Hiện Việt Nam có tất cả 37 hiện vật được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, Môn Hạ sảnh ấn, tác phẩm Nhật ký trong tù, Đường kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vậy điều gì đã làm nên giá trị đặc biệt của Bảo vật Quốc gia?
Thời kỳ nhà Trần kéo dài hàng trăm năm với lịch sử lẫy lừng là hai lần chiến thắng quân Nguyên, Mông. Mặc dù vậy, nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất một chiếc ấn được phát hiện có tên là Môn Hạ sảnh ấn và được coi là Bảo vật Quốc gia. Tại sao ấn thời Trần trở nên hiếm hoi như vậy?
|
Môn Hạ sảnh ấn là chiếc ấn độc nhất vô nhị thời Trần được phát hiện. |
Chỉ có một ấn thật
Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người trực tiếp sưu tầm Môn Hạ sảnh ấn thì hiện có 2 chiếc Môn Hạ sảnh ấn. Một được lưu giữ ở Bảo tàng Hà Tĩnh và chiếc còn lại lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có chiếc lưu tại Bảo tàng Quốc gia là thật, còn quả ấn ở Hà Tĩnh là giả.
Lai lịch của quả ấn giả lưu tại Hà Tĩnh được TS Phạm Quốc Quân lý giải như sau: "Ấn được phát hiện tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh năm 1962. Cùng thời gian đó, Bác Hồ cho thành lập Quốc gia Bảo tàng viện nhằm lưu giữ lại các hiện vật trưng bày theo diễn trình lịch sử. Quốc gia Bảo tàng thành lập để làm đối trọng lại với Viễn Đông Bắc cổ viện của người Pháp, đồng thời hiện thực hóa chủ trương "dân ta phải biết sử ta". Trong khi các triều đại khác phát hiện được nhiều ấn thì thời Trần chỉ có duy nhất Môn Hạ sảnh ấn. Vì thế, chính quyền lúc đó đã đúc lại một quả Môn Hạ sảnh ấn khác dựa theo phiên bản gốc, sau đó đưa bản gốc về Quốc gia Bảo tàng viện trưng bày, còn ấn giả được đưa cho Bảo tàng Hà Tĩnh lưu giữ. Hiện quả ấn gốc vẫn được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn quả ấn giả vẫn nằm lại Bảo tàng Hà Tĩnh".
Môn Hạ sảnh ấn đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cao 8,5cm, dài 7cm, rộng 7cm, trọng lượng 1,4kg. Ấn được đúc tam cấp, dạng hình vuông, núm hình chữ nhật, chỏm cong. Bên phải có dòng lạc khoản với 4 chữ: "Môn Hạ sảnh ấn" (ấn của sảnh Môn Hạ). Bên trái khắc chữ: "Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo" (chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377). Mặt ấn hình vuông, kích thước 7,3cm x 7,3cm, đúc 4 chữ theo phong cách triện "Môn Hạ sảnh ấn".
Theo tư liệu lưu giữ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì đây là quả ấn của một vị quan thuộc sảnh Môn Hạ (một trong ba sảnh thời nhà Trần là Thượng Thư sảnh, Trung Môn sảnh và Môn Hạ sảnh). Đây là một cơ quan nhận nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh vua đến quần thần...
|
Ấn được đúc tam cấp còn khá nguyên vẹn, kể cả dòng lạc khoản hai bên. |
Tại sao nhà Trần chỉ có 1 quả ấn?
Đây là vấn đề thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học. Đến nay, câu trả lời vẫn đang dừng lại ở mức độ giả thiết chứ chưa thể khẳng định chắc chắn một nguyên nhân nào.
Theo TS Phạm Quốc Quân thì các triều đại khác như Lê, Nguyễn, Mạc... đã phát hiện được nhiều ấn chương. Nhưng chỉ có triều Trần cho đến nay mới phát hiện được 1 ấn. Tại sao vậy? Có 5 giả thiết được ông Nguyễn Quốc Quân đưa ra. Thứ nhất, những triều đại như Đinh, Lý, Trần là chế độ phong kiến quân chủ mới hình thành. Do đó, các thiết chế cai quản chưa đầy đủ để có thể cho ra đời được cơ quan hành chính, kinh tế, quân sự hoàn thiện so với các triều đại sau. Cho nên số lượng ấn rất ít. Giả thiết thứ hai đó là lịch sử xa xưa của thời Lý, Trần vì kinh tế đất nước còn khó khăn nên việc đúc ấn chương bằng các chất liệu bền vững chưa nhiều. Giả thiết này được đưa ra cách đây vài năm khi các nhà khảo cổ học phát hiện ấn Sắc mệnh chi bảo tại Hoàng thành Thăng Long với chất liệu bằng gỗ. Chiếc ấn này chất liệu bằng gỗ, niên đại thời Trần (không phải là ấn gốc) được khắc lại dựa trên phiên bản Sắc mệnh chi bảo trước đó khi nhà Trần dời đô về Thiên Trường, Nam Định nhằm bảo toàn lực lượng trước giặc Nguyên, Mông. Giả thiết thứ 3 đó là càng xa lịch sử bao nhiêu thì sự lưu giữ càng ít đi, các ấn chương mất mát không thể tìm lại được. Thứ tư là do tâm lý của người Việt Nam lúc đó chưa có ý thức truyền lưu lại các giá trị lịch sử, văn hóa... dẫn đến ấn chương bị thất tán. Cuối cùng, TS Phạm Quốc Quân cho rằng: "Các triều đại sau nhà Trần như Lê, Nguyễn, nhà vua đã đưa ra những cải cách trên các mặt của xã hội. Các thiết chế về văn hóa, kinh tế, chính trị hoàn thiện hơn vì thế phải có ấn chương để biểu thị quyền lực tối cao của nhà vua".
Trong các giả thiết được đưa ra, TS Phạm Quốc Quân thiên về giả thiết cuối cùng. Đó là thiết chế về kinh tế, văn hóa, chính trị... của các triều đại sau này được hoàn thiện hơn nhằm thể hiện quyền lực của người đứng đầu đất nước.
Tuy nhiên, vượt qua những giả thiết đó, Môn Hạ sảnh ấn đã trở thành Bảo vật Quốc gia nhờ tính độc bản và giá trị về thông tin mà nó mang lại. Giúp các nhà khoa học đưa ra kiến giải, nhận định về lịch sử một triều đại ở Việt Nam trong một giai đoạn nhất định và bảo vật đó xứng đáng được bảo vệ đặc biệt.
(còn nữa)
"Môn Hạ sảnh ấn là chiếc ấn đồng chứa đựng thông tin rõ ràng, chính xác nhất thời nhà Trần được phát hiện từ trước đến nay. Chính vì thế, những thông tin chứa đựng trong đó cũng trở nên quý giá giúp chúng ta định hình được các thiết chế kinh tế, chính trị, văn hóa thời nhà Trần vẫn chưa đạt đến mức hoàn thiện...".
TS Phạm Quốc Quân