Mường Nước Mặn
Tại khu vực Cửa Nhượng và Cửa Sót - hai cửa sông lớn nhất thuộc tỉnh Hà Tĩnh, trước đây từng tồn tại một cộng đồng hết sức kỳ lạ mà dân địa phương gọi là người Bồ Lô.
Người Bồ Lô sống “thủy cư” hoàn toàn, mỗi gia đình là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Thường nhật tản mạn đi khắp các vùng biển bắc miền trung để mưu sinh, lúc “trái gió trở trời” hay khi cần khi cần thiết lắm mới quay về quần tụ.
Nhóm người này luôn bị cư dân trên bờ kỳ thị, thường gọi là “Mường nước mặn”, dân “nôốc câu” (nôốc là tiếng địa phương chỉ con thuyền) hay thậm chí là “mọi bể”. Nguyên nhân có lẽ là do lối sống của họ bị xem là “sống vô gia cư, chết vô địa táng” mà người Việt vốn rất coi thường.
|
Người Bồ Lô là những người đi biển cự phách nhất. |
Một nguyên nhân nữa là người Bồ Lô vốn dĩ gốc tích không rõ ràng, không ai biết tổ tiên họ từ đâu, hay vì sao lại chọn lối sống lênh đênh trên mặt nước. Ngay chính người Bồ Lô cũng rất mù mờ về điều này. Một số dòng họ vốn cũng có gia phả ghi lại bản quán là ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng cũng chỉ là con cháu sau này “đi tìm lại” mà thôi.
Người Bồ Lô xưa kia cũng ít coi trọng việc học hành, bởi chữ nghĩa chẳng giúp ích gì nhiều cho cuộc sống “theo đuôi con cá” của họ. Người biết chữ đã hiếm, hạng “nhân tài, học sỹ…” càng chẳng cần nhắc đến làm gì. Vậy nên họ lại càng bị dân trên bờ coi rẻ. Người ta còn đặt cả bài vè để chế giễu: “Bồ Lô Xuyên Hồi/ Không nồi nấu ăn/ Không khăn chịt trôốc (bịt đầu)/ Không nôốc đi câu”.
Tên gọi “Bồ Lô” là do họ tự xưng, theo một số nhà nghiên cứu thì có thể xuất phát bởi từ “pu-lao” có nghĩa là “đảo” trong hệ ngôn ngữ Nam Đảo - Mã Lai, tương tự như từ “cù lao” ở trong Nam, điều này gợi nên câu hỏi về nguồn gốc thực sự của nhóm người đặc biệt này, phải chăng là trôi dạt vào từ ngoài biển(?). Tuy nhiên ý nghĩa thực sự của nó thì bây giờ ngay cả người Bồ Lô già nhất cũng chẳng còn biết nữa.
Ngoại hình của người Bồ Lô khá đặc biệt (theo mô tả của dân trên bờ - có lẽ cũng bao hàm cả thiên kiến kỳ thị vào trong đó): da đen, tóc xoăn, lưng còng, cổ rụt, do phần lớn thời gian sinh hoạt trên thuyền (chỉ ngồi là chính) nên thân trên phát triển, hai tay dài khỏe, ngược lại chân hơi ngắn và khuỳnh.
Mỗi khi có việc cần lên bờ, người Bồ Lô tỏ ra e dè, thường chúi đầu xuống “đi như chạy”, kiểu như đi vội cho xong để mà về với con thuyền an toàn của mình. Họ nói chuyện “giọng líu lo như chim”, thường dùng ngôn từ đơn giản, cộc lốc, thậm chí có nhiều từ ngữ riêng mà dân trên bờ không hiểu được.
Người Bồ Lô tự nhận mình là người của biển, mà quả thực cũng là những người đi biển cự phách nhất trong vùng.
|
Cuộc sống của mỗi gia đình người Bồ Lô từng chỉ gói gọn trong một con thuyền. |
Trẻ con sinh ra được tắm ngay bằng nước biển, rốn gói bằng mảnh vải buồm. Còn người đàn ông Bồ Lô khi bước xuống thuyền thì quả thực như cá về với nước, mạnh mẽ linh hoạt hẳn lên. Chỉ dựa vào trí nhớ, kinh nghiệm cộng với đôi mắt tinh anh của mình, họ có thể tìm thấy luống cá từ cách xa hàng cây số.
Người Bồ Lô còn nổi tiếng với “hải đồ” bằng thơ được truyền lại qua nhiều thế hệ mà họ gọi là “Nhật trình đi biển”. Chỉ cần nhớ được Nhật trình này, họ có thể nắm rõ những luồng, lạch, âu, vũng, đá ngầm… để rồi dựa vào đó mà tung hoành trên biển, Bắc ra tận vùng biển Thanh Hóa, Nam xuống tít Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ở trên bờ, người Bồ Lô luôn bị coi thường bắt nạt, mà bản thân cũng luôn sợ sệt e dè. Chỉ có biển cả mới là thế giới tự do của họ.
Lên bờ
Trước năm 1964, người Bồ Lô còn quần tụ thành một cộng đồng thủy cư đông đúc nơi cái gò lớn ngay Cửa Sót thuộc xã Thạch Kim (Thạch Hà - Hà Tĩnh), gọi là “vạn Kỳ Xuyên”. Tuy nhiên khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, họ phải di chuyển sang phía Nam Cửa Sót, nép vào dưới chân ngọn núi Nam Giới.
Hòa bình thống nhất, người Bồ Lô lại trở về vùng Thạch Kim sinh sống nhưng rất nhiều hộ bắt đầu chuyển hẳn lên bờ để định cư. Đến những năm 1980-1990 thì chỉ còn lại chừng vài chục hộ vẫn giữ nếp sống cũ (trên thuyền) nhưng cũng đã được tập trung vào Hợp tác xã đánh cá của địa phương.
Lại gần 30 năm nữa trôi qua, “vạn Kỳ Xuyên” đã hoàn toàn biến mất. Thế hệ con cháu giờ đây là “dân trên bờ” thực thụ, dù cuộc sống vẫn gắn liền với biển. Thậm chí lớp thanh thiếu niên còn chẳng biết là “người Bồ Lô” thì có khác biệt gì. Họ dĩ nhiên chẳng còn bị ai khinh khi, rất nhiều người còn học hành thành đạt.
Những “người Bồ Lô gốc” giờ đây còn lại không nhiều, một số vẫn còn ám ảnh bởi quá khứ bị kỳ thị nặng nề.
Như câu chuyện của cô gái trẻ làm việc tại UBND xã Thạch Kim về người bác của cô, mỗi khi con cháu sum vầy lại lẩm nhẩm đếm xem có bao nhiêu người Bồ Lô bây giờ là đảng viên, công chức, là doanh nhân thành đạt… để rồi kết lại một câu (chẳng biết là tự hào hay chua chát): “Đó, dân nôốc câu thì cũng kém chi ai!”.
|
Cụ Nguyễn Nhật 102 tuổi - người Bồ Lô nhiều tuổi nhất còn sống. |
Vậy nên muốn thấy cái “hồn” của người Bồ Lô thì phải tìm gặp cụ ông Nguyễn Nhật - người đàn ông 102 tuổi nhưng sức khỏe và sự minh mẫn dường như mới chỉ ở ngưỡng “bát tuần”. Dõi ánh mắt vẫn còn khá tinh anh ra ngoài cửa biển, ông cụ chậm rãi ngâm nga: “Bố Chính là Bố Chính châu/ Có ông già lão sống lâu để đời/ Ngồi buồn ta kể nhật trình chơi/ Vũng Chùa, Vũng Áng là nơi dựa thuyền…”.
Tưởng như ông lại đang đứng trước mũi thuyền, mắt ngước tìm những ánh sao, miệng lẩm nhẩm khúc “Nhật trình” mà ông thuộc nằm lòng từ khi còn để chỏm, thứ “bảo bối” truyền đời của người Bồ Lô từng giúp ông ngang dọc khắp các vùng biển Bắc Nam.
Một mai khi “người Bồ Lô cuối cùng” đã mãn tuổi trời, cái danh xưng này chắc rồi cũng sẽ dần chìm vào dĩ vẵng. Sự biến mất của cộng đồng “Mường nước mặn” kỳ lạ và bí ẩn này, phải chăng sẽ là một điều đáng buồn hay đáng vui đối với con cháu họ?