Việc người dân vô tình đào được ấn tín của vua tại Nghệ An dấy lên nhiều nghi ngờ từ giới nghiên cứu cũng như những người sưu tầm cổ vật. Nguyên nhân được cho là hình thức của chiếc ấn quá hoàn hảo.
Chỉ là ấn phong thuỷ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử (Viện Tôn giáo) cho biết đây là một dạng thức hình “quan ấn”. Bên hông ấn có bốn chữ “Cửu Long kim tỷ”. Lòng ấn được trang trí bởi chữ Mãn và chữ Hán với nội dung thống nhất là “Đại Thanh tự thiên tử bảo”.
Theo nhà nghiên cứu này, rồng vốn là một đại diện tiêu biểu đứng đầu trong hàng tứ linh, rồng không chỉ đại biểu uy quyền mà còn đại biểu cho may mắn, giàu sang.
|
Nhà nghiên cứu cho rằng chiếc ấn này hoàn chỉnh đến mức đáng ngờ. Ảnh: Phạm Hoà. |
Trang trí ở bên hông ấn là rồng thư hùng (đực, cái), long châu (thường nằm ở trong miệng rồng hoặc ở giữa - đại diện cho sự tranh giành) hay một mô típ âm dương kết hợp với nhau một cách hoàn thiện.
“Sự hoàn chỉnh đến một cách đáng ngờ của một con dấu với niên đại chí ít nếu có tồn tại (Triều đại nhà Thanh, Trung Quốc) cũng hơn cả trăm năm như vậy quả thực tôi chưa gặp bao giờ”, ông Sử khẳng định.
Theo đó, nhà nghiên cứu cũng cho rằng lối chữ được khắc bên hông được coi là một dạng thức tiệm cận với phông chữ hiện đại. Dĩ nhiên, lối chữ này không xuất hiện ở thời điểm 100 năm trước.
Ông Nguyễn Sử cho hay từ thời Tần, những ấn chương của Hoàng đế sử dụng thường được gọi là hình thức “Tỷ”, gồm có sáu hướng, trong đó một Tỷ được gọi là “truyền quốc vương tỷ” còn gọi là “truyền quốc tỷ” hoặc Cửu long kim tỷ.
|
Phông chữ Cửu Long kim tỷ gần với phông chữ hiện đại. Ảnh: Phạm Hoà. |
“Trước tiên, từ góc độ tạo hình con dấu được sao chép một cách tuyệt đối những dạng thức rồng của thời Thanh. Nội dung văn tự được khắc in bên hông của chữ là dạng chữ gần như một phông chữ hành phổ biến ở thời điểm hiện tại”, ông Sử nói.
Thực tế, những dạng ấn như thế này được bày bán khá phổ biến trên thị trường. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử nhận định đây là một dạng ấn được dùng trong phong thuỷ với mục đích cầu tài lộc, trấn yểm. Loại ấn này chỉ mới xuất hiện không quá 30 năm trở lại đây.
Có giá 1 triệu đồng trên mạng
Chỉ cần với một từ khoá “Cửu long kim tỷ” ở trên Taobao (trang mua sắm trực tuyến của Trung Quốc) sẽ cho ra những mẫu mã giống hệt chiếc ấn được tìm thấy tại Nghệ An. Chiếc ấn này được bán với giá từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Về việc tại sao những đồ vật hiện đại này lại được người dân tình cờ phát hiện lúc đào đất, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử khẳng định đó là một chiêu trò thường thấy của dân cổ vật. Dĩ nhiên, chôn dưới lòng đất cũng là một cách để huyền bí hoá cổ vật. Bởi, nhiều người mặc nhiên coi việc một vật nằm dưới đất sẽ có giá trị hơn rất nhiều một vật không có lý lịch.
Cùng quan điểm, một thành viên của website Cổ vật tinh hoa (giấu tên) cũng nhìn nhận đây chỉ là một chiêu trò được sử dụng hơn 20 năm trong giới buôn bán cổ vật.
|
Ấn có chữ Cử Long kim tỷ được rao bán trên Internet có giá chưa đến 1 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình. |
“Nhiều đồ giả được chôn xuống lòng đất từ vài tháng đến vài năm để biến nó thành đồ cổ. Đi kèm với hiện vật này luôn là một câu chuyện khá ly kỳ kiểu người dân đào móng nhà tìm thấy hay vô tình cuốc phải lúc làm vườn”, nhà sưu tầm đồ cổ chia sẻ.
Hai tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá có những người là bậc thầy trong môn “luộc” đồ từ giả thành thật như vậy. Những người mua đồ cổ thiếu kinh nghiệm cũng không ít lần ăn phải trái đắng khi bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu món đồ giả.
Nhà sưu tầm cổ vật cho biết thêm trong số các loại đồ cổ thì đồng dễ bị làm giả nhất.
“Bản chất của kim loại đồng dễ bị ôxy hoá. Hoặc người ta có thể dùng sơn ta quét lên, sau đó dùng đèn khò đốt. Sau quá trình này, đồ đồng giả cổ sẽ có một màu rất thời gian, rất thu hút”, thành viên website này nói.
Thông tin từ Bảo tàng Nghệ An cho hay đơn vị này sẽ niêm phong hiện vật và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định đánh giá đó là hàng giả hay thật, giá trị kinh tế và văn hóa thế cụ thể ra sao.
Theo Luật di sản văn hóa năm 2010, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính.
Về chính sách thưởng cho người có công phát hiện hiện vật, Luật di sản quy định nếu hiện vật có giá trị một tỷ đồng thì người phát hiện sẽ hưởng 4%. Nếu hiện vật là 100 triệu đồng thì người có công phát hiện được hưởng 8%.
Mời quý độc giả xem video hầm bí mật của biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):