Trong thời Tam Quốc, người đương thời có câu: "Một Lã, hai Triệu, ba Điển Vi, bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi". Câu nói này nhằm tôn vinh 6 võ tướng mạnh nhất thời Tam Quốc, bao gồm: Lã Bố, Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi.
Trong số này, Trương Phi, võ tướng với "sức địch vạn người" ở dưới trướng của Lưu Bị, từng có dịp đơn đấu với không ít mãnh tướng đương thời. Một trong số đó có Mã Siêu. Theo đó, trong trận chiến ở ải Hà Manh, Trương Phi và Mã Siêu đã giao đấu 200 hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Gia Cát Lượng ngầm phán đoán rằng Trương Phi không thể đánh bại Mã Siêu, nên sau đó dùng kế để chiêu mộ về trướng của Lưu Bị.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng nếu Triệu Vân thay Trương Phi đơn đấu với Mã Siêu, kết quả sẽ ra sao?
Trên thực tế, Gia Cát Lượng đã sớm có chủ ý chọn võ tướng đơn đấu với Mã Siêu trước khi trận chiến ở ải Hà Manh diễn ra.
Cụ thể, năm 214, khi nghe tin Mã Siêu dẫn quân tới tấn công ải Hà Manh, Gia Cát Lượng là người đầu tiên bày tỏ suy nghĩ của mình với Lưu Bị. Ông cho rằng chỉ có Trương Phi hoặc Triệu Vân mới có thể ngăn cản được Mã Siêu. Do Triệu Vân không có mặt ở đó nên Gia Cát Lượng đã đề nghị Lưu Bị để Trương Phi ra ứng chiến.
|
Triệu Vân từng đánh bại nhiều võ tướng của Tào Tháo, trong đó có Hứa Chử.
|
Tuy nhiên, trước khi Trương Phi ra trận, Gia Cát Lượng cũng cố ý dùng lời lẽ khích tướng để Trương Phi phát huy hết sức chiến đấu. Sở dĩ Gia Cát Lượng làm như vậy vì ngay từ đầu ông cho rằng Trương Phi khó có thể đánh bại Mã Siêu nếu không cố hết sức.
Sau khi quyết định để Trương Phi ra trận, Gia Cát Lượng còn nói với Lưu Bị rằng để Trương Phi ra đánh trước và đợi Triệu Vân về rồi bàn chi tiết sau. Rõ ràng qua cách nói của Gia Cát Lượng cho thấy vị quân sư kỳ tài này tin tưởng và cho rằng thực lực cùng khả năng chiến đấu của Triệu Vân mạnh hơn so với Trương Phi.
Kết quả của trận đơn đấu kéo dài này là bất phân thắng bại. Quả nhiên, Trương Phi đã bung hết sức chiến đấu sau khi nghe những lời khích tướng của Gia Cát Lượng.
Sau trận chiến ở Hà Manh, Mã Siêu tuy đã đầu quân theo Lưu Bị, nhưng vẫn rất kiêu ngạo vì uy danh, gia thế vốn có cùng nhiều chiến công hiển hách. Hơn nữa, việc Mã Siêu liên tục được trọng dụng và cất nhắc đã khiến cho nhiều tướng tá dưới trướng của Lưu Bị tỏ ra bất mãn, trong đó có Quan Vũ.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ ở Kinh Châu nghe tin Mã Siêu theo hàng nên tỏ ra bất bình và viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi: "Siêu là bậc nhân tài nào, có thể so được với ai". Rất may là Gia Cát Lượng đã khéo léo viết một bức thư phúc đáp với nội dung không hạ thấp Mã Siêu, nhưng lại ca ngợi Quan Vũ.
Tóm lại, xét theo thái độ và hành động của Gia Cát Lượng, Lưu Bị, võ nghệ của Triệu Vân "miễn cưỡng" mạnh hơn Mã Siêu. Vậy, xét theo năng lực thực tế thì sao? Đáp án phần nào được tiết lộ qua Hứa Chử, mãnh tướng dưới trướng của Tào Tháo.
Nếu Triệu Vân thay Trương Phi đấu với Mã Siêu, kết quả bất ngờ!
Trước khi đầu quân cho Lưu Bị, Mã Siêu từng nổi dậy chống lại Tào Tháo. Mãnh tướng nổi tiếng này từng có dịp giao đấu với Hứa Chử, một trong những võ tướng mạnh nhất của Tào Tháo, ở bờ sông Vị Thủy. Trận đơn đấu kinh điển này kéo dài hơn 200 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại.
Trận đánh giữa Mã Siêu và Hứa Chử buộc phải kết thúc vì Tào Tháo bất ngờ can thiệp. Ông ra lệnh cho Tào Hồng và Hạ Hầu Uyên ra đánh giúp. Bàng Đức và Mã Đại ở phe của Mã Siêu cũng lao ra đánh giúp. Trận chiến rơi vào cảnh hỗn loạn, nên cuộc đơn đả độc đấu giữa Hứa Chử và Mã Siêu cũng kết thúc khi chưa phân thắng bại.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trận đơn đấu kéo dài giữa Hứa Chử và Mã Siêu cho thấy võ nghệ của hai người không có nhiều sự chênh lệch.
Thế nhưng, năm 201, ở Nhưỡng Sơn, khi Lưu Bị tháo chạy khỏi sự truy đuổi của quân Tào, Hứa Chử và Triệu Vân từng giao chiến lại có kết cục bất ngờ. Ban đầu, cả hai giao đấu mà không phân định kết quả. Đúng lúc này, hai viên tướng khác của Tào Tháo là Lý Điển và Vu Cấm cũng đuổi tới. Triệu Vân dù một mình bị bao vây giữa ba mãnh hổ nhưng vẫn chẳng chút nao núng.
Khi Lưu Bị chạy được một đoạn thì gặp phải quân Tào do Cao Lãm và Trương Cáp chỉ huy truy kích đuổi đến. Trong thời khắc nguy cấp, Triệu Vân đến kịp và đánh bại Cao Lãm, tướng của Tào Tháo, chỉ trong vòng chưa đầy 3 hiệp, đồng thời đánh lui được Trương Cáp chỉ sau 30 hiệp. Có thể thấy rằng Triệu Vân không chỉ có thể đột phá vòng vây của 3 mãnh tướng Hứa Chử, Lý Điển và Vu Cấm mà còn kịp thời đến cứu Lưu Bị. Lần lượt chạm trán với 5 võ tướng hàng đầu của Tào Tháo, trong đó có "Hổ hầu" Hứa Chử, nhưng Triệu Vân vẫn có thể đánh bại và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cho sự an toàn của Lưu Bị.
Nói cách khác, trong trận chiến này, rõ ràng Triệu Vân mạnh hơn Hứa Chử. Do đó, nếu thay thế Trương Phi trong trận đơn đấu ở ải Hà Manh, Triệu Vân nhất định có thể đánh bại được Mã Siêu. Hơn nữa, Triệu Vân không chỉ dũng mãnh phi thường mà còn có nhiều phẩm chất tuyệt vời của một võ tướng văn võ song toàn. Nếu có dịp phân cao thấp, việc ông đánh bại Mã Siêu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng phù hợp với quan điểm ban đầu của Lưu Bị và Gia Cát Lượng.