Thủ khoa trượt nguyện vọng 1: Tôn trọng “luật chơi” đã công khai

Google News

Theo Chủ tịch HĐQT Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình, "luật chơi" đã được công khai từ trước và hoàn toàn rõ ràng, "người chơi" nên tôn trọng cách thức tuyển sinh của ĐH Bách khoa.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em Nguyễn Mạnh Thắng (Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (Hưng Yên) đã trở thành thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) với tổng điểm 29,35. Trong đó, Thắng đạt 9,75 Vật lý, 10 Hóa; Hùng đạt 10 Lý và 9,75 Hóa. Môn Toán cả hai em đều đạt 9.6.
Cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên, khi trường này công bố điểm chuẩn, bất ngờ cả hai thủ khoa trượt nguyện vọng 1. 
Năm nay, ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 29,42 điểm, và được tính theo công thức riêng. Cụ thể: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên). Với cách tính này, điểm xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính của hai thủ khoa là 29,21, không đủ điểm đỗ.
Vụ việc hai thủ khoa trượt nguyện vọng 1 đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận với những ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự việc khó chấp nhận, cần xem xét lại cách tuyển sinh đại học cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm cao “bão hòa” như hiện nay.
Ủng hộ tuyển sinh theo hướng tự chủ
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho rằng, phương thức tuyển sinh đã được Đại học Bách khoa công khai từ trước, trong đó ngành Khoa học máy tính ưu tiên môn Toán và chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp không nhiều.
Thu khoa truot nguyen vong 1: Ton trong “luat choi” da cong khai
 Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books.
Cụ thể, trong tổng số 300 chỉ tiêu tuyển sinh toàn ngành khoa học máy tính, Đại học Bách khoa đã tuyển được số lượng lớn sinh viên theo phương thức xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy, do vậy chỉ còn một số chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp.
“Như vậy là "luật chơi" đã được công khai từ trước và hoàn toàn rõ ràng, tôi nghĩ rằng "người chơi" và những người quan sát nên tôn trọng cách thức tuyển chọn sinh viên của Đại học Bách khoa”, ông Bình cho hay.
Theo ông Bình, nhà trường muốn tuyển được những sinh viên chất lượng cho một ngành học hấp dẫn hiện nay, và với truyền thống đào tạo cũng như sự am hiểu về ngành học thì nhà trường tự biết nên xác định phương thức tuyển sinh như thế nào để đạt mục tiêu.
Đây là những tín hiệu tích cực từ sự chuyển dịch trong phương pháp tuyển sinh của các trường đại học nói chung và Đại học Bách khoa nói riêng.
Đó là phương pháp tuyển sinh theo hướng tự chủ, đề cao sự chủ động của nhà trường chứ không chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. 
Trong quá trình chuyển dịch theo hướng tự chủ đó sẽ không tránh khỏi những trục trặc, những vấn đề cụ thể cần tiếp tục điều chỉnh, song đây là hướng đi đúng đắn mà gia đình, các em học sinh, nhà trường ở cấp phổ thông cũng như xã hội nên ủng hộ.
Hướng đi này sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực cả trong tuyển sinh lẫn cách thức học tập của các em. Nếu làm tốt theo hướng này, ông cho rằng chỉ trong vài năm tới chúng ta sẽ thấy rõ hơn kết quả, thấy rõ hơn năng lực và chất lượng học sinh cũng như cách thức các em học tại trường phổ thông.
Các trường đại học cũng sẽ đào tạo ra được những cử nhân, kỹ sư có năng lực chứ không phải chỉ "học gạo", điểm cao trên giấy. Và qua đó, chúng ta nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ có tư duy, có năng lực thực sự chứ không chỉ dừng lại ở bằng cấp đẹp.
Hạn chế của bảng điểm, điểm số trong đánh giá con người
Ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ, ông vốn là cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1989, điểm thi vào Trường của ông chỉ đạt 13,5 điểm 3 môn Toán, Lý, Hóa (thủ khoa là một bạn xuất sắc đạt 30 điểm, nhiều bạn bè ông đạt từ 24 điểm trở lên chỉ cần 22 điểm là được đi học ở Đông Âu). Ông đỗ vào hệ B của trường... và coi là đỗ vớt.
Nhưng thực tế, ông không phải là một học sinh kém, trong suốt những năm phổ thông ông đều đạt học sinh giỏi và ở trong nhóm đứng đầu lớp về điểm số các môn Toán, Lý, Hóa.
“Từ trải nghiệm của chính mình, tôi nhận ra những hạn chế của điểm số, của bảng điểm trong việc đánh giá, nhìn nhận con người.
Và giờ, hơn 30 năm nhìn lại, có lẽ thế hệ chúng tôi đã đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận rằng điểm số trong một kỳ thi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài lực học thì còn là sự may mắn, sức khỏe, tâm trạng, thời tiết… Và quá trình học tập cũng như làm việc sau này của một con người, thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau”, ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ.
Ông Bình cho rằng, các bạn học giỏi và thủ khoa sẽ có những thuận lợi trong sự nghiệp học hành và lựa chọn công việc sau này, nhưng rất khó để coi rằng những em đạt điểm cao qua các kỳ thi sẽ có sự nghiệp vượt trội so với các em điểm thấp hơn.
Nói như vậy để trở lại với quan điểm nên ủng hộ tự chủ của các trường trong tuyển sinh và đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, không chỉ dựa vào một kỳ thi, một cách chấm điểm nhất định nào đó.
Bao nhiêu năm qua, các thế hệ học trò đã quen với việc dồn sức "luyện thi đại học" để mong có điểm cao, nhất là trong 3 năm cuối của chương trình phổ thông. Tình trạng này khiến các em sao nhãng kiến thức xã hội, coi nhẹ hoạt động thể chất và thiếu kỹ năng mềm trước khi bước vào đời…
Tất nhiên không nên cực đoan đến mức coi thường điểm thi, nhưng nếu như tất cả nỗ lực của chúng ta chỉ nhằm đạt điểm cao mà quên lãng những kiến thức, kỹ năng, tư duy và các trải nghiệm khác trong cuộc sống thì đó là sự lệch lạc.
Hệ thống giáo dục và các trường học đang nỗ lực trở nên cân bằng hơn, hài hòa trong học tập và phát triển các phẩm chất khác nhau của học sinh, sinh viên và hướng đi này cần phải được thúc đẩy hơn nữa, nhanh hơn nữa.
Hai bạn thủ khoa tổ hợp A00 đã không may mắn với nguyện vọng 1, nhưng vẫn đỗ nguyện vọng 2 vào Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật máy tính (điểm chuẩn 28,29).
“Là một cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội, tôi muốn gửi lời chia sẻ rằng các em đừng nản lòng, nhưng cũng đừng quá ỷ lại vào điểm số trong quá trình 5 năm ở Bách khoa. Đây hẳn là một ngôi trường chất lượng và nhà trường đang nỗ lực để có những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn để rồi các em sẽ là những kỹ sư tài năng và thành công trong cuộc đời chứ không chỉ dừng lại ở việc có một tấm bằng đẹp”, ông Bình nhắn gửi.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các em là thủ khoa ở một khối, một kỳ thi, nhưng nếu các em không đáp ứng được tiêu chí, không trùng yêu cầu xét tuyển của một ngành nào đó và không trúng tuyển thì là điều hoàn toàn bình thường, nhất là nếu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công khai phương thức tuyển sinh từ trước. Đây cũng là điều lưu ý với các thí sinh, khi đăng ký nguyện vọng, cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường, căn cứ vào số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký vào ngành học, trong đó có cách tính điểm của từng ngành, từng trường để có lựa chọn hợp lý.

Mời quý độc giả xem video: "Thí sinh Hà Nội" đánh giá về đề thi tổ hợp môn KHTN, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)