Marie-Antoinette (1755 - 1793) là hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng trước giai đoạn cách mạng dân chủ Pháp vào thế kỷ 18. Cuộc đời của vị hoàng hậu được mệnh danh là hoang phí và phóng đãng bậc nhất nước Pháp này hiện tại vẫn gây tranh cãi cho nhiều học giả, với nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Xuất thân cao quý, được Mozart xin cưới vì quá xinh đẹp
Xuất thân trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc với cha là vua của nước Đức còn mẹ là Công tước nước Áo, đồng thời cũng là Nữ hoàng nước Hung và Bohmen, Marie Antoinette nghiễm nhiên mang trong mình vô vàn tước hiệu cao quý như nữ Công tước Áo, Công chúa đế triều, Công chúa vương triều của Hung và Bohmen.
Tranh vẽ Marie Antoinette vào năm 13 tuổi.
Bởi xuất thân hiển hách như vậy cho nên ngay từ khi còn bé, Marie đã được đào tạo bài bản để trở thành một nữ quý tộc với lối ăn mặc luôn luôn là váy phồng cao cấp, mái tóc được búi cao chỉn chu, trên người lúc nào cũng được trang hoàng bằng hàng trăm loại trang sức đắt tiền. Ngoài ra, Công chúa nhỏ Marie còn được giáo dục kỹ lưỡng với các môn học nhảy múa, diễn kịch, lịch sử, hội họa, đọc và viết, kiến thức chính trị, toán học và ngoại ngữ.
Thừa hưởng những gì tinh túy nhất về khía cạnh sắc vóc từ mẹ, Marie sở hữu nhan sắc “chim sa cá lặn” từ ngày còn bé. Cô sở hữu đôi mắt to, trong xanh, chiếc mũi nhỏ, xinh xắn, đôi môi đỏ rực, tóc màu bạch kim và đôi má lúc nào cũng hây hây hồng khiến bao nhiêu nam thanh niên cùng thời điên đảo, trong đó, nổi tiếng nhất còn có thần đồng âm nhạc Mozart.
Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1762, khi cả hai còn là những đứa trẻ, lời đồn về tài năng thiên bẩm giúp Mozart mới 6 tuổi được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo đã vang khắp châu Âu.
Buổi trình diễn của cậu bé đã khiến toàn thể người dự khán kinh ngạc và nhiệt liệt tán thưởng. Khi được Nữ hoàng hỏi muốn nhận được phần thưởng gì sau buổi biểu diễn, cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới Công chúa Marie Antoinette làm vợ.
(Ảnh minh họa)
Quá đỗi bất ngờ và không thể nén cười trước lời thỉnh cầu độc đáo của cậu bé nhạc sĩ thiên tài, Nữ hoàng đành khất: "Ta sẽ xét lại lời thỉnh cầu này khi ngươi đã đủ tuổi trưởng thành" nhưng trong thâm tâm, bà rất tự hào vì dung nhan cô công chúa nhỏ của bà đã trở thành niềm ngưỡng mộ rộng khắp trong nhân gian.
Sau này Mozart thường kể lại về hồi ức của mình với trang giai nhân chỉ lớn hơn mình một tuổi và không thể tin được rằng trong tương lai, đó sẽ là một bà hoàng để lại nhiều tai tiếng.
Cuộc hôn nhân chính trị và những ngày tháng hưởng lạc bất tận
Trong lịch sử hôn nhân chính trị châu Âu, các con của nữ hoàng nước Áo đều phải kết hôn với các vương triều khác, hoàng hậu Maria-Theresia cương quyết nối kết hai dòng vua Bourbon (Pháp) và Habsburger (Áo) với nhau bằng hôn phối giữa con gái bà là công chúa Marie-Antoinette và hoàng thái tử Pháp.
Năm 1770, Marie Antoinette chính thức thành hôn, trở thành Thái Tử Phi khi mới 14 tuổi. Cuộc đời nàng lên tới đỉnh cao của danh vọng khi nhà vua qua đời và chồng nàng trở thành Vua Louis XVI vào năm 1774. Marie Antoinette, lúc này chưa đầy 20 tuổi đã chính thức lên ngôi Hoàng hậu nước Pháp.
(Ảnh minh họa)
Lên ngôi Hoàng hậu vào cái tuổi còn quá trẻ, dường như Marie vẫn chưa quen với những lễ nghi rườm rà và những quy tắc nghiêm khắc. Vì thế Hoàng hậu Marie thường xuyên cảm thấy chán nản.
Chưa kể, việc cả triều thần ai ai cũng lén dòm ngó nhan sắc của nàng, trong khi người chồng Hoàng đế Louis XVI thì dửng dưng, bỏ mặc nàng để lao vào những thú vui như săn bắn, sưu tầm đồ quý đã khiến Marie như một con chim buồn bã sống trong lồng, không hề có tự do và tình yêu.
Để bù đắp cho sự lạnh nhạt của chồng, Marie Antoinette bắt đầu dành nhiều thì giờ hơn cho việc mua sắm trang phục, chơi bài và cá cược đua ngựa, cũng như những chuyến đi vào thành phố cùng trang phục luôn thay đổi với giày, sáp thơm bôi tóc, và phấn hồng.
Chưa dừng lại ở đó, hoàng hậu còn phung phí tiền bạc và không tiếc bạn bè mình các chức vụ trong triều, bỏ qua tất cả những quy định của hoàng gia Pháp. Marie Antoinette đắm chìm trong những thú vui của Paris, đánh bạc, nhà hát và những cuộc rong chơi thâu đêm ngoài đường phố, trang hoàng cung điện bằng những khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân sách trong khi tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ.
Tranh vẽ Marie Antoinette trong trang phục vải muslin (1783).
Đám bạn bè và những trò giải trí ngông cuồng của hoàng hậu trở thành sự lãng phí khủng khiếp như chuyện Hoàng hậu có sở thích ngâm mình trong bồn tắm đổ đầy rượu champagne thượng hạng hay chuyện cung điện Petit Trianon được xây theo lệnh hoàng hậu bên cạnh cung điện Versailles.
Người dân Pháp càng ngày càng nảy sinh mối ác cảm nặng nề cùng những cáo buộc về cuộc sống xa hoa, phóng đãng của hoàng hậu. Họ cho rằng Marie Antoinette có thiện cảm với những kẻ thù của Pháp, lấy tiền của ngân khố gửi về quê hương, âm mưu giết công tước Orléans và liên quan đến nhiều vụ án khác trong đó có vụ án "Chuỗi kim cương".
Mặc dù đây chỉ là một vụ lừa đảo và Marie Antoinette hoàn toàn vô tội nhưng bà vẫn bị gán cho biệt danh "Phu nhân Chúa Chổm". Và vụ án này cũng chính là nguyên mẫu cho bộ tiểu thuyết trứ danh "Ba chàng lính ngự lâm" của đại văn hào Alexander Dumas.
(Ảnh minh họa)
Vụ án “tai bay vạ gió” nức tiếng bốn phương
Vụ án bắt đầu bằng việc Hồng y Rohan - một chức sắc khá lớn trong triều đình Pháp thời bấy giờ muốn lấy lòng hoàng hậu Antoinette để được trọng dụng. Vì vậy, Hồng y Rohan luôn tìm mọi cách để được hoàng hậu Pháp biết đến mình. Trong số này có việc Hồng y Rohan có ý định đem tặng hoàng hậu Antoinette sợi dây chuyền 2.800 carat. Do vậy ông đã mua chịu món đồ trang sức quý giá này từ các thợ kim hoàn.
Biết được ý định của Hồng y Rohan, Jeanne de La Motte - người phụ nữ chuyên đi lừa đảo cùng chồng và tên người hầu dựng lên màn kịch hoàn hảo nhằm đánh lừa nhân vật "máu mặt" này.
Theo đó, nhằm chiếm lấy sợi dây chuyền 2.800 carat của Hồng y Rohan, La Motte cố gắng tiếp cận ông khi nói rằng mình là người được hoàng hậu tin tưởng. La Motte hứa đem sợi dây chuyền quý giá trên tặng cho hoàng hậu Antoinette và không quên nói rằng người tặng chính là Hồng y Rohan.
(Ảnh minh họa)
Hồng y Rohan nhẹ dạ cả tin đã giao sợi dây chuyền cho La Motte mà không hay biết bản thân bị lừa. Khi có trong tay sợi dây chuyền, nhóm của nữ quái La Motte đã tháo hết kim cương ra rồi đem bán ở London.
Kế đến, chúng gắn kim cương giả vào. Về sau, phi vụ lừa đảo này bị phát giác. Nhóm của nữ quái La Motte bị bắt giữ và kết tội. Mặc dù hoàng hậu Antoinette không hề hay biết về vụ lừa đảo trên nhưng thanh danh của bà bị "vấy bẩn".
Bị quy kết loạt tội danh và kết cục bi thảm
Tháng 7/1789, Cách mạng Pháp bùng nổ và giành thắng lợi. Ngày 21/1/1793, Louis bị hành quyết. Ngày 14/10/1793, Marie Antoinette bị đem ra xét xử trước Tòa án Cách mạng. Trong số những cáo buộc (hầu hết xuất phát từ những tin đồn) có tội tổ chức những cuộc truy hoan ở Versailles, lấy từ ngân khố hàng triệu livre để gửi sang Áo, âm mưu giết Công tước Orléans, loạn luân với con trai, tuyên bố con trai là vua nước Pháp và tổ chức cuộc tàn sát đội Vệ binh Thụy Sĩ năm 1792.
Sáng sớm ngày 16/10/1793, bà bị kết án phản quốc, bị cắt tóc, diễu qua khắp các con đường ở Paris trên một chiếc xe kéo và bị chém đầu tại Quảng trường Cách mạng khi đang ở tuổi 37.
Hành quyết Marie Antoinette, 16 tháng 10 năm 1793.
Khi còn sống cũng như sau khi qua đời, Marie Antoinette thường được công luận chú ý và được xem là một nhân vật lịch sử quan trọng. Bà là đối tượng của nhiều cuốn sách, điện ảnh, và các phương tiện truyền thông.
Một số học giả quan tâm đến bản tính phù phiếm, nông nổi của bà, xem bà là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng Pháp, trong khi những học giả khác tin rằng bà đã bị đối xử bất công, vì vậy họ dành cho người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh này một cái nhìn thiện cảm hơn.