Vị hoàng hậu phẩm hạnh xuất chúng
Hoàng hậu – “mẫu nhi thiên hạ” vốn là một tôn hiệu cao quý, đại diện cho thể diện hoàng tộc. Vậy nên, các bậc đến vương luôn lựa chọn một mỹ nữ tuyệt sắc thiên hương đảm nhiệm ngôi vị này. Thế nhưng, Tiền hoàng hậu (1426 – 1468) là ngoại lệ. Bà là người phụ nữ mà hoàng đế Minh Anh Tông yêu thương nhất.
Năm Chính Thống thứ 7 (1442), Tiền thị thông qua tuyển tú nhập cung, được chọn làm hoàng hậu nhờ nhân phẩm xuất chúng. Khi đó Anh Tông 15 tuổi, còn Tiền thị 16 tuổi. Hai người sống hạnh phúc bên nhau, tương thân tương ái.
|
Ảnh minh họa. |
Sau khi thành thân, Anh Tông ngỏ ý muốn phong hầu cho gia đình Tiền hoàng hậu, nhưng bà nhất mực từ chối. Ban đầu, Vua nghĩ Hoàng hậu chỉ tỏ ra khách khí vậy thôi, nên sau này vài lần có nhắc lại, song bà vẫn cương nghị như một. Lúc này, Anh Tông mới hiểu Tiền thị vốn không hề khách khí, nên càng thêm phần kính trọng bà.
Thế nhưng, đáng buồn thay Hoàng hậu không thể sinh con trai. Đức vua ngày đêm mong ngóng, không phải vì muốn có quý tử, mà sợ các phi tần khác ỉ thế sẽ hà hiếp, làm khó dễ bà.
Trở nên mù lòa và tàn phế giữa tuyết lạnh
Đến thời Minh Anh Tông, quân đội nhà Minh trở nên suy yếu. Trong khi đó, quân Mông Cổ mạnh như vũ bão, luôn lăm le bờ cõi quốc gia.
Minh Anh Tông quyết định thân chinh cầm quân ra trận, mặc cho sự can ngăn của các đại thần trong triều. Thế nhưng vì tin nhầm nịnh thần, nên binh lính bị thiệt hại nặng nề, thậm chí Minh Tông còn bị giặc bắt.
Nhận được hung tin chồng bị bắt làm tù binh, anh trai Tiền Khâm và em trai Tiền Chung tử trận, Tiền hoàng hậu đau đớn đến độ chỉ muốn chết đi. Ngày đêm, dù lạnh tới nỗi cắt da cắt thịt, bà vẫn băng qua trăm dặm, dập đầu phù hộ trước Thần Phật, hy vọng phu quân bình an trở về. Sức khỏe của Hoàng hậu ngày càng suy giảm. Cuối cùng, bà bị mù một bên mắt, còn đôi chân tật nguyền vĩnh viễn.
Tấm lòng thơm thảo cảm động trời xanh
Trong thời gian Vua Anh Tông bị bắt, Tôn thái hậu gấp gáp lập em trai của Minh Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc lên ngôi. Tuy đã có hoàng đế mới, nhưng một số đại thần vẫn không ngừng nỗ lực giải cứu Anh Tông. Cuối cùng sau nhiều năm, họ cũng cứu được đức vua trở về. Gặp lại Tiền thị, nhà vua không khỏi xót xa. Bà giờ đã tàn phế, dung mạo tiều tụy, nhưng tấm chân tình của bà vô cùng đáng quý.
Bảy năm sau, Cảnh Đế đột nhiên mắc bệnh nặng qua đời. Ngày 17 tháng Giêng năm Cảnh Thái thứ 8, vua Anh Tông lần nữa lại lên làm hoàng đế. Ngài lập Chu Kiến Thâm làm thái tử. Mẹ ruột của thái tử là Chu thị một lòng sốt sắng muốn làm hoàng hậu. Nhìn thấu được dã tâm của Chu thị, Anh Tông vẫn kiên quyết giữ Tiền thị làm Hoàng hậu.
Năm 38 tuổi, vua Anh Tông băng hà. Lo lắng cho cuộc sống của Tiền thị sau này, ngài đã để lại di chiếu: Ngày kia hoàng hậu Tiền thị hết thọ mệnh, sẽ được an táng chung với trẫm. Thế nhưng, bốn năm sau, Tiền thái hậu qua đời, Chu thái hậu làm trái di mệnh, kiên quyết không để cho Tiền thái hậu được an táng chung với Anh Tông.
Kết quả toàn triều khóc lóc ngoài cửa thành một ngày trời. Hoàng đế thấy không thể làm khác được, đành phải chấp thuận. Tháng 9 năm đó, Tiền Thái hậu được hợp táng cùng Anh Tông Duệ hoàng đế.