Trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, sử sách ghi lại khoảng 30 vụ, việc tham nhũng bị phát hiện và xử lý. Nhiều vụ án kẻ phạm tội tham nhũng bị bãi hết chức tước, đuổi về làm dân như trường hợp Nội mật viện Lê Cảnh Xước năm Đinh Tỵ (1437), hoặc bị xử tử như Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm năm Ất Mão (1435).
Nhiều trường hợp quan lại hèn kém bị cách chức, bãi chức nhờ khảo khóa. Năm Mậu Tuất (1478), qua khảo khóa mà một số viên quan thiếu năng lực như Nguyễn Trí Nghiêu, Đỗ Hữu Trực, Đỗ Công Thích hoặc bị đổi sang nơi ít việc, hoặc bị hưu trí sớm.
Trong chính sách tuyển chọn quan lại của nhà Lê sơ, ngoài quy định chọn nhân tài qua thi cử, giúp lựa chọn được đội ngũ quan lại có thực tài phục vụ quốc gia. Nhà nước còn thực hiện lệ tiến cử và lệ bảo cử. Hai biện pháp này là những biện pháp thức thời ở thời Lê sơ để chọn người tài làm quan không qua thi cử, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đem tài năng giúp nước.
Tiêu chí tiến cử, bảo cử phải chọn người có phẩm hạnh, lại được đảm bảo qua tờ "bảo kết" của xã trưởng nơi bản quán, cùng tài năng đã được bảo đảm từ người đứng ra tiến cử, bảo cử, thêm quy định trách nhiệm liên đới về sau. Nhìn chung, đó là quy chế có phần chặt chẽ. Bởi thế, những người có tài năng, phẩm hạnh thực sự như trường hợp Dương Trực Nguyên (1468 - 1509) thời vua Lê Hiến Tông không ngừng được cất nhắc chức vụ từ bảo cử là một minh chứng sống động.
Đội ngũ quan lại vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có tư cách đạo đức tốt được lựa chọn, trọng dụng càng nhiều, thì cũng theo đó những kẻ ăn hại bổng lộc triều đình, đục khoét của cải nhân dân sẽ giảm đi. Hiệu quả trị nước theo đó mà tăng lên.
Nhà Lê sơ cũng đã thực hiện chính sách nêu gương, khen thưởng, khuyến khích người liêm khiết, trong sạch và chính sách khen thưởng, khuyến khích cá nhân, tổ chức chống, vạch tội tham nhũng và răn đe, trừng phạt kẻ phạm tội tham nhũng.
Những biện pháp này đều đạt được hiệu quả ở mức độ nhất định. Nhiều tấm gương liêm khiết, trong sạch được tôn vinh như Vũ Tụ, Ngô Tuấn Kiệt. Nhiều cá nhân được khen thưởng vì vạch tội tham ô, hối lộ, tiêu biểu như Bùi Cầm Hổ, Lê Cảnh Huy.
Vấn đề đãi ngộ đối với đội ngũ quan lại cũng được quan tâm. Nhà Lê sơ đã thực hiện chế độ đãi ngộ rất trọng hậu dành cho họ. Những chính sách đãi ngộ về bổng lộc, điền lộc, tuế lộc, tiền dưỡng liêm… đã tạo điều kiện cho đời sống quan viên được ổn định, chuyên tâm tới công việc chuyên môn, giữ đạo đức nơi công đường.
Dù nạn tham nhũng vẫn hiện diện trong thời Lê sơ, chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục… triều đại này đã đạt được. Thế nên, không phải ngẫu nhiên ca dao, nơi phản ánh một phần tình cảm, tư tưởng của nhân dân đã có câu ngợi ca về thời Lê sơ:
"Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,
Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn".
Trong những nguyên nhân giúp cho nhà Lê sơ, tính đến hết thời vua Lê Túc Tông (Giáp Tý - 1504) có được sự thịnh trị về hầu khắp mọi mặt, ngoài những cải cách về quan chế, hành chính thời Lê Thánh Tông, những chính sách quân điền trong nông nghiệp, sự tôn sùng Nho giáo trong tư tưởng… thì những biện pháp mang tính kết hợp trong phòng, chống và xử lý tham nhũng có hiệu quả, đóng vai trò to lớn ổn định chốn quan trường và lòng dân.
Cũng phải thấy một thực tế khách quan là bên cạnh vai trò, tác dụng là mặt chủ yếu, thì các biện pháp trên vẫn còn những hạn chế khách quan và chủ quan. Như các quan thuộc Ngự sử đài đa phần làm tốt nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn có một vài cá nhân không giữ được sự cứng cỏi cần thiết, e sợ cường quyền.
Thế nên mới có chuyện Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm biết Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ mà không tố cáo; Ngự sử Đồng Hanh Phát ban ngày hặc tội Thái úy Lê Thụ nhận quá nhiều quà cưới của các địa phương nhưng ban đêm thì đem lễ vật đến xin lỗi. Hoặc lệ tiến cử người tài đức nhưng vẫn tạo điều kiện cho nhiều viên quan vì thân thích, đút lót mà được bước chân vào quan trường hay ngồi ở vị trí không xứng đáng…
Nhưng xét toàn diện, các biện pháp trên nhìn chung đều đã được thực hiện tốt, đặc biệt là từ thời vua Lê Túc Tông trở về trước. Các vua về sau của nhà Lê sơ như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực… các biện pháp phòng, chống, xử lý tham nhũng không được thực hiện quyết liệt, nên hiệu quả chống tham nhũng thấp, nạn hối lộ, tham nhũng trở nên công khai, là một trong những nguyên nhân làm cho nhà Lê ngày càng suy yếu và mất ngôi.