Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Luyện những “vị thần” cứu nghề truyền thống

Google News

Nghệ nhân Phan Thị Thuận gọi những con tằm là “họ”, như với người. Thậm chí, bà còn coi “họ” như “vị thần”, vì đã cứu nghề truyền thống cho quê hương.

Với tình yêu sâu nặng với con tằm và nghề dệt lụa truyền thống, nghệ nhân Phan Thị Thuận (Mỹ Đức, Hà Nội) đã tạo ra những sản phẩm lụa tơ tằm có giá trị, đặc biệt là cách “luyện” hàng ngàn con tằm dệt tơ độc đáo.
Khi đưa tấm chăn do tằm tự dệt vào nồi đun, tấm chăn bung nở bóng mịn, nghệ nhân Phan Thị Thuận ôm sản phẩm đầu tiên, rưng rưng niềm xúc động. Bà hạnh phúc vì đã tìm ra đường đi mới cho nghề dệt thủ công, cho ngành tơ tằm.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong
Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên sản phẩm được làm từ phương pháp độc đáo, có một không hai: Tằm tự dệt. 
Vực dậy nghề truyền thống cha ông
Thôn Hạ, xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), ngay từ tên gọi đã gợi nhắc không khí hoài cổ của những làng quê thanh bình xưa trong thơ Nguyễn Bính. Bóng đa đầu làng mát rượi, nhiều ngôi nhà trong thôn vẫn còn giữ mộc mạc bên dòng sông Đáy tạo nên khung cảnh thật yên ả trong cái nắng mùa thu như rót mật.
Cổng nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận vàng ươm những nong kén tằm đang hong. Trong nhà, những tấm lụa đủ màu buông san sát cạnh nhau rực rỡ. Ngay kế bên là xưởng sản xuất, tiếng khung cửi xe tơ rộn ràng.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-2
 Những nong kén tằm vàng óng phơi dọc ngõ khiến không gian như mang màu hoài niệm.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận tươi cười cầm những tấm lụa tơ tằm mát rượi trong tay, say sưa nói về những tâm huyết của bà với nghề tưởng như đã suýt mai một, không thể duy trì được.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-3
Những chiếc khăn từ lụa tơ tằm rực rỡ sắc màu. 
Sinh ra trong gia đình làm nghề canh cửi, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Phan Thị Thuận đã biết trồng dâu nuôi tằm. Những năm 70 của thế kỷ trước, Mỹ Đức được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc. Những bãi dâu hàng chục ngàn héc ta bạt ngàn, tươi tốt ven con sông Đáy, những nong tằm ăn lá rào rào.
Thế nhưng, năm 1984, khi nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén thì nghề nuôi tằm rơi vào khó khăn. Các ruộng dâu bị chặt bỏ để chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề. Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống của cha ông có thể bị mai một, mất đi, bà Phan Thị Thuận đau đáu trăn trở tìm cách cứu nghề.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-4
Khôi phục lại nghề truyền thống. 
Mới đầu, bà xin dâu trồng bờ rào về nuôi tằm. Biết nông trường Thanh Hà, Hòa Bình trồng cây dâu để làm rượu vang, lá vứt đi, ngày ngày bà cùng 7 hộ gia đình đạp xe 20km đến xin lá về cho tằm ăn. Thế rồi năm 1987-1988, nghề nuôi tằm có dấu hiệu phục hồi, bà con bắt đầu gây dựng lại những nong tằm, nong kén.
Video tiếng xe tơ rộn ràng, nghề tằm tơ canh cửi đã được vực dậy.
“Thực sự, tôi rất cảm ơn các lãnh đạo huyện Mỹ Đức lúc bấy giờ. Họ đã tạo điều kiện để tôi đi tới tất cả những vùng trồng dâu nuôi tằm toàn miền Bắc để học hỏi, tìm ra hướng đi làm sống lại nghề truyền thống của quê hương”, bà Thuận chia sẻ.
Bà đã đặt làm 3 máy ươm tơ cho 3 vùng ở Mỹ Đức. Tơ làm ra rất nhiều. Thế nhưng, lúc này, bà cùng người dân lại phải đối mặt với một thách thức mới, đó là tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Chật vật qua bao con đường đi, cuối cùng, bà đã tìm ra một hướng đi mới, với phương pháp độc nhất vô nhị, đó là dùng con tằm tự dệt tơ. Như vậy, thay vì chỉ nuôi tằm, ươm tơ, thì giờ đây bà đã có trong tay hàng ngàn “nhân công” dệt tơ thành thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Những “thợ dệt” độc đáo
Bà Phan Thị Thuận chia sẻ, gắn bó với con tằm, bà quan sát cách con tằm làm tơ đan kén. Thế rồi, một ý tưởng vụt qua trong đầu bà, khi bà thấy, những chiếc kén do tằm dệt không có một kỹ thuật nào của con người có thể so sánh được về độ bền, dai. Thế là bà nung nấu ý định biến những con tằm thành “thợ” dệt tơ cho mình.
Mới đầu thử nghiệm, bà không cho tằm làm tổ, những con tằm bò lung lung. Bà kiên trì bắt từng con vào đúng vị trí. Bà ví, tựa như người đau đẻ không thể dừng được, thì tằm cũng vậy. Có điều, cần phải biết cách để tằm tự dệt theo ý mình.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-5
 Nghệ nhân Phan Thị Thuận và những "vị thần" đã cứu nghề truyền thống.
Bà đặt những con tằm trên một mặt phẳng, vậy là, thay vì cuốn kén, hàng ngàn, vạn con tằm tự dệt nên tấm tơ bền đẹp. Qua nghiên cứu bà thấy, vào mùa thu, bụng tằm chứa khoảng 400-450m tơ, còn vào mùa hè thì chứa khoảng 300m tơ. Theo đó, bà tính toán để làm sao những con tằm nhả tơ với khoảng cách thích hợp, đủ để các lớp tơ đan bện lên nhau thành các lớp dày. Khi con tằm rút ruột nhả hết tơ thì sản phẩm được hoàn thành.
Sau 8 lứa tằm thử nghiệm, cuối cùng, bà đã được cầm trên tay sản phẩm tấm tơ đầu tiên cho con tằm tự dệt. Khi đưa vào nồi nấu, tấm tơ bung nở mềm mịn, êm ái. Bà gọi những con tằm là “họ”, như với người. Thậm chí, bà còn coi “họ” như vị “thần”, đã cứu nghề truyền thống cho quê hương.
“Tằm là những ‘thợ’ trung thành. Tôi nuôi họ có 20 ngày, chỉ ăn mỗi lá dâu mà họ rút ruột nhả tơ cho tôi. Chúng như những vị thần”, bà Thuận xúc động chia sẻ.
Năm 2012, sản phẩm chăn tơ chính thức được ra mắt, một phương pháp độc đáo, lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: được dệt bởi tằm. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.
Sản phẩm được người tiêu dùng trên thế giới yêu chuộng và săn đón, nhiều lúc “cháy hàng”, đem lại thu nhập tốt cho bà con.
Dệt lụa từ tơ sen
Không chỉ tạo nên sản phẩm tơ độc đáo được dệt bởi con tằm, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã là người tiên phong ở Việt Nam dệt lụa từ tơ sen.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-6
Thân sen được làm sạch, tuốt hết gai để chuẩn bị làm nên những chiếc khăn lụa tơ sen độc đáo. 
Những thân sen tưởng chỉ bỏ đi thì giờ được thu hoạch, đưa vào bể rửa sạch bùn và tuốt hết gai để thuận thiện cho quá trình rút sợi. Sau đó, nhanh chóng lấy tơ trong vòng 24 giờ khi cây còn ẩm ướt, nếu không sợi tơ sẽ bị đứt gãy. Để hoàn thiện một chiếc khăn lụa tơ sen phải trải qua 14 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Chính vì vậy, giá bán cũng rất đắt đỏ.
Sản phẩm lụa tơ sen có những nét đặc trưng riêng, và điều ấn tượng nhất là vẫn giữ được hương sen thoang thoảng, dễ chịu. Trong đó, sản phẩm được ưa thích nhất là khăn lụa.
Nghe nhan Phan Thi Thuan: Luyen nhung “vi than” cuu nghe truyen thong-Hinh-7
 Những chiếc khăn lụa tơ sen còn giữ được hương sen thoang thoảng.
“Cũng vì quy trình sản xuất công phu nên giá thành mỗi chiếc khăn lụa tơ sen khá đắt đỏ. Hiện nay, sản phẩm lụa tơ sen chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp. Những năm thuận lợi, xưởng sản xuất của tôi cũng chỉ làm được khoảng 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng”, bà Thuận nói.

Với những cống hiến to lớn cho nghề dệt vải tơ tằm truyền thống, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã được vinh danh như danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng; Giải thưởng cho 100 phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc Bộ Công Thương trao; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam... Bà là 1 trong 9 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.

Mời quý độc giả xem video nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ về phương pháp độc đáo, có một không hai: Để tằm tự dệt chăn. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)