Theo sách Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I biên soạn, NXB Hà Nội, 2013), ấn chương của triều Nguyễn gồm các loại hình bảo tỷ, ấn, chương, quan phòng, đồ ký, kiềm ký, tín ký, ký, triện… Mỗi loại có quy định riêng, chặt chẽ trong chế tác, quản lý và sử dụng.
Theo các tác giả biên soạn sách, các hiện vật ấn tín nước ta thời xưa, đặc biệt là ấn của vua và triều đình, do thời gian và chiến tranh nên còn lại không nhiều. Hiện nay, chúng ta chỉ lưu lại được một số kim ngọc bảo tỷ được chế tác dưới triều Nguyễn, đang được Viện Bảo tàng Lịch sử quản lý. Một số ấn tín khác đang lưu tại bảo tàng địa phương, nhưng nói chung số hiện vật ấn tín này không đầy đủ và khó tiếp cận.
Trên cơ sở các hình ấn chương đóng vào các sách nằm trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tại kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và một phần nằm rải rác trong dân gian trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu đã có thể dựng lại bức tranh tổng thể về hệ thống ấn chương của triều Nguyễn, triều đại phong kiến gần chúng ta nhất.
Thời Nguyễn, các quan ở nội các đã biên soạn bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, trong đó có các quyển thứ 83, 84 và 225 ghi khá rõ về các bảo tỷ, ấn triện của triều Nguyễn. Theo đó, các vua triều Nguyễn có Kim ngọc Bảo tỷ, những quả ấn tạo tác bằng ngọc gọi là Ngọc tỷ, được đúc bằng vàng, bạc gọi là Kim Bảo tỷ. Tuy nhiên, trên hệ thống các văn bản lưu trữ có ngự phê của các vua Nguyễn (châu bản), không lưu hình dấu Ngọc tỷ nào, mà chỉ có Kim Bảo tỷ.
Các Kim Bảo tỷ của nhà Nguyễn chủ yếu đúc đời vua Gia Long, như Quốc gia tín bảo, Ngự tiền chi bảo, Văn lý mật sát và Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành.
Dấu đóng ấn Quốc gia tín bảo hiện còn lưu giữ trong bản chiếu về việc giảm thuế cho thần dân, tháng 3 năm Gia Long thứ 13 (1814), qua đó cho thấy hình ấn có kích thước 11,5 cm x 11,5 cm.
Ấn Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành có hình chữ nhật, kích thước 4 cm x 5 cm, hai bên viền hai con rồng, đầu rồng chầu lên trên vào hình quẻ Càn (☰), đuôi rồng ở dưới hướng vào hình quẻ Khôn (☷). Ấn này thời Gia Long chỉ thấy đóng ở đầu các đạo chiếu văn, chỉ dụ, sau này thì đóng vào phần giấy bỏ không ở đầu trang. Sang thời Minh Mạng, ấn này không dùng để đóng vào văn bản nữa.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi, nhà vua cho chế tác các Kim ngọc Bảo tỷ như Hoàng đế tôn thân chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Minh Mạng thần hàn, Hoàng đế chi tỷ, Hành tại chi tỷ.
Năm 1839, khi đổi quốc hiệu là Đại Nam, vua Minh Mạng cho khắc ấn ngọc Đại Nam thiên tử chi tỷ để sánh với nhà Đại Thanh bên Trung Quốc.
Đến đời các vua Thiệu Trị và Tự Đức, có làm thêm một số Bảo tỷ nữa như Đại Nam hoàng đế chi tỷ, Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo và đặc biệt là Ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, được coi là ấn truyền quốc của nhà Nguyễn.
Tuy nhiên, các Kim ngọc Bảo tỷ được đúc dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức không thấy dấu ấn trên châu bản. Sau này, trên châu bản có lưu dấu hai Kim bảo đúc vào đời Đồng Khánh là Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát. Tuy nhiên hai Kim bảo này thực chất được đúc từ thời Gia Long, đến đời Đồng Khánh chế tác lại do đã bị thất lạc khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi binh chống Pháp năm 1885 đã mang ra khỏi kinh thành.
Trong châu bản thời Minh Mạng, hình dấu Ngự tiền chi bảo có hình bầu dục, kích thước 2,5 cm x 3,0 cm. Trong khi châu bản thời Đồng Khánh, hình dấu Ngự tiền chi bảo có hình bầu dục nhưng mép thẳng như hình bát giác, có kích thước lớn hơn, là 3,3 cm x 3,6 cm.
Trong châu bản thời Gia Long, hình dấu Văn lý mật sát đo được có kích thước 2,8 cm x 2,8 cm. Sang đến châu bản thời Thành Thái, hình dấu Văn lý mật sát đo được có kích thước 3,7 cm x 3,7 cm, cho thấy chiếc ấn này khi được đúc lại có kích thước to hơn ấn cũ.
Các Kim ngọc Bảo tỷ này đều được dùng cho một số loại văn thư chỉ định như Kim bảo Quốc gia tín bảo đóng trên văn triện triệu tập cấp tướng lĩnh, phát động tướng sĩ nhập ngũ, Ngự tiền chi bảo đóng trên các chỉ dụ, chương sớ, sổ sách.
Theo quy định, ấn Quốc gia tín bảo đóng vào dòng ghi niên hiệu cuối các văn bản, hoặc thời Minh Mạng quy định rõ là đóng vào chữ “niên”, còn ấn Ngự tiền chi bảo được đóng vào mặt chữ “khâm thử”. Ấn Văn lý mật sát đóng vào những chữ tẩy đi, viết thêm vào hoặc nơi hai tờ giáp nhau.
Ngoài các Kim bảo tỷ của hoàng đế, trong châu bản còn lưu dấu của Phủ Tôn nhân như Tôn nhân phủ ấn. Dấu ấn này cũng có sự khác nhau giữa các thời kỳ, như ấn cũ từ thời Gia Long, Minh Mạng có chữ Tôn (宗) nghĩa là dòng tộc. Sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi, do kiêng tên húy nhà vua là Miên Tông, bộ Lễ xin đổi tên gọi của Tôn nhân phủ sang chữ Tôn (尊) nghĩa là tôn kính.
Bên cạnh đó là dấu ấn của các hoàng thân như Khâm phái lưu kinh hoàng tử đồ ký dùng cho hoàng tử được giao lưu thủ kinh đô khi nhà vua đi ra ngoài, Hoàng thái tử thủ tín của Hoàng thái tử, cùng ấn của các vị hoàng thân tước công như Kiến An công ấn, Diên Khánh công ấn…
Hệ thống ấn chương ở triều Nguyễn còn các loại khác như ấn của các cơ quan từ trung ương đến cấp địa phương, như Lễ bộ đường chi ấn của bộ Lễ và một số huyện, châu và một số tướng lĩnh trong quân đội. Kiềm ấn là ấn nhỏ của cơ quan, đi liền cặp với ấn lớn của cơ quan. Chương và Tín chương là ấn dành cho các chính quyền địa phương cấp doanh, trấn, đạo.
Quan phòng là ấn chức vụ của các quan chức, tướng lĩnh, như Lễ bộ tả thị lang quan phòng. Đồ ký là ấn cho các quan nhỏ. Kiềm ký là ấn dùng cho các chỉ huy ở cửa thành, cửa khẩu. Ký triện là ấn nhỏ của Chánh tổng, Lý trưởng. Tín ký là ấn riêng cho tất cả các quan viên văn võ trong triều ngoài kinh.