Lê Ngân sinh năm nào chưa rõ, mất năm 1437. Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, ông là người thuộc xã Đàm Di, huyện Lam Sơn, Thanh Hóa.
Từng theo Lê Lợi ngay từ những ngày đầu của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Ngân lập nhiều chiến công. Tên tuổi ông gắn liền chiến thắng Bồ Đằng, Khả Lưu, Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Việt, Đông Đô…
Nhờ có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa, đến năm 1429, khi Lê Lợi định công ban thưởng và khắc biển ghi tên các bậc khai quốc công thần, ông được xếp hàng thứ tư, tước Á thượng hầu (tước này chỉ ban cho Lê Ngân).
|
Danh tướng Lê Ngân và kết cục bi thảm. Tranh minh họa: Báo Bình Phước. |
Đến năm 1434, Lê Ngân được phong hàm tư khấu, chức Đô tổng quản Hành quân Bắc Đạo, cùng Đại tư đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính cho vua Lê Thái Tông.
Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được phong là Tể tướng, rồi nhập nội Đại đô đốc, Phiêu kỵ thượng tướng quân, Đặc tiến Khai phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng trụ quốc, tước Thượng hầu.
Con gái của ông là Lê Nhật Lệ cũng được sắc phong Huệ phi của vua Lê Thái Tông. Xét về thứ bậc gia đình, ông là bố vợ của vua.
Tuy nhiên, đang ở đỉnh cao quyền lực, ông gặp họa lớn. Tháng 11.1437, ông bị thất sủng và sau đó bị bức tử bởi lời cáo giác của những người trong nhà.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “mùa đông tháng 12 năm Đinh Tỵ (1437), có người tố giác nhà Lê Ngân thường thờ phật Quan âm cốt để cầu cho con gái được vua yêu hơn. Nhà vua ra cửa Đông kinh thành, sai thái giám Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến nhà Lê Ngân lục soát, bắt được tượng và nhiều thứ vàng bạc, vải lụa. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ để tạ tội".
Cũng theo sách này, vua sai bắt nô tì nhà Lê Ngân tra hỏi. Ông tâu rằng thầy bói phán đất làm nhà trước đây có bàn thờ phật, vì để ô uế, tai họa khó tránh khỏi. Bởi thế, ông lập bàn thờ để cúng bái chứ không phải dùng tà cầu cho con gái được vua yêu hơn.
Ông cho rằng hai vợ lẽ và một gia nô cùng nhau thêu dệt, dựng chuyện báo hại mình.
"Xưa, tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn có lòng bao dung, thương mến. Nay, gân sức của thần đã kiệt, xin cho thần được về quê sống nốt chút tuổi tàn còn lại", Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lời tâu của ông.
Bất chấp mọi lời van xin, vua Lê Thái Tông vẫn không đổi ý, giao Lê Ngân cho hình quan xét xử. Cuối cùng, ông bị ép uống thuốc độc tự tử ở nhà vào cuối tháng 12 năm 1437 (có nguồn ghi ông buộc phải thắt cổ tự vẫn), con gái Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung (thấp nhất trong hàng ngũ vợ vua), tất cả gia sản bị tịch thu.
Phải tới 16 năm sau, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng. Đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công.
Lịch sử phong kiến Việt Nam có không ít vụ án lớn từng xảy ra nhưng có lẽ cái chết của dũng tướng Lê Ngân là lạ lùng nhất.
Trong lịch sử dân tộc, triều Lê Sơ lập nên những chiến công hiển hách với đỉnh cao là thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại độc lập cho dân tộc. Nhưng đáng tiếc về sau, nhiều công thần từng tham gia khởi nghĩa cùng gia đình của họ phải chịu những bản án đầy bi thương như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo…
Nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của đại công thần Lê Ngân đến nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do nào, đó cũng là kết cục đáng tiếc, như Đại Việt thông sử đã chép rằng “ông là bậc công thần mở nước, chết không đáng tội”.