4 công chúa có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam

Google News

Họ là những công chúa Việt Nam “tài sắc vẹn toàn”, từng hy sinh lợi ích bản thân vì dân tộc.

Công chúa Việt Nam: Huyền Trân, An Tư, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở hoàn cảnh không giống nhau, nhưng vì lợi ích dân tộc đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.
Huyền Trân công chúa
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành chơi, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi rất hậu.
Trước khi trở về Đại Việt, Trần Nhân Tông hứa đem con gái là Huyền Trân gả cho Chế Mân để kết tình thông gia giữa hai nước. Đổi lại, Chế Mân đem đất hai châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay) làm quà sính lễ.
Cuộc hôn nhân của Huyền Trân bắt đầu như thế. Bấy giờ, Chế Mân đã 83 tuổi. Chỉ một năm sau trở thành “con rể” của Đại Việt, Chế Mân chết.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng lúc bấy giờ theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì hoàng hậu bị hỏa thiêu theo. Nhà Trần không muốn Huyền Trân bị chết oan khi còn quá trẻ nên đã sai Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa.
Sau khi trở về Đại Việt, bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.
Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Huyền Trân chính là công chúa đầu tiên chấp nhận lấy người ngoại quốc để mang lại lợi ích cho hoàng tộc.
4 cong chua co anh huong lon trong lich su Viet Nam
Tượng thờ Huyền Trân công chúa.
An Tư công chúa
Đến nay, năm sinh, mất và kể cả cuộc đời của công chúa An Tư vẫn là điều bí ẩn. Theo Việt sử tiêu tán, bà là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277), em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông.
Năm 1285, quân Nguyên, dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan, tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Trước sự tấn công dồn dập như vũ bão của giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân ta trên các mặt trận.
Lúc này, công chúa An Tư nhận trọng trách kìm hãm ý chí tiến công của địch vào thành Thăng Long để quân dân ta có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Việt sử tiêu tán của Ngô Thì Sĩ có ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa An Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".
Đến nay, cuộc đời của công chúa An Tư sau khi được “gả” cho Thoát Hoan vẫn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự hy sinh thầm lặng của công chúa đã góp phần giúp nhà Trần đẩy lui quân giặc.
Giáo sư Phạm Đức Dương từng viết: “Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì ba lần chiến thắng quân Nguyên. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư. Người con gái 'lá ngọc cành vàng' ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại”.
Công chúa Ngọc Vạn
Công chúa Ngọc Vạn (có tài liệu ghi là công nữ Ngọc Vạn), là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - chúa thứ 2 của dòng họ Nguyễn.
Năm 1620, theo lời cầu hôn của vua Chey Chetta II, chúa Sãi thuận gả Ngọc Vạn cho ông, và bà trở thành hoàng hậu Chân Lạp với tước hiệu Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida.
Vừa đẹp người, lại đẹp nết, bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Đàng Trong. Trong thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay - đây là dinh điền chính thức đầu tiên trên đất Chân Lạp).
Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Nhận xét về công chúa Ngọc Vạn, tiến sĩ Trần Thuận viết: “Cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng, đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam...
Lịch sử dân tộc Việt Nam từng có những phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa... Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay!”.
Công chúa Ngọc Khoa
Công chúa Ngọc Khoa tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, là con gái thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là em gái công chúa Ngọc Vạn.
Cũng giống như chị mình, vì lợi ích của dân tộc, của dòng họ, bà đã chấp nhận “làm dâu xứ người”.
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm Tân Mùi (1631), bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (Sãi Vương) gả cho vua Chiêm Thành là Po Rômê.
Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó chúa Trịnh, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)