Nguồn gốc tháng cô hồn
Theo quan niệm dân gian đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.
Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.
Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.
Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đêm lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.
|
Một mâm lễ cúng cô hồn. |
Trong tháng 7 Âm lịch hàng năm thì ngoài lễ cúng Cô hồn còn có lễ Vu lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.
Tháng cô hồn và lễ Vu lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông.
Những việc nên và va không nên làm trong tháng cô hồn?
Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng cô hồn để cho cầu mong được bình an, hạnh phúc.
Những việc không nên làm gồm: Không nên treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ; Không nên đi chơi đêm trong những ngày tháng cô hồn, nếu không sẽ dễ gặp điều không may; Không nên nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần;
Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến; Không nên ăn vụng đồ cúng, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình; Không nên khơi phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn”; Không nên gọi tên nhau khi đi chơi đêm, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi; Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn;
Không nên hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc”; Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường; Khi đến qua những nơi vắng vẻ, không nên ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau; Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế; Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ bị ma quỷ quấy phá; Không chụp ảnh vào ban đêm...
Những việc nên làm gồm: Làm lễ cúng các cô hồn vào bất cứ ngày nào trong tháng, để tỏ lòng thành chính mình; Thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay trong trong chùa chiền; Nên hạn chế sát sinh các con vật; Nên ăn chay để tránh điềm dữ; Nên làm phúc thiện mạnh mẽ trong tháng này; Nên ăn nói nhã nhặn, vui vẻ; Nên tránh xa các cuộc xung đột; Nên cứu người khi gặp nguy cấp; Nên đi chùa chiền cầu siêu…
Tuy nhiên, những điều nên làm hay không nên làm trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian mà không ai hay một ngành khoa học nào có thể kiểm chứng đúng sai. Nhưng với quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên người dân vẫn chú trọng làm theo.