngoài ra, ông còn là hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM.
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá còn là chủ biên sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 của những chương trình phổ thông trước đây.
PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá qua đời vào tối ngày 27/11, thọ 86 tuổi. Nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp đã bày tỏ sự đau buồn, thương tiếc trước sự ra đi của một người thầy kính yêu.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.