Trả lời báo giới trước cáo cuộc chùa Bồ Đề “bán” trẻ làm con nuôi để nhận số tiền lớn, trụ trì Thích Đàm Lan khẳng định: “Từ trước tới nay, nhà chùa chưa từng cho người ngoài nhận xin con nuôi. Dù có đưa bao nhiều tiền thì chúng tôi cũng sẽ không đồng ý. Cha mẹ đã bỏ các con một lần nên tôi không nỡ bỏ thêm lần nữa”.
Ở chùa, trẻ được chăm sóc nhưng vẫn thiếu hụt
Việc sư Đàm Lan nói dối hay nói thật chuyện không cho con nuôi, nhận tiền hay không nhận tiền, tạm không bàn đến. Cứ tạm tin rằng chùa Bồ Đề thực sự có chủ trương không cho bé nào trong số trẻ bị bỏ rơi mà họ đang cưu mang làm con nuôi, nhiều người quan tâm đến vụ việc vẫn đặt câu hỏi: Việc giữ trẻ lại chùa và cho trẻ làm con một gia đình nào đó, đằng nào có lợi cho các cháu hơn?
Theo tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn, các em bé đang nương náu ở chùa Bồ Đề có một may mắn là khi bị bỏ rơi, các em đã được nuôi nấng, có cái ăn, chỗ ở, được bảo đảm an toàn khỏi những cạm bẫy ngoài xã hội. Tuy nhiên, cơ hội cơ hội tiếp xúc, mở mang tầm nhìn lại rất hạn chế, bởi các bé chỉ sống biệt lập trong chùa, không ra ngoài.
|
Nhà mở chùa Bồ Đề, nơi nuôi dưỡng các em nhỏ bị bỏ rơi. |
“Trong môi trường của gia đình, có cha mẹ, anh chị, ông bà... thì đứa trẻ được nhận nuôi sẽ được sống đầy đủ hơn trong cảm xúc của gia đình. Ngược lại, trong các trung tâm bảo trợ, nhà chùa, trẻ được sống với trẻ khác, có người chăm sóc nhưng vẫn có sự thiếu hụt”, tiến sĩ Đinh Đoàn nói.
Theo chuyên gia tâm lý này, ở khía cạnh nào đó, trẻ lang thang, trẻ mồ côi sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn khi được một gia đình nhận nuôi, với điều kiện là họ nhận nuôi đứa trẻ vì nguyện vọng có con chứ không nhằm mục đích vụ lợi nào. Một đôi vợ chống hiếm muộn khát khao có một đứa trẻ thì sẽ dành hết tình yêu thương cho nó. Những đứa trẻ bị bỏ rơi nếu được vào một gia đình như vậy sẽ có cơ hội phát triển thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý tốt hơn nhiều so với việc sống ở các trung tâm bảo trợ.
Nếu được nuôi ở chùa hay trại mồ côi, theo tiến sĩ Đinh Đoàn, khi lớn lên một chút, các cháu sẽ có mặc cảm khi nhận thức được mình là trẻ bị bỏ rơi, cộng với việc không được tiếp xúc nhiều. Vì thế, phần lớn các em kém nhạy bén, chậm phản ứng, việc đoán bắt tâm lý người khác cũng kém do trải nghiệm khá ít.
Phần lớn các trung tâm bảo trợ trẻ em đều nhận thức được điều này nên mặc dù mở rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ không nơi nương tựa, họ luôn tạo điều kiện để các bé có được mái ấm. Khi có người đến xin con nuôi, nếu thấy phù hợp, họ sẽ cho đứa trẻ ấy nhận tổ ấm mới của nó, nơi đứa trẻ được yêu thương, nuôi dạy như một đứa con chứ không phải như đối tượng của lòng từ thiện.
Hiếm có trung tâm nào chủ trương giữ trẻ lại cho đến lúc trưởng thành, từ chối mọi đề nghị xin con nuôi của các gia đình khao khát có con như chùa Bồ Đề (nếu lời sư Đàm Lan là thật). Bởi cho dù ở chùa, các em có được ăn ngon mặc đẹp đến đâu thì cũng không thể có được niềm hạnh phúc như những trẻ có một mái ấm gia đình.
Nên xét đến nguyện vọng của trẻ
Nói về việc nên lưu trẻ bị bỏ rơi tại các trung tâm bảo trợ như chùa, nhà thờ, trẻ mồ côi… hay cho gia đình nào đó nhận nuôi, thạc sĩ tâm lý học Lã Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục (số nhà 18 -19, ngõ 259/5 Phố Vọng, Hà Nội) cho rằng, còn phải xét đến nguyện vọng của đứa trẻ.
“Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, trẻ từ 3 tuổi đã có thể bộc lộ xu hướng, mong muốn của mình, và đến 5 tuổi thì điều này thể hiện rất rõ. Vì thế, khi có người muốn xin con nuôi, nên hỏi xem trẻ muốn gì thay vì quyết định thay nó hoàn toàn”, thạc sĩ Linh Nga nói. “Nếu đứa trẻ muốn có một gia đình, có bố mẹ, anh chị em thì nên cho trẻ làm con nuôi sau khi xét kỹ điều kiện của người nhận nuôi bé, nhưng nếu trẻ muốn được sống trong môi trường hiện tại thì không nên ép cho đi”.
Với những em bé ít tuổi hơn, người lớn phải thay bé quyết định rằng, ở lại trung tâm bảo trợ và cho con nuôi, đằng nào tốt cho trẻ hơn. Tuy nhiên theo thạc sĩ Linh Nga, điều này cần phải được thực hiện theo đúng quy chuẩn như các nước tiên tiến, thay vì chỉ làm một cách cảm tính như Việt Nam. Ở phương Tây, ngoài việc xem xét nguyện vọng, điều kiện của người nhận nuôi, người ta còn làm các trắc nghiệm tâm lý với cả bố mẹ nuôi và đứa trẻ để xem hai bên có phù hợp với nhau không. Việc trắc nghiệm này có thể thực hiện với cả trẻ dưới 1 tuổi.
Quay trở lại trường hợp chùa Bồ Đề, thạc sĩ Lã Linh Nga cho biết bà và các cộng sự từng đến đây và nhận thấy, với điều kiện nuôi dưỡng chỉ đơn thuần là cho ăn ở, “bảo mẫu” chỉ là người khó khăn đi làm thuê kiếm sống như vậy, nếu có gia đình tử tế, yêu thương trẻ nhận nuôi thì đó chắc chắn là cơ hội tốt hơn cho trẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia Linh Nga lại một lần nữa nhấn mạnh, việc xét xem gia đình nào đủ tiêu chuẩn nhận con nuôi không nên làm một cách cảm tính mà phải theo quy chuẩn, như vậy mới đảm bảo an toàn cho trẻ. Bởi nếu bị cho nhầm chỗ, trẻ có thể sẽ phải chịu khổ nhiều hơn.