Nhà Hậu Lê được chia làm hai giai thoại là Lê sơ (1428 -1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Triều Lê sơ được thành lập trên cơ sở thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược (tính từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ngày 07.02.1418 đến ngày 29.4.1428 khi ông lên ngôi hoàng đế). Đây là triều đại từ tay trắng dựng lên nghiệp lớn, “mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông” (Chí Linh sơn phú).
Nếu như dưới triều các vua Lê Thái Tổ (1428 – 1433), Lê Thái Tông (1433-1442), Lê Nhân Tông (1442-1459) và đặc biệt là thời kỳ trị vì của Lê Thánh Tông (1460-1497) nước Đại Việt đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực để lại những dấu ấn không thể phủ nhận thì đến thời vua Lê Uy Mục (1505 - 1509), Lê Tương Dực (1510 – 1516) trở về sau triều chính đi xuống, rường mối ngả nghiêng, gian thần chuyên quyền, xã hội rối động, loạn lạc nổi lên khắp nơi.
|
Cảnh thái bình thịnh trị đầu thời Lê sơ. Hình minh họa. Nguồn: truyentranhxua. |
Triều Lê sơ tồn tại 99 năm (1428-1527) với 11 vua và là triều đại có nhiều vua lên ngôi sớm nhất khi có 3 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống là: Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Nhân Tông (01 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi); trong số đó vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là Lê Nhân Tông. Cũng vì có nhiều biến cố nên triều Lê sơ là triều đại có nhiều vua bị giết nhất, đó là 9 vua: Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng.
Chính sử chép rằng Lê Uy Mục “thích uống rượu, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Qủy vương” (Đại Việt sử ký toàn thư). Còn Lê Tương Dực thì “giam dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ; hình phạt, thuế khóa nặng nề, giết hết các thân vương, giặc cướp nổi dậy khắp nơi, đương thời gọi là Vua Lợn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong giai đoạn có nhiều biến động ấy, một số nhân vật là hoàng thân triều Lê sơ được đưa lên ngôi một cách đầy “bất ngờ” và ở một góc độ nào đó, họ chỉ là những quân cờ trong tay các thế lực quân phiệt đang tranh giành quyền bính.
Người đầu tiên được nhắc đến là Lê Tòng (còn gọi là Tùng) có tước phong là Hoa Khê Vương, ông được tôn làm vua trong lúc rối loạn tại triều đình nhà Lê sơ. Cuối tháng 4 năm Canh Ngọ (1510) hoạn quan làm loạn, vua Lê Tương Dực chạy ra bên ngoài, quân nổi dậy đi đón Lê Tòng đưa lên làm vua, chưa đầy một ngày thì Lê Tương Dực kéo quân về chiếm lại được Thăng Long; không rõ số phận Lê Tòng sau đó ra sao.
Sự kiện này được sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, đêm canh ba, hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, ép vua đến cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. ... Ban đêm có nội thần Nguyễn Lĩnh đón vua ngự đến đầm sen. Bọn phản nghịch lẻn ra ngoài, đem kiệu ngự đi đón Hoa Khê Vương Tòng lập làm nguỵ chúa. Vua sai bọn Thọ quận công Trịnh Hựu đi đánh đuổi đến phường Đông Hà, bọn phản nghịch bị giết quá nửa, số còn lại vượt sông qua Bồ Đề trốn vào núi Tam Đảo. Hựu sai tỳ tướng đuổi đánh”.
Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết tương tự: “Nhà vua mới lên ngôi, lòng người chưa ổn định. nguyễn Khắc Hài, thái giám trong cung, ngầm có chí bạn nghịch. Một đêm, vào trống canh hai, nhà vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đi chơi các điện Vạn Thọ, Kính Thiên và Cẩn Đức cùng bầy tôi theo hầu làm thơ xướng họa. Sau, Nguyễn Lĩnh, bầy tôi trong điện, lại rước nhà vua đến chơi ao sen. Lúc ấy bọn Khắc Hài ở trong cung lẻn ra, rước Hoa Khê vương tên là Tùng lập làm vua giả. Nhà vua được tin có biến động, bèn hạ lệnh cho bọn Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đánh dẹp, đuổi đến phường Đông Hà giết được Khắc Hài và quá nửa đồ đảng của hắn, những đồ đảng còn sót lại sang qua sông chạy lên núi Tam Đảo. Trịnh Hựu sai tì tướng đuổi đánh, giết hết bọn này”.
|
Đánh đuổi quân phản loạn. Hình minh họa – Nguồn: truyentranhxua. |
Nhân vật thứ hai được lập làm vua nhưng không được thừa nhận, đó là Lê Quang Trị là người trong hoàng tộc nhà Lê, con của Mục Ý vương Lê Doanh. Lúc bấy giờ trong triều đình rối loạn, các phe phái mâu thuẫn đánh lẫn nhau, ngày 7 tháng 4 năm Bính Tý (1516) Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực rồi tôn Lê Quang Trị mới 8 tuổi lên ngôi.
Sử chép: “Bấy giờ, Duy Sản đã giết vua, liền bàn mưu với người tông thất và đại thần, định lập Quang Trị, con của Mục Ý Vương nhưng Vũ Tá hầu Phùng Mại không nghe, bàn lập con trưởng của Cẩm Giang Sùng là Y. Tường quận công Phùng Dĩnh sai lực sĩ giết Mại ở Nghị sự đường trong cung cấm rồi lập Quang Trị (khi ấy 8 tuổi). Mới được 3 ngày, chưa kịp đổi niên hiệu, thì Trịnh Duy Đại đem về Tây Đô”.
Trịnh Duy Đại “cướp” được Lê Quang Trị, tưởng có thể nhân danh hoàng đế để “hiệu lệnh cho thiên hạ” nhưng không ngờ khi ấy tại Thăng Long, “Duy Sản lại cùng Lê Nghĩa Chiêu và tôn thất, đại thần những người vào hạng có công, hạng cố cựu rước Lê Y lập làm vua. Y mới 14 tuổi. Bọn Duy Sản và Chiêu Nghĩa thấy kinh thành đã bị tàn phá, bèn cùng nhau rước vua về Tây Kinh” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết:
Giềng Lê khi đã đổi dời,
Mặc tay Duy Sản đặt người chủ trương.
Đã tôn con Mục Ý vương,
Lại mưu phù lập Chiêu Hoàng cớ sao?
Thị thành vừa lúc xôn xao,
Lại đưa xa giá ruổi vào cõi Tây.
Bấy giờ tại Tây Đô (tức Tây Kinh, nay thuộc Thanh Hóa), Trịnh Duy Đại thấy “con bài” Lê Quang Trị không còn giá trị gì nữa bèn đem giết rồi lại hội quân với anh mình là Trịnh Duy Sản.
|
Lê Chiêu Tông đăng quang ngôi vị. Hình minh họa – Nguồn: truyentranhxua. |
Còn Lê Y (còn có tên khác là Lê Huệ) khi được đưa lên làm vua, đặt niên hiệu là Quang Thiệu, sử gọi là Lê Chiêu Tông. Ban đầu bị anh em Trịnh Duy Sản thao túng, sau khi những người này chết thì các quyền thần khác lại đánh lẫn nhau, vua thì kém cỏi bất lực không thể khống chế được đại cục. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về Lê Chiêu Tông như sau: “Bấy giờ trong buổi loạn lạc, quyền bính không ở trong tay mình, trong nghe lời xiểm nịnh gian trá, ngoài say mê săn bắn chim muông, ngu tối không biết gì, ương ngạnh tự phụ, đến nỗi nguy vong là đáng lắm”. Cũng trong sách này có đoạn bình: “Triều Lê, thời Quang Thiệu; giặc bên ngoài chưa yên, các quyền thần đánh lẫn nhau, giết nhau dưới cửa khuyết; vấy máu chốn kinh sư, mặt trời vàng tối, mây trời bay tan, vận nước ngày một suy đã điềm ra từ đấy”.
Tháng 7 năm Mậu Dần (1518) Lê Chiêu Tông nghe lời xàm tấu ban lệnh giết tướng Trần Chân là người lập triều công trong cuộc trấn áp cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo. Bất mãn về chuyện này, bộ hạ của Trần Chân đứng đầu là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thì hợp quân nổi loạn, đánh vào kinh đô khiến Lê Chiêu Tông phải “chạy sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm để tránh” rồi chạy đến Bảo Châu ở huyện Từ Liêm.
Thật đúng là:
Vì ai gây nỗi oan gia,
Để cho Nguyễn Kính lại ra báo thù.
Kinh sư khói lửa mịt mù,
Xe loan ra cõi Bảo Châu tị trần.
Nguyễn Sư cũng đảng nghịch thần,
Nửa năm phù lập hai lần Quốc vương.
(Trích: Đại Nam quốc sử diễn ca)
Cuộc biến động lần này dẫn tới việc hai người kế tiếp nhau được lập làm vua, đó là Lê Bảng có niên hiệu là Đại Đức một thời gian sau thì bị phế truất, Lê Do cũng là người thuộc hoàng tộc nhà Lê được đưa lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hiến.
|
Họp bàn chọn người để lập làm vua. Hình minh họa – Nguồn: truyentranhxua. |
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết trong khi Lê Chiêu Tông đang phiêu dạt ở bên ngoài thì “Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư cùng với các tướng ở Sơn Tây cùng mưu lập người con của Tĩnh Tu công Lộc tên là Bảng làm vua, đổi niên hiệu là Đại Đức (Bảng là cháu bốn đời của Cung Vương Xương). Được nửa năm lại phế Bảng và lập Lê Do, đổi niên hiệu là Thiên Hiến (có thuyết nói rằng Do là em cùng mẹ với Bảng, cha là dân thường, chưa rõ tên là gì). Làm hành diện ở xã Do Nha, huyện Từ Liêm, lấy người thôn quê, chia đặt quan thuộc văn võ tiến triều”.
Tháng giêng năm Kỷ Mão (1519) Lê Chiêu Tông tập hợp quân ở Bồ Đề rồi sai tướng tấn công, đánh đuổi được bọn Trịnh Tuy, quân phản loạn thua trận tháo chạy đem theo Lê Do rút quân về Yên Lãng, Yên Lạc (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ), không lâu sau lại kéo về lập đồn lũy ở Từ Liêm. Tháng 7 cùng năm, quân triều đình bắt được Lê Do và một số thuộc hạ ở Ninh Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai, Nội) rồi dẫn giải về kinh.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Mùa thu, tháng 7, mưa to. Sai Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thuỷ bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Bọn Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn, quan quân bắt được, giải về đem đi rao. Trong khi bị giải đi rao, Sư có bài thơ rằng:
Bản dục hưng Chu cứu vạn dân,
Thuỳ tri thiên ý bất tùy nhân.
Ô Giang thuỷ khoát nam đông độ,
Xích Bích phong cao dị bắc phần.
Vân ám Ninh Sơn long khứ viễn,
Nguyệt minh phúc địa hạc lai tần.
Anh hùng thành bạn cổ lai hữu,
Đãn hận binh sinh chí vị thân.
(Những toan phục nước cứu muôn dân,
Trời chẳng chiều người cũng khó phần.
Sông rộng, Giang Đông khôn trở gót,
Gió to, Xích Bích dễ thiêu quân.
Ninh Sơn mây ám rồng xa khuất,
Phúc địa trăng soi hạc tới gần.
Anh hùng thành bại xưa nay vậy,
Chí đời chưa thoả hận vô ngần)”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi rằng: “Tháng 7, mùa thu. Nhà vua hạ lệnh cho Mạc Đăng Dung đánh bọn Lê Do và Nguyễn Sư, bắt được đem giết đi.
Đăng Dung đốc suất các quân thủy, quân bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, nhân gặp mưa to, Đăng Dung cho khơi nước vào trại quân của Do. Do cùng bọn Nguyễn Sư, Nguyễn Áng chạy đến Ninh Sơn, quan quân bắt được đem giết đi. Trịnh Tuy chạy vào Thanh Hoa; bọn Nguyễn Kính và Hoàng Duy Nhạc đầu hàng, Đăng Dung xin tha tội cho bọn này và thu dùng họ làm người nanh vuốt cho mình”.
Nhờ có công lao, lại khôn khéo loại bỏ các đối thủ là trở ngại ở trong triều, dần dần Mạc Đăng Dung tạo uy tín, xây dựng thế lực riêng của mình. Từ một vị trí thấp, dần dần con đường sự nghiệp của ông thăng tiến nhanh, rồi nắm quyền khuynh loát cả triều đình, phế lập vua, tự phong tước cho mình đến chức Thái sư, tước An Hưng Vương. Vua Lê Chiêu Tông sợ uy thế của ông liền bỏ Thăng Long chạy ra ngoài kêu gọi quân các trấn hợp lực đánh quyền thần. Thấy vậy Mạc Đăng Dung lập em của Lê Chiêu Tông là Lê Xuân lên ngôi (tức Lê Cung Hoàng). Đến tháng 8 năm Qúy Mùi (1523) Mạc Đăng Dung lấy danh nghĩa vua mới ban chiếu truất Lê Chiêu Tông xuống tước vương, sau đó cho quân tấn công, cuối tháng 10 năm Ất Dậu (1525) bắt được Lê Chiêu Tông đưa về Thăng Long giam cầm và đến ngày 18 tháng 12 năm Bính Tuất (1526) bí mật sai người giết chết.
|
Đem quân về Thăng Long ép vua nhường ngôi. Hình minh họa – Nguồn: truyentranhxua. |
Đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) thấy thời cơ đến, Mạc Đăng Dung dẫn quân vào kinh ép vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Mạc. Bấy giờ quân dân phần nhiều ủng hộ ông, chính sử nhà Lê sau này cũng phải thừa nhận: “Lúc này, thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón y về kinh đô” (Đại Việt thông sử). Trong sách diễn ca có tên là Việt sử diễn âm cũng có đoạn viết:
Thời vận đã tận nhà Lê,
Có mây ngũ sắc chầu về Đồ Sơn.
Thuận điềm xuất chấn thừa quyền,
Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu.
Trên đây là những người thuộc hoàng tộc nhà Lê được lập lên làm vua trong giai đoạn đầy biến loạn của vương triều này, kể từ lúc triều chính khủng hoảng khi Lê Uy Mục lên ngôi cho đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Còn nếu xét thêm cũng có thể nhắc đến một nhân vật nữa có mối liên hệ khá gần gũi với nhà Lê.
Nhà Mạc được thành lập ngày nhưng ngay sau đó có không ít hoàng thân, quốc thích, đại thần trung thành đã tập hợp lực lượng nhằm giành lại ngôi vị cho họ Lê. Sử chép như sau: “Canh Dần, [1530] (Mạc Đại Chính năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng,... Bấy giờ, Lê Ý, người Thanh Hoa, là cháu ngoại họ Lê, căm giận họ Mạc cướp ngôi, mới nổi quân ở Da Châu, lại xưng niên hiệu Quang Thiệu, nhiều người theo về, trong khoảng mươi hôm, một tháng, nhiều quận huyện hưởng ứng, số quân có đến vài vạn người. Bèn cùng với bọn bộ tướng Lê Như Bích, Lê Bá Tạo, Hà Công Liêu, Lê Tông Xá, Nguyễn Cảo dàn bày doanh trận, chi đặt cơ đội, bộ ngũ, nổi súng lệnh, kéo cờ hiệu, đóng quân ở sông Mã. Từ đấy, các hào kiệt xa gần đều cho là họ Lê sẽ phục hưng, cùng nhau phấn khởi theo về, không đến vài năm mà quân thanh rất lừng lẫy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thấy nguy cơ nên vua Mạc nhiều lần đem quân vào Thanh Hoa để đánh dẹp nhưng đều thất bại. Do thắng trận nhiều lần làm Lê Ý sinh kiêu, không lo phòng bị; tháng 12 năm Canh Dần (1530) quân Mạc bất ngờ tấn công, Lê Ý bị bắt đem về Thăng Long, nhà Mạc dùng xe ngựa xé xác ở Cửa Nam. Tuy thất bại nhưng việc làm của Lê Ý được đời sau ca ngợi là hành động tiết nghĩa, sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
Mã Giang đầu xướng nghĩa thanh,
Gần xa đâu chẳng nức tình cần vương.
Được thua mấy trận chiến trường,
Nghìn thu tiết nghĩa, đá vàng lưu danh.