Mối tình bi kịch, ngang trái nơi cửa chùa

Google News

Biết sự việc, nhà sư ra sức khuyên giải nhưng công chúa Ngọc Anh vẫn không vơi đi tình yêu thương để cuối cùng nhà sư phải cự tuyệt. Để tránh duyên, sư Liễu Đạt lẳng lặng xin trở về chùa Từ Ân ở Gia Định...

Vị ni sư đưa chúng tôi đến xem bức ảnh treo trên cột giữa gian nhà khách. Bức ảnh chụp lại trang chữ Hán viết tay. Không rồng bay phượng múa, nét chữ rất chân phương hiền hòa.
Không hiểu được nội dung, chúng tôi vẫn cảm nhận được tâm trạng u buồn của người viết: công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh là con thứ 3 của vua Gia Long triều Nguyễn...
Chùa Đại Giác với ân tình của công chúa Ngọc Anh
Chúa Đại Giác - nơi có bức ảnh bút tích của công chúa Ngọc Anh - nằm trên bờ Cù lao Phố nhìn ra sông Đồng Nai, không xa cầu Ghềnh (KP Nhị Hòa, P. Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Đây là một trong 3 ngôi chùa lâu đời ở vùng đất Đồng Nai, ghi đậm chứng tích về sự truyền bá Phật giáo trong những ngày đầu cha ông đi mở cõi ở đất phương Nam.
Năm 1665, nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người đi thuyền tìm đến khu vực này để khẩn hoang đồng thời dựng lên chùa Đại Giác. Ban đầu, chùa được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, đơn sơ nhỏ hẹp. Năm 1779, trên đường bôn tẩu trốn tránh quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) đã mang theo vợ con đến trú ngụ tại chùa.
Người con thứ 3 của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Phúc Ngọc Anh vốn có duyên với của Phật đã lưu trú tại đây cho đến lúc Gia Long lên ngôi vào năm 1802 mới được triệu hồi về kinh.
Hoành phi Đại Giác tự của công chúa Ngọc Anh cúng năm 1820. 
Để bày tỏ lòng biết ơn, nhà vua đã lệnh cho quan quân địa phương tu bổ lại ngôi chùa. Ngoài ra, nhà vua còn cúng một pho tượng Phật A-di-đà bằng gỗ mít cao 2,25m. Pho tượng này hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa.
Năm 1820, vua Minh Mạng cho trùng tu lại chùa. Lần này, công chúa Ngọc Anh cúng một bức hoành phi mang 3 chữ Đại Giác Tự thiếp vàng, bên mặt có khắc: "Tiền triều hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh" hiện vẫn được treo trước chánh điện. Ngoài ra, công chúa còn cắn ngón tay lấy máu viết đôi câu đối gởi tặng chùa.
Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, chùa Đại Giác được trùng tu nhiều lần. Lần cuối cùng vào năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, chùa được xây cất lại toàn bộ bằng vật liệu hiện đại, tường gạch, cột bê tông cốt thép, có lầu chuông, lầu trống như ngày nay.
Chùa Đại Giác có diện tích khoàng 3000m2 với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Mặt tiền chùa quay theo hướng tây bắc, nhìn ra sông Đồng Nai. Giữa sân trước chùa là một cây bồ đề lớn, và pho tượng Phật Quan âm Nam Hải đứng trên tòa sen. Bên trái và phía sau là khu vườn rộng trồng cây trái. Bên phải là khu bảo tháp với nhiều mộ tháp của các vị trụ trì viên tịch.
Hiện nay chùa được dành cho các nữ tu. Chúng tôi đến thăm được các ni sư hướng dẫn tận tình. Chùa Đại Giác đã được xếp hạng là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia.
Câu chuyện tình nơi cửa chùa
Câu chuyện bắt đầu về một nhà sư pháp danh Liễu Đạt - Thiệt Thành hiệu Liên Hoa. Sư Liễu Đạt sinh năm nào, quê quán ở đâu không ai rõ. Chỉ biết, ông là một chân tu thuộc phái thiền Lâm Tế, được vua Gia Long phong làm quốc sư nhờ vào tư chất thông minh và phẩm hạnh cao đẹp. Năm 1813 ông được triệu về kinh để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ đồng thời phụ trách thuyết pháp trong cung vua.
Đại giác cổ tự. Góc trái phía dưới có bia công nhận di tích lịch sử. 
Nếu chỉ nói về tu hành, kinh kệ thì chưa đủ với nhà sư này. Chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm qua chút ngoại hình. Theo tài liệu còn lưu lại, sư Liễu Đạt rất đàn ông. Đẹp trai, oai nghiêm, đĩnh đạc. Đứng trước đông đảo Phật tử, ông thuyết giảng rất hấp dẫn, thu hút được nhiều người lắng nghe. Công chúa Ngọc Anh là người rất ngưỡng mộ tài năng và đức độ của nhà sư nên đem lòng yêu thương muốn ràng buộc tơ duyên.
Biết được sự việc, nhà sư ra sức khuyên giải nhưng công chúa Ngọc Anh vẫn không vơi đi tình yêu thương để cuối cùng nhà sư phải cự tuyệt. Để tránh duyên, sư Liễu Đạt lẳng lặng xin trở về chùa Từ Ân ở Gia Định...
Sự vắng mặt bất ngờ của nhà sư đã làm cho công chúa vô cùng hụt hẫng. Sau nhiều ngày biếng ăn, mất ngủ vì nhung nhớ, sức khỏe công chúa sa sút nghiêm trọng. Biết không thể giấu được công chúa, những người hầu cận đành phải tiết lộ tung tích nhà sư. Lấy cớ đi cúng dường, công chúa Ngọc Anh được hoàng huynh Minh Mạng cho phép xuôi về phương Nam và dừng chân ở chùa Từ Ân đất Gia Định.
Ở chùa Từ Ân nhiều ngày, công chúa vẫn không gặp được nhà sư. Không một ai có thể cho công chúa biết hành tung của người mình yêu. Điều này đã làm cho công chúa suy sụp nặng. Biết không thể giấu được, tăng chúng đành phải tiết lộ sư Liễu Đạt đã nhập thất 2 năm tại chùa Đại Giác. 
Tìm đến chùa Đại Giác, công chúa Ngọc Anh đứng thật lâu trước tịnh thất bày tỏ nguyên vọng mong muốn được gặp nhà sư lần cuối trước khi hồi kinh. Im lặng. Không một tiếng trả lời. Không nản, công chúa bày tỏ nếu không cho gặp mặt chỉ mong được nhìn thấy bàn tay...
Vài phút sau, từ ô cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào, một bàn tay ló ra. Ngọc Anh mừng rỡ nở nụ cười thật tươi rồi bỗng chốc nước mắt tuôn trào, Công chúa ôm bàn tay nhà sư hôn một cách trìu mến rồi sụp lạy. Nước mắt tuôn lã chã.
Canh ba đêm ấy, trong lúc mọi người đang say giấc, ngọn lửa từ tịnh thất nơi nhà sư trú ngụ bùng cháy dữ dội. Khi mọi người đến nơi chỉ còn lại đống tro tàn. Bới trong đống tro ấy, nhục thân của nhà sư đã bị cháy đen.
Ngọn lửa đã không thiêu được tình yêu của công chúa dành cho nhà sư. Vài ngày sau, công chúa tìm cách theo nhà sư bằng liều độc dược quyên sinh để lại cho hậu thế câu chuyện tình bi ai. 
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)